Lễ khai hội Xuân Ngọa Vân tri ân công đức Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/2 (tức mùng 9 Tết Mậu Tuất), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh) đã khai mạc Lễ hội Xuân Ngọa Vân năm 2018, sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của thị xã Đông Triều hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh.
Năm nay là năm thứ ba Lễ hội Xuân Ngọa Vân được tổ chức. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, hướng về cội nguồn; là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử và du khách hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều - vùng đất Phật trời Nam để dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm; cầu phúc, cầu tài cho một năm an lạc.
Sử sách ghi lại, Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, văn võ song toàn, người đã có những đóng góp to lớn cho đất nước, cho dân tộc. Bằng tài thao lược và sự anh minh, đức độ của mình, Ngài đã tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động mọi tiềm lực của nhân dân để tạo nên sức mạnh vô song, trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt làm nên những chiến công oanh liệt, đánh thắng đội quân Nguyên - Mông hung hãn và thiện chiến bậc nhất thời bấy giờ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc, khôi phục và đưa đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, xã hội phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong kỷ nguyên của văn minh Đại Việt.
Khi đang trên đỉnh cao quyền lực, ở tuổi 35, Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai là vua Trần Anh Tông, để lui về Thiên Trường làm Thái Thượng hoàng, xuất gia tập tu tại hành cung Vũ Lâm (tỉnh Ninh Bình). Năm 1299, khi vua Trần Anh Tông đã tự mình gánh vác việc trị nước, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu, núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ, sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt với tinh thần Phật giáo nhập thế, khai phóng và vị tha. Ngày 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), ngài hóa Phật tại Am Ngọa Vân (thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều ngày nay) kết thúc trọn vẹn hành trình tu hành - hóa Phật.
700 năm kể từ ngày Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên Ngọa Vân dựng am tu hành, các giá trị của chốn tổ Trúc Lâm đã được các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học tích cực nghiên cứu và khẳng định quần thể di tích Ngọa Vân có 15 điểm di tích, phân bố trên một không gian rộng lớn, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Nhận rõ những giá trị to lớn của miền “Thánh địa” - kinh đô Phật giáo Trúc Lâm, trong 10 năm qua, UBND thị xã Đông Triều đã tích cực phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh dồn tâm sức, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Ngọa Vân cũng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày khai hội Xuân Ngọa Vân đã trở thành ngày mà “muôn tâm” tụ về cõi Phật, nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Ngọa Vân trở thành điểm đến tâm linh mỗi độ Tết đến Xuân về.
TTXVN/Trung Nguyên