Lật giở các cuộn giấy Biển Chết
(TT&VH) - Kể từ khi được tìm thấy hồi những năm 1940 tới nay, các cuộn giấy ở Biển Chết đã gây tò mò về những chủ nhân đã kỳ công tạo ra chúng và đây được xem là một trong những bí ẩn tôn giáo lớn nhất. Mới đây, bí ẩn dường như đã có đáp án, sau khi các nhà khoa học đưa ra luận điểm chứng minh chúng là sản phẩm của một giáo phái Do Thái cổ gọi là Essenes.
Các cuộn giấy Biển Chết gồm 972 văn bản khác nhau, được tìm thấy trong giai đoạn từ năm 1947 tới 1956 tại nhiều hang đá nằm ở bờ phía Tây Bắc của Biển Chết.
Nhiều giả thuyết về chủ nhân các cuộn giấy cổ
Chúng được viết bằng tiếng Hebrew, Aramaic và Hy Lạp, phần lớn trên da thú, nhưng một số sử dụng giấy papyrus. Niên đại của các cuộn giấy này dao động từ năm 150 trước Công nguyên, tới năm 70 sau CN.
Các nhà nghiên cứu thường chia các cuộn giấy này theo ba nhóm, tùy thuộc vào nội dung của chúng. Theo đó nhóm đầu tiên chuyên ghi lại các nội dung trong Kinh Thánh Do Thái. Tổng dung lượng giấy chép kinh Thánh chiếm khoảng 40% các cuộn giấy đã được xác định nội dung. 30% là các bài thánh ca, thánh vịnh, tài liệu tôn giáo nhưng không thuộc các quy chuẩn của Do Thái giáo. Số còn lại là những văn bản với nhiều nội dung khác nhau như quy định của cộng đồng, các nguyên tắc ban phước lành, lịch, quy định thời chiến...
Các cuộn giấy này được đánh giá là một trong những phát hiện quan trọng, đã giúp nhân loại hiểm thêm về Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo thời xưa.
Đã có không ít những phỏng đoán khác nhau liên quan tới ai là người đã chắp bút viết ra những cuộn giấy Biển Chết và đưa chúng tới cất giấu trong hang động tại vùng Qumran của Israel.
Nhà khảo cổ Roland de Vaux, một trong những người đầu tiên tới kiểm tra các hang động ở Qumran, đã đánh giá những cuộn giấy được một giáo phái có tên Essenes viết ra. Rồi chính họ đã đem chúng cất giấu vào trong hang, theo sau các cuộc nổi dậy Do Thái chống lại sự thống trị của La Mã diễn ra từ năm 66 – 68 sau CN. Khu vực Qumran về sau bị tàn phá và các cuộn giấy vĩnh viễn nằm lại đó trong một thời gian rất dài, cho tới khi chúng được tìm thấy.
Song một số học giả khác lại cho rằng các cuộn giấy chỉ là sản phẩm của những người Do Thái ở Jerusalem viết ra, chứ không thuộc về một giáo phái nào cả. Một số nhà nghiên cứu như Karl Heinrich Rengstorf còn cho rằng chúng vốn nằm trong thư viện của Đền thờ Do Thái ở Jerusalem trước khi được ai đó mang tới hang.
Nhưng nhà nghiên cứu Norman Golb lại phản bác ý kiến này và nói rằng các cuộn giấy được đưa tới từ rất nhiều thư viện khác nhau trên đất Jerusalem, chứ không chỉ ngôi đền kể trên.
Nhiều hãng hàng không bối rối với tên khách hàng không dấu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Đáp án từ những mảnh vải?
Vừa qua, Orit Shamir, curator nghệ thuật tại Cơ quan Khảo cổ Israel (IAA) và Naama Sukenik, một sinh viên nghệ thuật ở Đại học Bar-Ilan, đã gây chú ý khi khẳng định các cuộn giấy Biển Chết là sản phẩm của giáo phái Essenes.
Họ đưa ra tuyên bố này sau khi xem xét khoảng 200 mảnh vải thu được từ cùng các hang động, nơi người ta đã tìm thấy các cuộn giấy cổ.
Cả hai thấy rằng chúng đều là loại vải lanh, vốn được sử dụng để làm các bộ trang phục hoàn chỉnh, trước khi bị cắt ra và tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như băng bó vết thương hoặc dùng để buộc các cuộn giấy cổ. Cần biết rằng len là chất liệu vải được ưa chuộng khi đó ở Israel, nhưng không một mảnh vải len nào được tìm thấy trong các hang động.
Họ cũng thấy một số mảnh vải có dấu vết tẩy trắng và phần lớn đều thiếu các hình trang trí, dù việc làm đẹp vải với màu sắc sặc sỡ là chuyện diễn ra phổ biến tại nhiều vùng đất thuộc về Israel cổ đại. Cả hai kết luận rằng điều này có nghĩa cư dân Qumran trọng sự giản dị, nhưng họ không nghèo khó bởi hầu hết các mảnh vải không có những miếng vá.
“Yếu tố miếng vá rất quan trọng vì nó cho thấy tình hình kinh tế khi đó” – Shamir nói.
Bà chỉ ra rằng các mảnh vải tìm được tại những di chỉ khảo cổ, nơi người dân sống dưới sức ép lớn và có điều kiện kinh tế khó khăn, thường có rất nhiều miếng vá.
Robert Cargill, một giáo sư tại Đại học Iowa, người đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về Qumran, cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói rằng nhiều dấu tích còn lại tới nay cho thấy những người sống trong các hang ở Qumran biết nuôi gia súc, làm đồ gốm, làm mật ong và hẳn đã bán những món hàng này để thu tiền nên không bị nghèo. Shamir còn bác bỏ khả năng các mảnh vải được những người dân thường mang vào hang khi chạy trốn quân đội La Mã. Nếu giả thuyết là như vậy, nhiều loại vải phổ biến dưới thời Israel cổ như len có thể đã xuất hiện trong hang.
Trong nghiên cứu của mình, Shamir và Sukenik nói rằng vải lanh tìm thấy trong các hang động ở Biển Chết rất giống với mô tả về trang phục của giáo phái Essenes, cho thấy có thể họ dành nhiều thời gian sống ở Qumran và viết nên các cuộn giấy cổ. Họ viện dẫn chứng của một nhà văn Do Thái cổ là Flavius Josephus, nói rằng người Essenes "thích giữ làn da khô và mặc quần áo vải trắng”, giống một số miếng vải có trong hang. Cả hai còn dẫn lời một nhà văn cổ khác là Philo ở Alexandria nói rằng thành viên giáo phái Essenes thích mặc các trang phục “đơn giản, đời thường”.
Chưa có đáp án chính xác
Hiển nhiên những nghiên cứu của họ đã vấp phải nhiều sự phản đối.
Yuval Peleg, một thành viên khác của IAA cho biết ông không đồng tình các suy luận của hai người trên. Theo ông, sự xuất hiện của vải lanh ở trong hang không có nghĩa nó đương nhiên thuộc về giáo phái Essenes.
Ông cũng chỉ ra rằng nhà văn Josephus chưa từng nói gì về việc trang phục của người Essenes làm từ vải lanh.
Những người như Robert Cargill lại có quan điểm trung hòa hơn. Ông đồng tình với giả thuyết của Shamir và Sukenik rằng các tấm vải là chứng cứ cho thấy có một giáo phái Do Thái, không nhất thiết là Essenes, đã từng sống trong hang động ở Qumran. “Anh có các bằng chứng về một nhóm người biết nuôi gia súc, làm mật ong, mặc các bộ trang phục không giống với nơi khác, có lịch riêng... Đó là dấu hiệu của một giáo phái” – ông đánh giá. Ông cũng tin rằng người sống ở Qumram chắc chắn đã viết một vài cuộn giấy cổ và chịu trách nhiệm mang những cuộn giấy từ nhiều nơi khác tới đây để cất giấu. Nhưng thực sự những con người này là ai thì Cargill, cũng như rất nhiều nhà nghiên cứu khác, không thể có câu trả lời chính xác.
Tường Linh