A+ A A- Kiểu đọc sách

Lại tranh cãi quanh cái chết của Adolf Hitler

10:12 01/10/2009
loading...
(TT&VH) - Thông tin chính thức từ trước tới nay vẫn khẳng định trùm phát xít Đức Adolf Hitler chết năm 1945. Nhưng thỉnh thoảng lại bùng lên những giả thuyết phủ định điều này. Gần đây người Mỹ đã đưa ra một giả thuyết mới, cho rằng mảnh sọ mà phía Nga nói là của Hitler thực ra thuộc về… một phụ nữ (!).

Mảnh xương sọ gây nghi vấn

Ngày 30/4/1945, khi Hồng quân rầm rập tiến vào Berlin, Adolf Hitler và vợ là Eva Braun đã cùng tự sát trong hầm ngầm của Quốc trưởng Đức. Các nhân chứng nghe có một tiếng súng nổ và sau đó nhìn thấy thi thể của hai vợ chồng Hitler. Các nhân chứng cho biết Eva đã cắn thuốc độc cyanure tự sát còn Hitler vừa uống thuốc độc vừa dùng súng bắn vào đầu. Thi thể của họ đã được thiêu ngay tại khu vườn nằm phía ngoài hầm ngầm.

Đó là những gì thế giới biết về cái chết của Hitler. Một số sử gia đã nghi ngờ về giả thuyết Hitler tự bắn vào đầu. Họ cho rằng đây chỉ là màn kịch của bộ hạ Hitler để tôn vinh ông ta chết “như một vị anh hùng”. Nhưng bằng chứng mà người Nga đưa ra trưng bày năm 2000, một mảnh sọ có lỗ đạn, đã dẹp tan mọi nghi ngờ.


Hitler và vợ - Eva Braun

Song giờ đây mảnh sọ này cũng bị nghi vấn nốt. Nhằm tìm hiểu về cái chết của Hitler, hồi tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học của Mỹ tham gia thực hiện loạt phim tài liệu Hitler’s Escape (Cuộc đào tẩu của Hitler) đã tới Nga. Họ đã kiểm tra mảnh xương sọ và phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Theo nhà khảo cổ và chuyên gia về xương Nick Bellantoni, mảnh sọ nói trên không phải là của Hitler. “Xương sọ này quá mỏng, trong khi xương sọ của đàn ông thường dày hơn. Những đường rãnh trên hộp sọ cũng cho thấy nó thuộc về một người dưới 40 tuổi” - ông nói. Cần biết rằng vào tháng 4/1945, Hitler đã 56 tuổi.

Bellantoni đã tới Moskva để xem xét mẫu sọ trên, hiện được cất giữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Nga. Ngoài mảnh xương, cơ quan lưu trữ còn có chiếc ghế sofa dính máu Hitler khi ông ta tự sát. Bellantoni nói rằng ông chỉ được phép xem xét mảnh sọ trong khoảng 1 giờ. Ông đã sử dụng những miếng gạc vô trùng để quét qua hộp sọ và lấy đi một số mẫu ADN. “Tôi có những bức ảnh tham khảo do Liên Xô (cũ) chụp chiếc ghế vào năm 1945 và tôi thấy đúng những vệt máu đó trên đúng một kiểu gỗ và vải. Vì thế tôi nghĩ mình đang làm việc với đồ thật” - ông nói.

Mẫu ADN sau đó được chuyển trở lại Connecticut, Mỹ. Tại Trung tâm Nghiên cứu gien ở Trường Đại học Connecticut, cộng sự của Bellantoni là Linda Strausbaugh đã nghiên cứu rất kỹ mẫu ADN của Hitler. Một lượng nhỏ ADN đã được trích xuất, phân tích và cho kết quả bất ngờ: Mảnh xương sọ được cho là của Hilter thực ra thuộc về một phụ nữ.

Ngoài ra, Bellantoni cho biết ông còn phát hiện một số điểm không tương đồng giữa các thông tin liên quan tới việc Hitler bị bắn và mảnh xương. Chẳng hạn, thông tin chính thức nói rằng Hitler đã tự bắn vào đầu từ bên phải, chỗ gần thái dương. Song qua xem xét mảnh sọ, Bellantoni khẳng định viên đạn đi ra phía sau gáy. Điều đó có nghĩa chủ nhân của mảnh sọ đã bị bắn thẳng vào mặt, miệng hoặc dưới cằm.

Phía Nga phản pháo

Những nghiên cứu của người Mỹ đã mang tới một thông điệp rõ ràng: Mảnh xương mà người Nga đào được từ nơi thiêu xác Hitler không phải là của trùm phát xít Đức. Bằng chứng còn lại về vết máu do đó cũng trở nên mất giá trị. Một số người liền đặt ra giả thuyết về việc Hitler đã trốn thoát hồi năm 1945.

Kết luận của Bellantoni đã khiến dư luận thế giới ngạc nhiên. Tuần này, các phóng viên Nga và Ukraina đã có kế hoạch phỏng vấn Bellantoni tại Trường Đại học Connecticut, nơi ông đang giảng dạy, nhằm hỏi về kỹ thuật mà Bellantoni và hai cộng sự sử dụng để đánh giá mảnh hộp sọ.


Mảnh sọ được cho là của Hitler tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Nga

Tuy nhiên, trong câu chuyện đã xuất hiện một tình tiết thú vị mới. Phía Nga tuyên bố ông Bellantoni chưa từng đặt chân tới Cơ quan Lưu trữ Quốc gia của họ. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Vladimir Kozlov, Phó Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Nga, nói rằng trong vòng 4 năm qua, không có dữ liệu nào cho thấy ông Bellantoni đã tới cơ quan này.

Loạt phim tài liệu trên History Channel có cảnh Bellantoni đang cầm một mảnh sọ vỡ của Hitler và gỡ từ đó 5 mảnh nhỏ để mang đi xét nghiệm. Nhưng ông Kozlov tuyên bố chẳng có nhân viên lưu trữ nào của Nga lại cho phép một nhà khoa học Mỹ làm việc này. Ngoài ra, ông Kozlov khẳng định, dù mảnh sọ đó là của phụ nữ thì điều này cũng không thay đổi thực tế rằng Hitler đã chết. Theo ông, phía Nga vẫn giữ một phần xương hàm của Hitler với đầy đủ thông tin về răng cho thấy nó thuộc về trùm phát xít Đức.

Bác lại thông tin từ phía Nga, một đại diện của History Channel đã gửi thư điện tử đến tờ Hartford Courant, nói rằng họ được chính Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Nga cho phép tiếp cận với mảnh sọ của Hitler. “Chúng tôi có tài liệu liên quan tới chuyến thăm (Nga). Đó là một hợp đồng cho phép chúng tôi được sử dụng các tài liệu của Nga liên quan tới cái chết của Adolf Hitler và cuộc điều tra sau đấy, bao gồm cả một biên lai phí vào cửa (để quay phim bên trong cơ quan lưu trữ)” - bức thư viết. Bellantoni cũng khẳng định không có gì phải tranh cãi quanh chuyến thăm kéo dài 6 ngày của ông tới Nga. “Việc tôi đã đến đó hoàn toàn là sự thật. Tôi còn xuất hiện trong máy ghi hình của họ” - ông nói.

Cuộc tranh cãi này chưa biết tới bao giờ mới chấm dứt. Nhưng có một điều rõ ràng là dù 64 năm đã trôi qua nhưng chuyện gì thực sự xảy ra tại hầm ngầm của Hitler ngày 30/4/1945 vẫn là một bí ẩn mà lịch sử chưa có câu trả lời trọn vẹn.

Gia Bảo
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...