loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, song chế phẩm này vẫn có thể giúp ngăn bệnh tiến triển nặng ở những bệnh nhân mắc Covid-19, qua đó giảm nguy cơ phải nhập viện.
Lo ngại sự xuất hiện của biến thể Delta có thể đảo ngược thành quả phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang lên kế hoạch triển khai tiêm liều vaccine tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của biến thể có khả năng lây nhiễm cao này.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong báo cáo được công bố ngày 30/8, Viện Y tế công cộng của Bỉ (Sciensano) cho biết với đặc điểm dễ lây lan, biến thể Delta cũng có khả năng kháng lại các loại vaccine cao hơn các biến thể khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi có sự khác nhau về mức độ bảo vệ của vaccine tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng (vaccine mRNA dường như hiệu quả hơn một chút so với vaccine dựa trên cơ chế vector adenovirus), vaccine vẫn phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển nặng khi mắc COVID-19. Theo số liệu của các cơ quan y tế Mỹ, 90% trường hợp nhập viện hoặc tử vong xảy ra ở những bệnh nhân không được tiêm chủng đủ liều. Ở Bỉ, chỉ 2,5% số người nhập viện kể từ tháng 1 năm nay đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Dữ liệu mới nhất của Sciensano còn cho thấy khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng cũng thấp hơn nhiều, từ 52% đến 62%. Đối với các trường hợp đã tiêm chủng, nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số ít trường hợp đã tiêm chủng và nhiễm bệnh vẫn có khả năng lây lan bệnh cho người khác tương tự những người đã mắc bệnh mà không tiêm phòng.
Đó cũng là lý do mà giới chức y tế Bỉ quyết định kể từ ngày 1/9, tất cả những người tiếp xúc có nguy cơ cao, kể cả những người đã được tiêm chủng đủ liều, sẽ phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ nhất và ngày thứ bảy.
Ngày 31/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ tử trong đợt bùng phát lớn nhất ở bang Victoria vào năm 2020 và làn sóng biến thể Delta hiện đang tấn công bang New South Wales (NSW).
|
Theo các chuyên gia y tế Bỉ, những người bị suy giảm miễn dịch (khoảng 400.000 người ở Bỉ) sẽ cần tiêm mũi vaccine tăng cường để kích thích hệ miễn dịch. Điều này cũng có thể được áp dụng đối với những người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu hơn. Tuy nhiên, với dân số nói chung, vấn đề này chưa được xem xét.
Giáo sư miễn dịch học Michel Moutschen thuộc Đại học Liège của Bỉ cho rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho toàn dân là cồng kềnh và tốn kém, đặc biệt khi lợi ích của biện pháp này chưa được xác định.
Về thời gian bảo vệ của vaccine, một nghiên cứu của Anh, được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập từ khoảng 1 triệu người dùng ứng dụng Zoe Covid, cho thấy 1 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, vaccine của Pfizer có thể đạt hiệu quả phòng bệnh là 88%, nhưng khả năng bảo vệ này giảm xuống còn 74% sau 5 đến 6 tháng.
Đối với vaccine của AstraZeneca, hiệu quả giảm từ 77% một tháng sau khi tiêm mũi thứ hai xuống còn 67% sau 4 đến 5 tháng. Mặc dù vậy, những tỷ lệ này vẫn được đánh giá tích cực.
Trong khi đó, một nhà miễn dịch học khác tại Đại học Liège cũng nhấn mạnh rằng nếu mức độ kháng thể do vaccine tạo ra giảm theo thời gian, điều đó không có nghĩa là cơ thể không có khả năng phòng vệ. Các tế bào bộ nhớ rất nhanh chóng sản xuất ra những kháng thể mới song với tốc độ chậm, đồng nghĩa virus vẫn sẽ lây lan đến màng nhầy.
Tuy nhiên, tuyến phòng thủ thứ hai đã sẵn sàng. Điều này lý giải tại sao vaccine có thể giúp ngăn bệnh tiến triển nặng một cách hiệu quả và phần lớn các trường hợp mắc bệnh sẽ có ít triệu chứng.
TTXVN
loading...