Khai quật thi hài Tổng thống Arafat: Khó truy tìm chất phóng xạ
(thethaovanhoa.vn) - Thi hài của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat hôm 27/11 đã được khai quật từ phần mộ của ông để các chuyên gia quốc tế tìm kiếm nguyên nhân khiến ông tử vong, trong bối cảnh có tin đồn nói rằng ông bị đầu độc.
Thi hài của Yasser Arafat đang được mai táng trong một lăng mộ lát đá bên ngoài thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây. Đầu tháng này, hoạt động ra vào lăng mộ đã bị phong tỏa.
Có phải ông Arafat đã bị ám hại bằng phóng xạ độc? |
Tuy nhiên, dù có tới hàng trăm phóng viên vây bên ngoài khu tòa nhà Tổng thống ở Ramallah, nơi đặt lăng mộ Arafat, họ vẫn chẳng thu được nhiều thông tin giá trị. Đơn giản bởi khu vực lăng mộ đã được che chắn kỹ bằng vải bạt màu xanh và phóng viên không được vào trong nên họ chỉ có thể đoán mò về những gì đang diễn ra.
Toàn bộ hoạt động khai quật thi hài cuối cùng đã diễn ra chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ban đầu người ta tưởng rằng thi hài Arafat sẽ được đưa từ một lăng mộ tới một thánh đường gần đó để các bác sĩ Palestine có thể lấy mẫu từ xương của ông. Nhưng việc này đã không xảy ra bởi các nhà khoa học đã có thể lấy mẫu thử mà không làm suy chuyển thi hài ông.
Các quan chức Palestine cho hãng tin AFP biết rằng theo Hồi giáo, chỉ có một bác sĩ Palestine được chạm trực tiếp vào thi hài và lấy các mẫu thử. Tuy nhiên, toàn bộ quy trình đã được diễn ra trước mắt một đội các khoa học gia tới từ Nga, Thụy Sĩ và Pháp. Họ sẽ tiến hành thử nghiệm để tìm ra dấu vết polonium-210 và có thể là các độc chất khác ở tại quê nhà.
Tới trưa ngày 27/11, các phóng viên được thông báo rằng lăng mộ đã được đưa trở lại nguyên trạng. Người ta đã chuẩn bị một nghi lễ chôn cất lại thi hài Arafat với đầy đủ nghi thức quân sự. Nhưng có vẻ như việc này là không cần thiết bởi thi thể của ông không được đưa lên khỏi mộ.
Khu lăng mộ của Arafat đã được phong tỏa với vải bạt xanh che kín bên ngoài để tránh các cặp mắt tò mò |
Nghi vấn hạ độc
Sau cuộc khai quật, người ta sẽ phải chờ rất lâu, có thể tới vài tháng, trước khi kết quả xét nghiệm được công bố. Với nhiều người Palestine, dù kết quả có là gì đi nữa thì nó cũng tạo nên rất ít sự khác biệt. Phần lớn đều tin rằng Israel đã ám hại lãnh tụ của họ, điều Tel Aviv bác bỏ.
Arafat, người lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trong 35 năm và trở thành Tổng thống đầu tiên của Chính quyền Palestine trong năm 1996, đã bị ốm nặng vào tháng 10/2004. 2 tuần sau ông được đưa tới một bệnh viện quân sự của Pháp nằm tại Paris, nơi ông qua đời vào ngày 11/11.
Hồi năm 2005, tờ New York Times đã thu được một bản hồ sơ y tế của Arafat, trong đó nói rằng ông tử vong do xuất huyết ồ ạt gây đột quỵ, hình thành từ một căn bệnh gây viêm nhiễm rất lạ. Các chuyên gia độc lập xem xét hồ sơ y tế này kết luận rằng khó có khả năng Arafat bị đầu độc.
Polonium-210 là một nguyên tố phóng xạ hiếm, độc hơn nhiều lần so với chất độc cyanide nổi tiếng. Nạn nhân của nó bao gồm Alexander Litvinenko, một cựu điệp viên của Nga đã thiệt mạng ở London hồi năm 2006 khi người ta nhỏ polonium vào ly chè ông uống ở một nhà hàng. |
Nhưng năm nay, Đài Truyền hình Al -Jazeera kết hợp với Viện Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân (IRA) tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, đã tìm thấy dấu vết của "một lượng đáng kể" chất độc polonium-210 trong các đồ dùng cá nhân của Arafat, gồm chiếc khăn trùm đầu mà ông vẫn đội. Lượng phóng xạ cao nhất được tìm thấy ở các món đồ có dính dịch cơ thể. Ví dụ như bàn chải đánh răng có nồng độ phóng xạ là 54 millibecquerel (mBq); quần lót là 180mBq. Tới tháng 8, cơ quan công tố Pháp đã quyết định tiến hành điều tra âm mưu sát hại Arafat.
Được biết vợ ông Arafat, bà Suha, đã từng phản đối rất mạnh việc mổ tử thi ông Arafat để kiểm tra nguyên nhân cái chết vào thời điểm ông qua đời. Nhưng mới đây, chính bà đã chủ động đề nghị Chính quyền Palestine cho phép việc khai quật thi hài chồng để "vén màn sự thực".
Không dễ tìm ra ẩn số
Song giới phân tích nói rằng việc khai quật và xét nghiệm thi hài của Arafat có thể không giúp giải quyết bí ẩn. Polonium-210 phân rã nhanh và một số chuyên gia nói rằng không rõ có còn mẫu phóng xạ nào còn tồn tại trong thi hài hay không.
Đây là một nguyên tố phóng xạ hiếm, độc hơn nhiều lần so với chất độc cyanide nổi tiếng. Nạn nhân của nó bao gồm Alexander Litvinenko, một cựu điệp viên của Nga đã thiệt mạng ở London hồi năm 2006 khi người ta nhỏ polonium vào ly chè ông uống ở một nhà hàng.
Roland Masse, một thành viên của Học viện Y học (Academie de Medecine) danh giá của Pháp, đã nói trên báo chí Israel gần đây rằng ông Arafat từng được kiểm tra ngộ độc phóng xạ và nếu ông bị đầu độc, chắc chắn người ta sẽ tìm ra dấu vết khi đó.
“Một liều polonium gây chết người đơn giản là không thể lọt qua lưới phát hiện dễ dàng" - ông nói - "Khi tiếp xúc với polodium liều cao, cơ thể sẽ bị nhiễm độc phóng xạ cấp tính, vốn sẽ gây thiếu máu và giảm nghiêm trọng lượng bạch cầu. Và Arafat không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào như thế. Thứ suy giảm duy nhất trong cơ thể ông ấy là các tiểu huyết cầu chứ không phải tế bào bạch cầu".
Các bác sĩ nói rằng nhiễm độc phóng xạ thường khiến nạn nhân bị rụng hết lông tóc, gồm cả lông mi và lông mày, chỉ trong vòng từ 2-3 ngày. Điều này đã không xuất hiện trong trường hợp của Arafat, bởi ông vẫn còn bộ râu bạc, ngay cả khi được đưa tới bệnh viện ở Pháp. Và giả dụ Israel có giết Arafat thật thì chắc chắn họ phải có sự giúp đỡ từ một nhân vật nội gián cao cấp. Và vì thế bí ẩn cùng những rắc rối liên quan vì thế sẽ chỉ thêm lớn hơn mà thôi.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa