loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiến dịch giải phóng thành phố Mosul ở Iraq đã đi đến hồi kết khi các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đẩy lui ra sa mạc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là IS đã tận số.
Sau 9 tháng giao tranh dữ dội, lực lượng An ninh Iraq đã tiến đến dọc hai bên bờ sông Tigris ở Mosul. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố ăn mừng chiến thắng trước IS tại thành phố lớn thứ hai quốc gia này.
Trong khi đó, ở Raqqa (Syria), lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn cũng đã bao vây cô lập lực lượng IS. Các cuộc không kích nhằm xuống nguồn thu của IS, đặc biệt là dầu mỏ và "bộ máy lãnh đạo" của chúng đã khiến IS suy yếu trầm trọng khả năng tổ chức và duy trì lực lượng.
Tuy nhiên, IS đã lên kế hoạch trước cho ngày hôm nay. Quan chức Mỹ cho biết các nhân vật cấp cao IS di chuyển bằng những đường hầm ở trong thung lũng Euphrates quanh thành phố Deir Ezzor nằm ở phía đông Syria – địa điểm cuối cùng mà tổ chức nắm ưu thế.
Trước khi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích năm ngoái, phát ngôn viên của IS, Abu Mohammed al-Adnani khẳng định thất bại tại Mosul và Raqqa không phải là dấu chấm hết cho tổ chức.
Thậm chí, khi vùng đất IS kiểm soát bị co hẹp lại, “bộ máy nhà nước” bị sụp đổ, thì hệ tư tưởng vẫn còn. Đối với phần lớn người dân đã từng trải qua luật lệ hà khắc dưới sự thống trị của IS, ký ức chỉ còn xoay quanh khủng bố và những điều khó khăn. Nhưng đối với một số đối tượng thuộc dòng Hồi giáo Sunni ở Iraq và Syria, cuộc chiến vẫn còn tiếp tục.
Ngay từ khi thành lập, IS đã chuẩn bị cho ngày mà “nhà nước” lụi tàn. Có một câu nói của Nhà tiên tri Muhamad mà IS thường trích dẫn để truyền bá cho tín đồ: “Một đội quân chiến binh chiến thắng từ những tín đồ của ta sẽ tiếp tục chiến đấu vì sự thật”.
Trong suốt thập kỷ qua, IS đã nuôi dưỡng tư tưởng ăn sâu trong cộng đồng người Sunni ở Iraq, phát triển một mạng lưới tay chân gây dựng nguồn thu, giành lấy vũ khí và hoạt động bí mật trên một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Diyala ở phía đông cho đến Rutbah giáp với biên giới Jordan.
Một đặc điểm mà giới quan sát có thể nhận ra trong các cuộc không kích gần gây là cách IS chống chọi tại những nơi như thành phố Fallujah và Baiji. IS có thể xâm nhập vòng an ninh tại Baghdad để kích hoạt bom xe. Chúng đang quay trở lại lối tấn công mà chúng thành thạo nhất – tấn công nhanh, linh động và bất ngờ.
Gia nhập các tổ chức cực đoan khác
Một trong những lựa chọn sống sót của các tay súng thánh chiến IS là phá bỏ lời thề và gia nhập các nhóm cực đoan khác. Tại Syria, chúng có thể lựa chọn một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda - nhóm Jabhat Fateh Al-Sham. Tuy nhiên, việc này có thể khó khăn cho các đối tượng vốn là thành viên của IS vì hai tổ chức này có mối thâm thù đẫm máu và đã công khai đối đầu nhau 3 năm về trước. Trong khi đó, tại Iraq, cũng chỉ còn ít sự lựa chọn cho các tay súng cực đoạn vì IS nhiều lần tấn công đối thủ trong khu vực.
Sự suy yếu của IS được cho là cơ hội cho khủng bố al-Qaeda bành trướng ở Iraq, Syria và nhiều nước khác. Chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố Bruce Hoffman nhận xét một vài tay súng sẽ coi al-Qaeda là sự lựa chọn duy nhất để tiếp tục con đường của mình.
Về nhà làm "sói đơn độc"
Đối với các tay súng nước ngoài, thi việc sống sót tại Iraq và Syria sau khi IS bị đánh bại là rất khó khăn. Đối với giới chức phương Tây, các tay súng này sẽ trở thành mối đe dọa lớn khi chúng trở về quê hương, thực hiện các cuộc tấn công “sói đơn độc” cũng như tuyển chọn thêm các thành viên mới và triển khai lại mạng lưới ngầm.
Hiện việc uớc tính còn bao nhiêu tay súng nước ngoài cố thủ tại Iraq và Syria cực kỳ khó khăn. Với những tên đã bị tiêu diệt tại Mosul, Raqqa và Palmyra, tính đến cuối năm 2016, liên quân do Mỹ dẫn đầu tính toán tổng số các tay súng nước ngoài còn dưới 15.000 tên.
Phát triển các nhánh IS nước ngoài
Thay vì mạo hiểm trở về nhà, một số thành viên IS có thể tìm cách đến những vùng đất thánh chiến mới. Đã xuất hiện bằng chứng cho thấy đã có hàng trăm tay súng cực đoan tới những tỉnh khác mà IS kiểm soát, hoặc Libya – nơi mà được cho rằng đó là kế hoạch B của tổ chức khủng bố này.
Trong khi đó, dọc khắp thế giới suốt 3 năm qua, từ vùng Bắc Caucasus ở Nga cho đến Nigeria đã xuất hiện nhiều băng nhóm phiến quân treo cờ hoặc khẩu hiệu đen, thề trung thành với IS.
Hình thức của các nhóm đó đa dạng, từ vài chục người ẩn mình trong núi rừng cho đến các tổ chức phức tạp hơn và có nguồn quỹ, liên hệ mật thiết với giới chức chóp bu của IS. Một trong tổ chức tiêu biểu có khả năng gây thương vong nặng nề đối với quân đội các nước sở tại là nhóm nổi dậy ở Bán đảo Sinai (Ai Cập).
ISIS 2.0
Nhóm đối tượng mà ít người dự đoán có thể gây dựng "Nhà ước Hồi giáo" thứ hai là các tín đồ ảo – những cá nhân bị truyền bá tư tưởng cực đoan qua Internet và nuôi dưỡng sự hận thù – có thể bất ngờ gây ra các hành động bạo lực.
Hai vụ tấn công gây chết người ở Mỹ - xả súng ở câu lạc bộ đêm Orlando (2016) và ở San Bernadino (2015) khiến hàng chục người thương vong – đều được thực hiện theo hình thức này. hai vụ cũng giống như vụ tấn công xe tải ở Nice năm ngoái và hàng loạt các vụ tấn công khác do IS kích động xảy ra trên khắp châu Âu.
Thủ phạm của những vụ nói trên đều là các cá nhân bị truyền bá tư tưởng IS, trong lòng nuôi mối hận thù cá nhân sâu đậm và không hề có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp với IS. Những cá nhân này bị cực đoan hóa qua những gì chúng đọc và nghe qua Internet, bị xúi giục từ những bài giảng đạo và diễn thuyết cực đoan trên mạng xã hội.
Kế hoạch hậu chiến
Cho dù IS có hồi sinh từ tro tàn, thì việc chúng hồi sinh tới đâu sẽ phải phụ thuộc vào kế hoạch phát triển của chính quyền các nước sau khi đánh bại chúng. Việc IS có thể hồi sinh hay không sẽ phụ thuộc Iraq làm thế nào để giải quyết tình trạng hậu chiến tại thành phố Mosul và liệu thỏa thuận ở về tương lai của Syria – có sự liên quan của Nga và Mỹ - có thu hẹp cơ hội của chúng.
Đối với Mosul, thành lập bộ máy chính quyền và tái thiết xây dựng là điều cần thiết. Tuy nhiên, chính phủ Iraq lại không có kinh nghiệm trong việc này. Hiện vẫn chưa có bất kỳ kể hoạch thống nhất nào được đưa ra để quản lý thành phố, và người Sunni tại Mosul vẫn đang phải đề phòng trước các tay súng Shi'ite còn nhăm nhe ở cửa ngõ.
Quân đội Iraq, được sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu, cuối cùng đã giải phóng hoàn toàn Mosul, sào huyệt lớn nhất của IS tại Iraq, kết thúc thắng lợi chiến dịch đẫm máu kéo dài gần 9 tháng qua.
Từ trước đến nay, IS luôn lợi dụng mâu thuẫn giữa các bên và truyền bá chủ nghĩa khủng bố cho cộng đồng người dân khiến họ phục tùng. Có thể thấy rõ nhất chúng làm điều này ở tỉnh Diyala. Nhà phân tích Michael Knights nhấn mạnh nếu như không có nỗ lực xây dựng hòa bình giữa các sắc tộc và đảng phái thì nền chính trị ở Diyala sẽ giúp IS thu nhận nhiều tín đồ thêm trong những năm tới.
Mặc dù cờ IS đã bị hạ xuống tại Raqqa, Mosul và một số nơi, song có thể rất lâu thế giới mới loại bỏ được khả năng IS tiến hành khủng bố, lợi dùng vùng lãnh thổ không được quản lý và kích động mối hận thù giữa các bè phái và sắc tộc.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
loading...