loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh viện hết chỗ, bác sĩ phải chọn ai được sống và ai phải chết, dòng người xếp hàng dài chờ mua oxy, hơn nửa triệu bệnh nhân phải tự cách ly tại nhà, xe cứu thương rú còi inh ỏi trên phố hay hối hả vào ra các khu nghĩa địa chôn cất nạn nhân COVID-19… Trong khi đó, nhiều đền thờ, địa điểm du lịch vẫn mở cửa đón tín đồ tới cầu nguyện hay nghỉ dưỡng, và các tuyến đường nội ô vẫn khá đông người qua lại dù trong thời gian phong tỏa khẩn cấp.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt 3 triệu ca kể từ khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á này cũng trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Chiều 22/7, Indonesia vượt mốc 3 triệu ca mắc COVID-19 trong bối cảnh như vậy. Điều đáng nói là nếu ngưỡng một triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận sau 11 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát ở Indonesia, thì chỉ 5 tháng, con số này là 2 triệu ca và thêm đúng một tháng để tăng thành 3 triệu. Số ca tử vong ngày 22/7 cũng là cao nhất từ trước đến nay, 1.449 ca. Như vậy, tới nay COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 79.000 người ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.
Những gì đang diễn ra là một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hết sức trầm trọng mà Indonesia phải đối mặt. Chỉ trong một thời gian ngắn, quốc gia Đông Nam Á này đã lần lượt vượt qua hai “tâm dịch” là Ấn Độ và Brazil để đứng đầu thế giới về số ca mắc mới và tử vong trong ngày do COVID-19.
Dù gây sốc cho nhiều người, con số thống kê chính thức được Bộ Y tế Indonesia công bố hằng ngày chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính hiện ở mức trên dưới 30% và quy mô xét nghiệm rất thấp. Theo trang worldometers.info, Indonesia mới chỉ tiến hành 23,8 triệu xét nghiệm COVID-19, đạt mức trung bình 86.129 xét nghiệm trên mỗi triệu dân. Để so sánh, cho đến nay Ấn Độ - quốc gia nhiều tuần liền là điểm nóng nhất trên bản đồ đại dịch của thế giới - đã thực hiện hơn 447 triệu xét nghiệm, đạt tỷ lệ 320.851 xét nghiệm trên mỗi triệu dân.
Một cuộc khảo sát huyết thanh được tiến hành tại thủ đô Jakarta từ ngày 15-31/3/2021 cho thấy tỷ lệ phát hiện các ca COVID-19 ở thủ đô Jakarta ở mức rất thấp khi chỉ đạt 8,1% và 91,9% số ca còn lại nằm ngoài hệ thống. Ngoài ra, 44,5% trong tổng số 10,6 triệu dân Jakarta đã mang kháng thể với virus SARS-CoV-2, tức là từng mắc COVID-19, cao gấp 7 lần số liệu thống kê chính thức ở thời điểm tiến hành nghiên cứu.
Đợt bùng phát dịch lần này được cho là xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Làn sóng di cư từ thành phố về quê (hay còn gọi là “Mudik”) sau tháng lễ nhịn chay Ramadan và trong dịp lễ xả chay Eid al-Fitr hồi cuối tháng 5 vừa qua đã làm phát tán virus tới tận các hang cùng ngõ hẻm trên "đất nước vạn đảo". Sự xuất hiện và lây lan nhanh của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, được ví như "chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài".
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là sự thiếu quyết liệt, lơ là và tự tin quá mức của chính quyền, cộng với tâm lý chủ quan, thiếu kỷ luật của người dân. Mudik được thông báo rộng rãi trước cả tháng, đủ để hàng triệu người né lệnh cấm. Một cú “giật phanh khẩn cấp” để chống dịch theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia là điều khó chấp nhận đối với chính phủ của Tổng thống Joko Widodo, vào thời điểm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng dương sau nhiều quý chìm sâu vào suy thoái. Trong khi đó, nhiều người dân tự “ru ngủ” và tự huyễn hoặc với các số liệu thống kê dịch tễ khác xa thực tế. Sau gần một năm rưỡi “sống trong sợ hãi”, một bộ phận dân chúng cũng bắt đầu tự cho phép mình và gia đình “xả hơi” bằng các chuyến đi du lịch xa.
Trước tình hình phức tạp như vậy, nhằm ngăn chặn “cơn sóng thần” COVID-19, Chính phủ Indonesia đã lựa chọn một “chiến lược kép”, bao gồm tăng tốc tiêm chủng nhằm sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và siết chặt các hạn chế xã hội. Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo tiêm 1 triệu liều vaccine mỗi ngày trong tháng 7 này, 2 triệu liều trong tháng 8 và có thể tăng lên 5 triệu liều với mục tiêu đạt khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Sau rất nhiều cân nhắc, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3-20/7 tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân trước khi mở rộng sang 15 khu vực khác từ ngày 12/7 với mục tiêu đưa số ca mắc COVID-19 về ngưỡng 10.000 ca mỗi ngày.
Tuy vậy, cho đến thời điểm này, hai chiến lược trên của Chính phủ Indonesia vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Kế hoạch truy vết, xét nghiệm cho 324.283 người mỗi ngày trong thời gian áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng khẩn cấp mới chỉ đạt hơn 1/3 mục tiêu, trong khi chương trình tiêm chủng đang bị chậm tiến độ do yếu kém trong khâu tổ chức, hậu cần và cả tâm lý hoài nghi của người dân về chất lượng vaccine. Indonesia cũng liên tiếp ghi nhận các "cột mốc buồn" mới, trong đó đỉnh điểm lên tới gần 57.000 ca mắc COVID-19 mới hôm 12/7 và số ca tử vong cao chưa từng có ngày 22/7.
Sau khi chính thức thừa nhận Indonesia đã rơi vào “kịch bản xấu nhất” khi số ca mắc COVID-19 mới vượt “giới hạn đỏ” 40.000 ca mỗi ngày, kéo theo đó là quyết định kêu gọi viện trợ khẩn cấp từ các nước, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan – người được Tổng thống Joko Widodo giao cho sứ mệnh “thống lĩnh” các lực lượng chống dịch - đã lên các phương án chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” mới với hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Kịch bản ứng phó lần này bao gồm một loạt biện pháp, từ đảm bảo nguồn cung vaccine và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng với mục tiêu tiêm 1 triệu liều mỗi ngày, đến khẩn cấp bổ sung giường bệnh và cơ sở chữa trị; huy động thêm 22.000 y tá và bác sĩ; cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; gấp rút nhập khẩu, sản xuất và chuyển đổi oxy để điều trị cho các bệnh nhân phải nhập viện; kêu gọi quyên góp và đẩy nhanh các chương trình bảo trợ xã hội.
Tuy vậy, các biện pháp trên chủ yếu tập trung giải quyết “phần ngọn” của vấn đề và chưa đủ mạnh để ngay lập tức kéo tụt biểu đồ dịch tễ. Ngoài 7 tỉnh và thành phố tại đảo Java và Bali, các khu vực còn lại hiện cũng đang đứng trước nguy cơ rất lớn bị “thất thủ”. Với điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và địa hình chia cắt, hệ thống y tế yếu kém hơn nhiều, các địa phương bên ngoài hai hòn đảo này chắc chắn sẽ không đủ sức chống đỡ giữa lúc chính quyền trung ương đang ngập trong các yêu cầu chi viện từ khắp mọi nơi.
Trong khi đó, dù đã được đảm bảo hàng trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và đang sở hữu tới hơn 140 triệu liều vaccine, đồng thời đã tiêm khoảng 70 triệu liều, chính quyền Indonesia chưa thể hết âu lo. Sức tấn công của biến thể mới Delta đang khiến tình hình trở nên phức tạp, trong đó các nhân viên y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoảng 1.100 nhân viên y tế nước này không qua khỏi dù đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Hôm 16/7, Indonesia đã phải khởi động chương trình tiêm nhắc lại mũi thứ ba cho nhóm đối tượng ở tuyến đầu chống dịch này bằng vaccine Moderna do Mỹ tài trợ.
Vài tuần tới sẽ tiếp tục là thời gian thử thách thực sự đối với quốc gia đông dân thứ tư thế giới này bởi giữa “tâm bão” COVID-19 bắt nguồn từ kỳ nghỉ Eid al-Fitr, Indonesia có nguy cơ phải hứng chịu thêm “cú bồi” sau kỳ nghỉ lễ Hiến sinh Eid al-Adha vừa qua, khi hàng trăm triệu tín đồ Hồi giáo trên khắp quốc gia quần đảo đoàn tụ gia đình và tập trung cầu nguyện. Có thể thấy chính quyền của Tổng thống Joko Widodo sẽ phải "đau đầu" tìm ra chiến thuật ứng phó phù hợp nếu muốn đưa Indonesia thoát khỏi thời điểm "nước sôi lửa bỏng” hiện nay.
Hữu Chiến - Phóng viên TTXVN tại Indonesiaa
loading...