loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sử dụng mạng xã hội là chủ đề thu hút sự quan tâm các đại biểu tham gia Diễn đàn “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” tổ chức chiều ngày 24/9. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12.
Xử lý đăng tải thông tin sai lệch
Tham gia đối thoại với lãnh đạo Chính phủ tại diễn đàn, đại biểu Phạm Quân Ca, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất phanh Nissin Việt Nam, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt câu hỏi: “Chính phủ sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng thông tin không chính xác, bịa đặt và những lời kêu gọi trái pháp luật đối với công nhân tràn lan trên mạng xã hội như trong thời gian vừa qua để công nhân yên tâm làm việc, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chế độ?”
Trả lời thắc mắc của đại biểu, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, trên mạng xã hội có nhiều thông tin giả, thông tin sai lệch là do là nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Hiện nay về mặt quản lý nhà nước Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện khung pháp lý cũng như làm việc với công ty cung cấp dịch vụ thông tin người tham gia mạng xã hội chính danh: Tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân... Khi đó việc đăng tải những thông tin trên mạng xã hội sẽ có trách nhiệm nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đã đến lúc cần phải xử lý những thông tin sai phạm trên không gian mạng. Trước mắt cần hoàn thiện khung pháp lý để chúng ta có thể giải quyết những tồn tại. Không gian gian mạng như một môi trường, nếu thông tin tốt nhiều thì thông tin xấu sẽ nhỏ đi.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần đào tạo nâng cao nhận thức, cách hiểu mạng xã hội, cách sống trong không gian mạng. Mỗi cá nhân cần có bộ lọc thông tin của riêng mình. Các sống và ứng xử trên mạng xã hội không chỉ cần với người lớn mà có lẽ nên đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, đã là vấn đề công nghệ chắc chắn phải sử dụng giải pháp công nghệ, tới đây sẽ có một trung tâm quốc gia về an toàn thông tin trên không gian mạng. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bước đầu.
“Chúng ta có thể giám sát đánh giá thông tin sai lệch, độc hại trên không gian mạng. Sau đó, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước yêu cầu họ tuân thủ làm sao chúng ta có thể sàng lọc thông tin xấu độc, làm cho không gian mạng lành mạnh hơn,” ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Mỗi khu công nghiệp một Fanpage
Hiến kế cho tổ chức công đoàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công đoàn cần chủ động đưa ra những thông tin chính thống. Mỗi khu công nghiệp cũng cần có một Fanpage để đưa thông tin chính thức của công đoàn. Hiện nay Bộ Thông tin và Tuyền thông phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang làm việc để xây dựng các Fanpage trên mạng xã hội ở từng khu công nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng nếu đẩy những thông tin chính thống lên mạng xã hội nhiều hơn thì thông thì mạng xã hội sẽ lành mạnh hơn,” ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong các vụ việc ngừng việc tập thể và biểu tình trong tháng 6 vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hơp chặt chẽ với Bộ Thông tin và truyền thông, sử dụng mạng xã hội của mình tuyên truyền tới công nhân lao động và người dân.
Theo ông Bùi Văn Cường, tới đây, trong Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII sẽ đặc biệt quan tâm đến thông tin chính thống trên mạng xã hội. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình đào tạo, bồi dưỡng tuyên truyền, giác ngộ cho giai cấp công nhân theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước./.
TTXVN
Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018- 2023 đã diễn ra tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ đoàn viên, công đoàn trên cả nước.
loading...