A+ A A- Kiểu đọc sách

Hành động mới đầy nguy hiểm của Mỹ ở vùng biển Triều Tiên

14:13 18/04/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh Triều Tiên có thể tiếp tục thử tên lửa bất kỳ lúc nào và tuyên bố sẵn sàng đối phó với mọi hình thức chiến tranh, Mỹ đã có những động thái mới hết sức mạnh mẽ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, Lầu Năm góc đã điều không chỉ tàu USS Carl Vinson mà còn thêm hai tàu sân bay nữa tới khu vực này.

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), ba tàu sân bay được Mỹ điều động tới khu vực bán đảo Triều Tiên là USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Ba tàu này sẽ vào Biển Nhật Bản trong tuần tới.

Dự kiến tàu USS Carl Vinson sẽ tới trước vào ngày 25/4. Tàu USS Carl Vinson được một đội tàu chiến Mỹ hộ tống được Mỹ phái tới bán đảo Triều Tiên từ đầu tháng 4.


Tàu USS Carl Vinson.

Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có sự tham gia của ba tàu sân bay nói trên.

Các cuộc tập trận này, được gọi chung là tập trận đơn vị huấn luyện tổng hợp (COMPTUEX), được thực hiện nhằm đảm bảo một nhóm tàu sân bay không chỉ hoạt động với tư cách là một đơn vị mà còn có thể hoạt động nhóm với các tài sản quân sự khác của Mỹ cũng như đối tác.

Thiếu tướng Hải quân Mỹ Ross A. Myers phát biểu với tờ FITSNews: “COMPTUEX là khối xây dựng mà Hải quân sử dụng để tập huấn nhằm đặt nhóm tàu tấn công vào một cuộc tập trận chung trước khi được triển khai. Đây là nơi mà nhóm tàu tấn công thực sự kết hợp thành một lực lượng chiến đấu”.

Tàu USS Nimitz là tàu sân bay lâu đời nhất của Mỹ còn hoạt động, được đưa vào hoạt động từ năm 1972. Tàu USS Carl Vinson hoạt động từ năm 1980, còn tàu USS Ronald Reagan hoạt động năm 2001. Đây là lần hiếm hoi mà cả ba tàu sân bay đều hướng về một nơi.

'Triều Tiên có thể đã phát triển một hệ thống mới hoàn toàn để thử tên lửa'

'Triều Tiên có thể đã phát triển một hệ thống mới hoàn toàn để thử tên lửa'

Theo chuyên gia vũ khí John Schilling, thuộc nhóm quan sát "38 độ Bắc", vụ phóng tên lửa thất bại chứng tỏ Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng thử với các hệ thống mới.


USS Carl Vinson có trọng tải 97.000 tấn, chạy bằng hai lò phản ứng hạt nhân và chở theo gần 100 máy bay, 5.000 thủy thủ. Các chiến đấu cơ F-18 Super Hornet có thể cất cánh từ tàu sân bay và phá hủy các mục tiêu cách bờ biển hàng trăm km.

Các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đi theo hộ tống USS Carl Vinson là USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy được trang bị công nghệ phòng thủ tên lửa radar Aegis có thể dò tìm và phá hủy các tên lửa đạn đạo tấn công từ biển. Tên lửa đánh chặn SM-3 của Hải quân Mỹ có thể phá hỏng các cuộc tấn công của kẻ địch từ trên không.

Tàu USS Ronald Reagan là tàu thuộc lớp Nimitz, cũng là tàu sân bay chạy bằng hạt nhân và có thể hoạt động 20 năm không cần tiếp liệu. Đây là tàu thứ 9 thuộc lớp Nimitz và là tàu đầu tiên được đặt tên theo một cựu tổng thống Mỹ vẫn còn sống lúc bấy giờ. Tàu chở hơn 80 máy bay chiến đấu và một thủ thủ đoàn 6.000 người. Tàu có các vũ khí như tên lửa Sea Sparrow, tên lửa Rolling Airframe, có khả năng tác chiến điện tử.


Tàu USS Ronald Reagan.

Tàu USS Nimitz cũng được trang bị tên lửa Sea Sparrow và Rolling Airfram. Tàu còn có hệ thống phòng thủ tầm gần PHALANX CIWS.

Động thái điều tàu của Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, với khả năng Triều Tiên có thể thử hạt nhân bất kỳ lúc nào. Ngày 14/4, Triều Tiên đe dọa phá hủy tàu Mỹ lảng vảng gần bán đảo Triều Tiên trong trường hợp Mỹ gây hấn.

Đêm 16/4, quân đội Mỹ và Hàn Quốc ghi nhận một vụ mà họ cho là vụ thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng. Phía Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng từ một khu vực gần cảng ở thành phố Sinpo phía đông.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm Hàn Quốc đã khẳng định Mỹ sẽ đánh bại bất kỳ lực lượng quân sự nào bằng đòn đáp trả mạnh mẽ và hiệu quả.

Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc khi thử tên lửa vài lần trong năm 2017. Năm 2016, Bình Nhưỡng đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 lần phóng tên lửa đạn đạo.

Năm 2005, Triều Tiên tự tuyến bố là một quốc gia hạt nhân. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên từ giai đoạn 2003 đến 2009. Sau đó, Triều Tiên rút khỏi đàm phán 6 bên.

Theo Thùy Dương - Báo Tin Tức

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...