(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa, Hàn Quốc và Triều Tiên đã lại cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán, sau khi bắn pháo và rocket về phía nhau, trong sự kiện khiến cả thế giới thót tim vào tuần trước. Hoạt động thương thảo vẫn chưa kết thúc, nhưng lịch sử cho thấy hai quốc gia đối địch luôn đạt được sự đồng thuận và rất tài giỏi trong việc tránh rơi khỏi miệng vực chiến tranh.
1. Cuộc giằng co hiện nay có vẻ như rất căng thẳng và không có lối thoát. Nhưng nếu chiếu theo bề dày lịch sử, hai miền Triều Tiên sẽ luôn tìm được cách để giữ thể diện, đồng thời đảo ngược cuộc chiến mà cả hai bên sẽ đe dọa thực hiện.
Tháng 12/2010, Triều Tiên từng rút khỏi những lời đe dọa đưa ra trước đó, về việc sẽ trả đũa cực kỳ mạnh mẽ, sau khi Hàn Quốc cố tình triển khai các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới trên biển giữa hai nước.
Màn giằng co này là kết quả từ một số cuộc tập trận mà Hàn Quốc thực hiện trước đó, đã khiến Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo Hàn Quốc nằm ở gần biên giới, khiến 2 lính thủy đánh bộ và 2 dân thường thiệt mạng.
Hàn Quốc nói rằng mảnh vỡ này thuộc về một quả ngư lôi Triều Tiên, bắn đi từ tàu ngầm, đã đánh chìm tàu chiến Cheonan hồi năm 2010
Triều Tiên nói rằng đã không có phản ứng với cuộc tập trận thứ 2 của Hàn Quốc, do nó được thực hiện theo cách thức "ít gây hấn" hơn lần đầu. Tuy nhiên Seoul nói rằng hai cuộc tập trận là giống nhau.
Trước đó, vào tháng 5/2010, Triều Tiên đe dọa mở cuộc "phản công tổng lực" sau khi Seoul khôi phục các hoạt động chiến tranh tâm lý để trừng phạt chính quyền Bình Nhưỡng.
Phía Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên đã dùng tàu ngầm đánh chìm tàu chiến Cheonan của nước này, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng vào đầu năm 2010 - cáo buộc mà Triều Tiên bác bỏ mạnh mẽ.
Phía Triều Tiên đã không làm gì sau lời đe dọa, bởi dù Hàn Quốc khởi động lại hệ thống loa, nước này đã không tăng âm lượng để phát tán thông điệp tuyên truyền xuyên sâu hơn vào biên giới Triều Tiên. Bình Nhưỡng còn chủ động đưa ra các biện pháp làm lành, gồm tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán sau chiến tranh Triều Tiên.
2. Đầu những năm 2000, trong cái gọi là "cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lần thứ 2", mức độ thù địch đã tăng lên, do Washington nói rằng Bình Nhưỡng bí mật thừa nhận nước này có một chương trình phát triển nhiên liệu hạt nhân bí mật, và như thế đã vi phạm một thỏa thuận hạt nhân đạt được trước đó.
Triều Tiên bác bỏ điều này và cộng với việc tức giận do bị Tổng thống Mỹ George W. Bush liệt vào cái gọi là "Trục ma quỷ", đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hồi năm 2003. Mỹ châm thêm dầu vào lửa khi nói rằng Triều Tiên đã tái khởi động lò phản ứng hạt nhân của nước này.
Căng thẳng tăng không ngừng, trước khi Seoul và Washington chuyển sang sử dụng các biện pháp ngoại giao hồi mùa Hè năm 2003, với các cuộc hội đàm 6 bên có sự tham gia của Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Đại diện hai miền Triều Tiên đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom ở Paju, Hàn Quốc
Về phần mình, Hàn Quốc tìm cách cải thiện quan hệ với Hàn Quốc bằng 2 đời Tổng thống có quan điểm khá cởi mở, gồm ông Kim Dae-jung, người được trao giải Nobel Hòa bình 2000 do nỗ lực cổ súy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Và dù Triều Tiên có thử vũ khí hạt nhân lần đầu vào năm 2006, các cuộc đàm phán giải giáp vũ khí hạt nhân vẫn mang lại một số thỏa thuận được đánh giá là bước ngoặt khi đó. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ năm 2008 và Triều Tiên đã tuyên bố khôi phục trở lại hoạt động sản xuất nhiên liệu bom hạt nhân.
Từ giai đoạn 1992 - 1994 là cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên, gồm việc Bình Nhưỡng đe dọa rút khỏi NPT, và Mỹ cân nhắc khả năng không kích Triều Tiên. Quyết định của Washington được đưa ra sau khi chính quyền Mỹ thấy rằng Triều Tiên đang theo đuổi hoạt động sản xuất nhiên liệu hạt nhân quy mô lớn.
3. Trong năm 1994, Triều Tiên lần đầu đe dọa biến Seoul thành "biển lửa". Về sau từ này đã được sử dụng lại rất nhiều lần, tới mức người Seoul đã quen thuộc và chẳng bận tâm nữa. Nhưng khi ấy, đã có rất nhiều người tích trữ mỳ ống và các loại lương thực, thực phẩm để đề phòng tình huống xấu.
Căng thẳng tăng cao cuối cùng hạ nhiệt nhờ chuyến thăm Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Các bên đàm phán và tạo ra được một thỏa thuận khung nhằm hạn chế nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, để đổi lấy viện trợ. Thỏa thuận này đã được giữ vững cho tới tận năm 2002, khi cuộc khủng hoảng tiếp theo nổ ra.
Năm 1968, một đội 31 lính đặc nhiệm Triều Tiên đã lặng lẽ vượt biên giới liên Triều và tới rất gần nơi ở của Tổng thống Park Chung-hee, đủ để ám sát ông.
Tuy nhiên điều này đã không xảy ra nhờ đội an ninh Hàn Quốc kiên cường kháng cự lại cuộc tấn công. Sau này, người lính đặc nhiệm duy nhất bị bắt giữ khai rằng anh ta tới Hàn Quốc chỉ để "cắt cổ ông Park Chung-hee".
Sôi máu, ông Park đã lập một đội đặc nhiệm với mục tiêu cho nổ tung nơi ở của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung.
Căng thẳng sau đó hạ nhiệt dần, nhưng đội đặc nhiệm, phẫn nộ vì kế hoạch xâm nhập vào Triều Tiên bị hủy bỏ, đã tiến hành nổi loạn vào năm 1971. Họ giết chết những người huấn luyện và còn tiến vào thủ đô Seoul, trước khi bị ngăn chặn.
Bất chấp tấn kịch này, hai miền Triều Tiên vẫn ký một hiệp định quan trọng vào năm 1972, dọn đường cho một cuộc thống nhất trong hòa bình - điều chưa xảy ra cho tới tận hôm nay.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa