A+ A A- Kiểu đọc sách

Hà Nội đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn

08:52 22/12/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 21/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu đã đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong thời gian qua.

Từ ngày 20/9 sẽ tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hunggary vào Việt Nam

Từ ngày 20/9 sẽ tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hunggary vào Việt Nam

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn vừa ký văn bản tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hungary và Ba Lan vào Việt Nam. Đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Đặc biệt, Hà Nội vừa cho việc ra mắt hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn. Đây được xem như sàn giao dịch tạo ra kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp với sự quản lý giám sát của nhà nước. Từ đó sẽ giảm đi tình trạng được mùa rớt giá.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ rõ, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh việc phát triển chuỗi nhiều hơn nữa để tiếp tục đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, Sở cũng cần thực hiện tốt việc kết nối cung cầu các sản phẩm hàng hóa nông sản an toàn trên thị trường, đẩy mạnh chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong một tháng của người dân Thủ đô là rất lớn, trung bình khoảng trên 7 nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nông lâm thủy sản. Trong khi đó, khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu về sản phẩm thực phẩm trên địa bàn thành phố như thịt lợn, thịt gà Hà Nội cơ bản sản xuất đủ nhu cầu. Các mặt hàng khác như gạo chỉ đáp ứng khoảng 35%, thịt bò đáp ứng khoảng 15% nhu cầu, thủy hải sản đáp ứng 5%... Số lượng còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành để phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt Thỏa thuận hợp tác về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản phẩm động vật, rau an toàn, quản lý an toàn thực phẩm giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và Hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và một số tỉnh, thành Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành viên trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và triển khai thực hiện công tác phát triển các vùng chuyên canh rau tập trung, tăng tỷ lệ vùng rau đạt theo tiêu chuẩn GAP, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ... nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối đã tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tăng 166 chuỗi đạt tỷ lệ 44% so với năm 2017. Trong đó có 198 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 121 chuỗi, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác của Ban điều phối với một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo như vùng sản xuất chuyên canh hiện còn chưa phù hợp với quy hoạch, hoặc có vùng được quy hoạch lại không phát triển được... Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, nhất là trong trồng trọt chưa giải quyết được vấn đề tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư sản xuất.Việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh, thành còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương còn chưa được chú trọng. Công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của một số tỉnh thành chưa chặt chẽ…

Để giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm an toàn, UBND thành phố Hà Nội đã cho ra mắt hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn. Đồng thời tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác về quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản có truy xuất nguồn gốc giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh, thành.

Nam Giang

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...