Giải mã bí mật thảm họa máy bay Nga rơi tại Ai Cập
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngày 19/7, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Sherif Fathy khẳng định rằng tiến trình điều tra vụ tai nạn máy bay chở khách của hãng hàng không Kogalymavia của Nga rơi ở bán đảo Sinai của Ai Cập hồi tháng 10 năm ngoái đã bước vào giai đoạn cuối cùng.
- Máy bay Ai Cập mất tích: Cần 12 ngày nữa để tìm hộp đen
- Máy bay Ai cập mất tích: Lỗ hổng an ninh dẫn đến thảm họa
Bộ Giao thông vận tải Nga cũng đã ra một tuyên bố xác nhận thông tin nói trên và nhấn mạnh rằng "một trong những nội dung quan trọng của cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng liên quan tới cuộc điều tra vụ tai nạn hàng không Nga". Trước đó, một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoạt động ở khu vực Sinai lên tiếng nhận tiến hành vụ tấn công máy bay của Nga.
Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập đã bắt đầu chuyến thăm Nga kéo dài ba ngày kể từ ngày 17/7 nhằm thảo luận về việc nối lại các chuyến bay trực tiếp giữa Ai Cập và Nga.
Chuyến công cán của Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập chỉ diễn ra ít ngày sau khi Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Abdel Aal tới Moskva để bàn các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ song phương, trong đó có đề cập tới khả năng mở lại các chuyến bay giữa hai nước.
Ai Cập cho biết đã hoàn thành 85% các yêu cầu của Nga liên quan tới vấn đề an toàn hàng không và mong muốn phía Moskva sớm nối lại các chuyến bay thẳng giữa hai nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải của Nga Maxim Sokolov cho biết rằng dịch vụ hàng không sẽ tiếp tục được mở lại sau khi Ai Cập đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp an ninh tại các sân bay của nước này.
Sau vụ tại nạn hàng không nói trên, Nga đã quyết định ngừng tất các chuyến bay trực tiếp tới các sân bay Ai Cập do lo ngại vấn đề an ninh. Moskva cho rằng vụ tai nạn máy bay là do một vụ tấn công khủng bố. Vương quốc Anh và Đức cũng đã đình chỉ chỉ các chuyến bay đến sân bay Sharm El-Sheikh ở bán đảo Sinai của Ai Cập.
Trong một nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của khách du lịch quốc tế sau vụ tai nạn máy bay kể trên, Ai Cập đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường an ninh tại các sân bay, cũng như mời các chuyên gia quốc tế tới kiểm tra và đưa ra những phương án nhằm đảm bảo an ninh. Quốc gia Bắc Phi cũng đã thuê Công ty kiểm soát rủi ro (CRC) của Anh đánh giá tình trạng an ninh tại các sân bay của nước này.
Anh và Nga hiện là hai nước có lượng khách du lịch tới khu nghỉ mát Hurghada và Sharm El-Sheikh của Ai Cập nhiều nhất. Những tháng gần đây, lượng du khách quốc tế tới Ai Cập giảm mạnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia Bắc Phi.
TTXVN