loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 2/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 171.905.781 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.575.354 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 154.397.347 người.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có dấu hiệu tích cực khi nước này ghi nhận 196.427 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất theo ngày kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại nước này hồi trung tuần tháng 4 vừa qua.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 610.413 ca tử vong trong tổng số 34.136.468 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 335.114 ca tử vong trong số 28.306.883 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 465.312 ca tử vong trong số 16.625.572 bệnh nhân.
Ngày 1/6, nước Anh thông báo không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 lần đầu tiên kể từ ngày 30/7/2020, mặc dù có những quan ngại về khả năng bùng phát làn sóng dịch thứ 3 do sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, còn gọi là biến thể Delta theo cách gọi mới của Tổ chức Y tế Thế giới.
Nguy cơ bùng phát đợt dịch mới gây áp lực đối với kể hoạch của Thủ tướng Anh Boris Johnson nới lỏng các biện pháp phòng dịch, dự kiến vào ngày 21/6 tới. Theo thống kê chính thức của Chính phủ Anh, hiện nước này có số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất châu Âu, với 127.782 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Anh đến nay là 4.490.438 ca.
Cùng ngày, Bỉ thông báo sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối với hệ thống cấp chứng nhận về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong mùa Hè này. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1/6 cho biết hiện 7 quốc gia đã và đang trong quá trình cấp hoặc kiểm soát chứng nhận về COVID-19, gồm Bulgaria, Séc, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia và Ba Lan.
Các quốc gia này đã kết nối với nền tảng của EU và bắt đầu cấp chứng nhận đầu tiên. Ủy ban phối hợp phòng chống COVID-19 của Bỉ (Codeco) dự kiến nhóm họp vào ngày 4/6 để xác định rõ cách thức thực hiện.
Liên quan vấn đề vaccine ngừa COVID-19, các nước châu Á như Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều vaccine Mỹ sẽ hỗ trợ các nước trên thế giới vào cuối tháng 6 này. Chính quyền Mỹ cho biết sẽ sớm hỗ trợ các nước khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và 20 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson do Mỹ sản xuất.
Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tài trợ khoảng 2 tỷ USD cho chương trình COVAX và sẽ chi tiếp 2 tỷ USD nữa cho chương trình này nếu các nước khác cũng đảm bảo cam kết mà họ đã đưa ra.
Trong khi đó, Ủy ban tư vấn quốc gia về miễn dịch của Canada (NACI) ngày 1/6 thông báo hướng dẫn cập nhật về việc tiêm kết hợp các loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đã được cấp phép tại nước này.
Theo hướng dẫn mới này, những người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên là loại vaccine của AstraZeneca có thể tiêm mũi thứ hai là vaccine của Pfizer-BioNTech hay Moderna, trừ trường hợp đang mang thai. Cho đến nay, Canada đã cho phép sử dụng 4 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Văn bản hướng dẫn mới cũng nêu rõ các vaccine của Pfizer và Moderna có thể sử dụng kết hợp cả mũi tiêm thứ nhất và mũi tiêm thứ hai. Tuy nhiên, NACI không khuyến nghị tiêm mũi thứ hai là vaccine của AstraZeneca sau khi đã tiêm mũi thứ nhất là vaccine của Pfizer hay Moderna vì các lý do an toàn cũng như dữ liệu hạn chế về việc sử dụng kết hợp này.
Thanh Hương/TTXVN
loading...