loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 4/3 cho biết đang xem xét để cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V, một dấu hiệu cho thấy châu Âu tin tưởng vào vaccine do Viện Gamaleya của Nga phát triển.
Ngày 4/3, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge kêu gọi các nước không nên ký kết các thỏa thuận song phương về vaccine làm tổn hại tới Cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu (COVAX) do WHO đứng đầu
Theo EMA, cơ quan này sẽ đánh giá những dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm đang diễn ra đối với vaccine Sputnik V cho đến khi có đủ dữ liệu lâm sàng để phê duyệt. Cùng ngày, Ủy ban châu Âu cũng cho biết hiện EU chưa tiến hành cuộc đàm phán nào về việc mua vaccine Sputnik V của Nga.
Sputnik V là loại vaccine tiêm 2 mũi được đánh giá có hiệu quả lên đến 92% trong phòng ngừa bệnh COVID-19. Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết nước này hy vọng một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp phép lưu hành vaccine Sputnik V trong tháng này và Nga có thể cung cấp khoảng 50 triệu liều vaccine cho khu vực này, bắt đầu từ tháng 6 tới, sau khi được EMA phê duyệt.
EMA hiện đã cấp phép cho vaccine Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca, đồng thời đang xem xét phê chuẩn vaccine CureVac và Novavax. Dự kiến, EMA sẽ đưa ra quyết định đối với vaccine 1 mũi tiêm của hãng Johnson & Johnson vào ngày 11/3 tới.
Về chương trình tiêm chủng ở các nước EU, Bộ Y tế Italy tối 3/3 cho biết nước này sẽ chỉ tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho những người đã từng mắc bệnh này dù có triệu chứng hay không. Quy định này được áp dụng cho những người đã mắc bệnh trong vòng 3-6 tháng trước đó. Tính đến ngày 4/3, Italy đã phân phối được 4,76 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 1,5 triệu người trong số 60 triệu dân đã nhận được đủ 2 mũi tiêm.
Pháp và Tây Ban Nha cũng đã đưa ra thông báo tương tự vào tháng trước nhằm "tiết kiệm" vaccine và thúc đẩy nguồn cung trong bối cảnh các nước EU đang vật lộn để triển khai chương trình tiêm chủng do các nhà sản xuất thuốc cắt giảm nguồn cung.
Trong khi đó, Bộ Y tế Đức cho biết cơ quan chức năng nước này đã cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi, đồng thời khuyến nghị kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm lên tối đa 12 tuần.
Trần Quyên - TTXVN
loading...