A+ A A- Kiểu đọc sách

Duma Nga: Sẽ đuổi những nghị sĩ “ham chơi”?

12:00 29/03/2010
loading...
(TT&VH) - Vladimir Zhirinovsky, Phó chủ tịch Duma Quốc gia, Chủ tịch Đảng Tự do - Dân chủ Nga, vừa đưa ra đề xuất phạt tiền đối với các nghị sĩ hay trốn họp, thậm chí “phế truất” một số vị dân biểu “quá ham chơi”.

Giơ cao


 Người đề xuất việc đuổi các nghị sĩ
 trốn họp khỏi Duma.

Theo Interfax, Zhirinovsky mới tuyên bố: “Trong Duma không có chỗ cho các đại biểu trốn họp”. Ông đòi sửa đổi luật về nghị sĩ Duma để cho về vườn sớm những vị mỗi năm “cúp” 20 buổi họp trở lên. Ngoài ra, ông còn đưa ra ý tưởng “đánh vào dạ dày”, tức là đếm buổi họp có mặt để phát lương - mỗi tháng chỉ dự 5% buổi họp toàn thể thì chỉ nhận 5.000 rúp (1 USD = 30 rúp) thay cho 100.000 rúp.


Zhirinovsky cho biết: Hiện nay ở Nga có nhiều đại biểu Duma không chịu thực thi trách nhiệm chính của mình là dự họp. Họ bận chăm lo vào chuyện kinh doanh riêng, đến các câu lạc bộ, uống rượu, o bế người tình, đi đây đó thăm thú bằng tiền của dân. Kết cục là Duma không thể thông qua một loạt quyết định có tính tối quan trọng do không đủ số lượng đại biểu cần thiết. Vậy thì nên bầu những người chăm chỉ, có trách nhiệm thế vào chỗ của các vị nghị sĩ lười biếng.

Trước đó, Viện Xã hội đã tuyên bố ý định sẽ điểm danh tại các phiên họp của Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và ít nhất mỗi quý một lần công bố kết quả. Báo chí Nga từng nhiều lần lưu ý đến tình trạng trốn họp của các nghị sĩ ở cả hai viện. Viện Xã hội cho rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số lòng tin của dân chúng đối với các điều luật đã được Duma thông qua và đường lối của chính phủ.

Tuyên bố của Viện Xã hội nêu rõ: “Khó trông chờ vào việc tăng trưởng lòng tin đối với các đạo luật vừa được thông qua khi dân chúng thấy các đại biểu chạy như con thoi ở phòng họp của Duma để bỏ phiếu thay cho những người vắng mặt. Khó kêu gọi dân chúng chủ động và có trách nhiệm trong việc ủng hộ đường lối của ban lãnh đạo đất nước khi đập vào mắt là những tấm gương xấu. Chẳng có gì lạ là cả hai viện của Quốc hội Liên bang đều có chỉ số uy tín thấp”.

Bản thân các đại biểu cũng nhiều lần nêu ra vấn đề kỷ luật trong Duma. Năm 2004 bà Phó chủ tịch Duma Lyubov Sliska đã tức giận trước tình trạng sau giờ giải lao của các phiên họp toàn thể vào buổi chiều chỉ có chưa tới 100 vị trong số 450 đại biểu ngồi lại. Nực cười là trên bảng điểm danh điện tử vẫn hiện ra con số 410 trong mục “có mặt”. Bà Sliska cười nhạo rằng dường như nhiều vị dân biểu có “mũ tàng hình” và thề là sẽ tiếp tục khuấy lên vấn đề về chuyện nghị sĩ trốn họp.


Ngay cả những phiên họp quan trọng cũng rất vắng vẻ.
Đánh khẽ

Nhưng rồi một năm sau mọi việc đâu lại vào đấy. Tờ Newizv năm 2005 đưa tin rằng hơn một nửa tổng số đại biểu Duma thường xuyên “né” họp, đến mức tại một số cuộc họp thường nhật chỉ có không quá 50 nghị sĩ xuất hiện, tỷ lệ 1/10! Để đối phó với việc điểm danh, những nghị sĩ trốn họp đưa thẻ đại biểu cho “người nhà” trong Duma và đến khi bỏ phiếu thì vị nào được “cài cắm” lại phải phóng như bay giữa các hàng ghế để bấm nút hộ.

Hai năm sau Duma Quốc gia đưa ra dự thảo Đạo đức Nghị sĩ, theo đó những đại biểu trốn họp sẽ bị cắt lương. Các nhà quan sát ngay từ đầu đã tỏ thái độ hoài nghi - gần như tất cả các nghị sĩ đều rất xông xênh về vật chất nên biện pháp phạt tiền chắc gì đã tác động đến tinh thần trách nhiệm của họ. Nói thêm là “đòn gió” này vẫn nằm trên giấy cho đến nay.

Tiếp theo, năm 2008 Duma thảo luận dự luật cấm các đại biểu trốn họp chuyển thẻ của mình cho người khác để bỏ phiếu hộ. Các nghị sĩ bác bỏ thằng thừng với lý do “điều khoản này đã có trong luật “Về vị thế của thành viên Hội đồng Liên bang và đại biểu Duma Quốc gia” nên chẳng cần phải thêm một đạo luật chuyên biệt nữa.

Cuối cùng, năm 2009 tờ Đoàn viên thanh niên Moskva nhận xét: Bỏ họp quốc hội từ lâu đã trở thành chuẩn mực. Nói thêm là các đại biểu hoàn toàn khỏi phải bận tâm đến chuyện phòng họp trống trơn - để tránh làm mất uy tín của những vị dân biểu các kênh truyền hình nhà nước đôi khi dùng cả hình ảnh tư liệu cho thấy phòng họp chật ních người. Nhờ sự che chở này mà có những lúc trong tổng số 450 đại biểu Duma Quốc gia chỉ góp mặt có... 5 vị! Một trong những lần đó là ngày 27/2/2009.

Thế nhưng, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Sergei Mironov không chấp nhận ý định của Viện Xã hội sẽ theo dõi sĩ số các cuộc họp của Duma Quốc gia cũng như của Hội đồng Liên bang và công bố cho bàn dân thiên hạ biết. Ông nói rằng với cương vị là chủ tịch thượng viện ông không có lời trách móc nào tới các thành viên Hội đồng Liên bang, rằng chưa có vị thượng nghị sĩ nào vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Mironov quả quyết ở chỗ ông “toàn là các nhà chuyên nghiệp” nên chẳng cần sự giám sát từ bên ngoài và ông cùng các đồng nghiệp có thể tự mình đảm đương được việc điểm danh!

Trần Quang Vinh
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...