Du học sinh Việt tại châu Âu, những ngày thử thách
(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu tháng 3 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại châu Âu, lưu học sinh Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, một mặt lo ngại về tình hình bệnh dịch, mặt khác là tiến độ học tập và cuộc sống thường nhật bị xáo trộn theo hướng bất lợi. Nhiều du học sinh đã phải đối mặt với quyết định khó khăn là ở lại nơi dịch đang bùng phát chóng mặt hay trở về Việt Nam.
Mỗi người một hoàn cảnh, song với những người quyết định ở lại như nghiên cứu sinh Hoàng Thắng, hiện sống cùng vợ và hai con nhỏ tại thành phố Hasselt, Bỉ, vợ chồng anh đã phải cân nhắc rất kỹ. Cả hai vợ chồng Thắng đều đang trong năm cuối làm tiến sỹ, khối lượng nghiên cứu nhiều cần phải tập trung hoàn thành nên gia đình đã quyết định ở lại Bỉ. Thời gian này, trường cho phép nghiên cứu sinh được làm việc tại nhà, đây là một cách để hạn chế tiếp xúc và tránh lây bệnh nên cả gia đình cũng khá yên tâm.
Ngoài ra, hiện việc đi lại bằng tàu hỏa và máy bay tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, vợ chồng Thắng có 2 con nhỏ nên không muốn chịu các rủi ro tiềm ẩn trên đường trở về. Thắng cũng nhấn mạnh mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm ở bất cứ nơi đâu, miễn là tuân thủ đúng các quy tắc phòng bệnh được các chuyên gia và giới chức khuyến cáo.
Nguy cơ cao lây nhiễm tại sân bay và trên máy bay trong hành trình dài nếu thiếu những thiết bị hỗ trợ phòng tránh dịch cũng là yếu tố khiến Hữu Phúc, đang làm tiến sĩ tại Đại học Antwerp, quyết định ở lại, dù biết nếu về Việt Nam, thực sự mọi người sẽ yên tâm hơn do khả năng được kiểm tra xét nghiệm cao hơn rất nhiều so với ở lại Bỉ. Phúc nghĩ việc về nước thời điểm này có thể sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và cả hệ thống y tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế cũng quan trọng vì chi phí đi lại rất đắt đỏ, nên mỗi cá nhân phải cân nhắc khả năng tài chính của bản thân.
Đối với Minh Thư, đang theo học thạc sĩ tại Brussels (Bỉ) hay Ngọc, sinh viên trường đại học Paris-Saclay (Pháp), dù sống tại nơi bệnh dịch đang hoành hành mạnh, vẫn xác định có thể học tập và sinh hoạt an toàn khi hạn chế đi ra ngoài. Ngọc, sang Pháp học từ hơn 2 năm nay và đã quen với cuộc sống tự lập, đã chuẩn bị thực phẩm và đồ dùng cần thiết đủ cho một tuần để có thể yên tâm ở nhà theo yêu cầu của chính quyền Pháp. Vốn ưa thích cuộc sống năng động, vừa đi học, vừa đi làm, nhưng Ngọc nhanh chóng tìm ra nguồn giải trí cho thời gian rảnh rỗi hiện nay. “Tôi có cả một danh sách dài những phim hay, mà cuộc sống gấp gáp trước đây không cho phép tôi có thời gian để xem”, Ngọc tâm sự. Bên cạnh đó, ở nhà không có nghĩa là nghỉ học. Ngọc vẫn tham gia các lớp học trực tuyến, nghiên cứu bài vở nhiều hơn. Cô cho biết, để chuẩn bị cho việc đóng cửa trường học, Bộ Giáo dục Pháp đã triển khai một nền tảng dạy học trực tuyến rất hiệu quả, với khả năng tương tác cao.
- Dịch COVID-19: Ghi nhận ca bệnh thứ 92 là du học sinh về từ Pháp
- Về, không về? Thư du học sinh mùa COVID-19
- Dịch COVID-19: Nữ du học sinh từ Anh về TP HCM âm tính với virus SARS-CoV-2
Quang, sinh viên trường Đại học Sorbonne (Pháp), cũng cho rằng việc ở trong nhà phần lớn thời gian và tránh tiếp xúc gần với người khác khi ra ngoài mua thực phẩm hoặc chạy bộ một chút, sẽ ít nguy cơ bị nhiễm virus hơn nhiều so với việc lên máy bay trở về Việt Nam. Tại Pháp, với bảo hiểm y tế sinh viên, Quang được đảm bảo chữa trị nếu tình huống xấu nhất xảy ra. Bên cạnh đó, anh còn có sự trợ giúp lớn từ bạn bè sinh hoạt chung trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Quyết định ở lại tâm dịch để tiếp tục học tập và làm việc, các du học sinh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Với các sinh viên sang Bỉ cùng cả gia đình và có con nhỏ như Hoàng Thắng, học tập và nghiên cứu tại nhà vẫn phải kết hợp với trông con vì trường học đóng cửa.
Đa số du học sinh Việt ở thành phố Antwerp đi học tự túc, nên nguồn thu nhập thêm của các sinh viên chính là nhờ làm việc bán thời gian. Trong tình hình dịch bệnh, các cửa hàng đóng cửa gần hết nên tất nhiên nguồn thu nhập thêm để trang trải một phần đời sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là mất hoàn toàn. Mặt khác, khi ở lại thì các sinh viên vẫn phải chi trả các khoản thuê nhà, tiền ăn cùng các chi phí sinh hoạt như điện, nước, Internet… trong khi công việc làm thêm lại bị giảm rất nhiều.
Hơn nữa, việc học tập và nghiên cứu cũng gặp khá nhiều trở ngại, ví dụ việc sử dụng tài liệu sẽ khó khăn hơn nếu thiếu tài khoản online và không tiếp cận được thư viện; các cuộc gặp gỡ trao đổi về học thuật bị huỷ bỏ làm ảnh hưởng rất nhiều tiến độ hoàn thành công việc của sinh viên.
Lê Chiến, du học sinh tại thành phố Ghent (Bỉ) chia sẻ việc học và làm việc ở nhà làm ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch và tiến độ công việc, đặc biệt đối với những người làm việc trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các sinh viên học thạc sĩ cũng sẽ phải tham gia các lớp học trực tuyến cho tới hết năm học.
Là một điểm tựa để các bạn du học sinh tìm đến khi gặp khó khăn, anh Phạm Văn Trong, phụ trách cộng đồng và sinh viên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, nhấn mạnh Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ lưu học sinh khi họ cần, nhất là trong thời điểm bệnh dịch này. Đại sứ quán đã thông tin kịp thời những thông tin từ trong nước đến các du học sinh, cung cấp đường dây nóng để các du học sinh có thể kết nối khi cần hỗ trợ nếu có biểu hiện nhiễm bệnh cũng như chia sẻ các quy định về y tế của nước sở tại để các bạn nắm bắt và tuân thủ. Theo thông tin từ Đại sứ quán, hiện có khoảng hơn 200 du học sinh người Việt tại Bỉ, trong đó đa phần đang theo học thạc sĩ và tiến sĩ. Đợt này cũng có khoảng 10 sinh viên về Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một số người đã kết thúc chương trình học.
Cộng đồng người Việt ở Bỉ nói chung, các lưu học sinh người Việt nói riêng đều quán triệt tinh thần tuân thủ nghiêm túc các quy định của Chính phủ Bỉ đề ra, cụ thể mới đây là lệnh hạn chế ra đường, tăng cường làm việc tại nhà và đóng cửa trường học. Ngoài ra mỗi cá nhân đều ý thức được việc nâng cao sức khỏe bằng cáchtăng cường ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
Ngay khi nghe tin Bỉ có người nhiễm virus, nhiều người Việt đã có ý thức tìm mua nước sát trùng, thuốc hạ sốt, găng tay…và một số còn tự may khẩu trang. Các gia đình hủy bỏ những kế hoạch tụ họp gặp gỡ đông người trong thời gian có dịch. Mọi người còn thường xuyên thông tin cho nhau về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống mà Chính phủ Bỉ đề ra.
Hội sinh viên Việt Nam tại Bỉ hiện đang vận động đóng góp ủng hộ để gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hành động đáng quý này thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cùng truyền thống tương thân tương ái của những người con đất Việt, dù bản thân họ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nơi đất khách quê người.
Tại Pháp, ông Vũ Đoàn Kết, trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam, cho biết các bậc phụ huynh ở Việt Nam không nên quá lo lắng vì thực tế đối với người lao động hợp pháp và du học sinh, việc đăng ký bảo hiểm y tế lại nơi làm việc và trường học là bắt buộc, chưa kể bảo hiểm bổ sung tự nguyện cho những ai có nhu cầu. Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội của Pháp rất tốt. Thậm chí đối với những người nhập cư bất hợp pháp, khi phải vào viện vẫn được điều trị. Trong trường hợp khó khăn, bệnh nhân có thể đề nghị các tổ chức từ thiện hỗ trợ thanh toán.
Phương pháp tiếp cận chống dịch hiện nay của Pháp là ưu tiên cho những người có nguy cơ lớn, là người cao tuổi và nhân viên y tế, trong đó nhân viên y tế là xương sống của kế hoạch chống dịch. Vì vậy Pháp không làm xét nghiệm và nhập viện đại trà như một số nước khác. Đối với những người nghi nhiễm, hoặc đã nhiễm virus nhưng sức khỏe đảm bảo thì được khuyến cáo theo dõi và tự cách ly tại nhà, để tránh quá tải cho bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Pháp phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn và quy định của chính quyền và cơ quan y tế nước sở tại. Ngoài số điện thoại nóng (01 44 14 64 44) và địa chỉ e-mail (urgent@ambassade-vietnam.fr ), công dân Việt Nam cần đăng ký ngay trên Trang bảo hộ công dân trong dịch COVID-19, để sớm cập nhật các hướng dẫn, các biện pháp và chương trình hỗ trợ mà Đại sứ quán sẽ triển khai. Tính đến 16h ngày 19/3, sau 36 giờ hoạt động, Trang bảo hộ công dân đã ghi nhận hơn 900 lượt đăng ký, trong đó sinh viên chiếm khoảng 90%.
Đại sứ quán cũng giữ mối liên kết chặt chẽ với Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp để hỗ trợ kịp thời các trường hợp cần giúp đỡ, nhờ có sự tình nguyện của các thực tập sinh, sinh viên ngành y Việt Nam tại Pháp./.
Kim Chung & Linh Hương - TTXVN