loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Âu hiện đang là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19, với Italy là "ổ dịch" lớn nhất.
Tính đến 22h ngày 16/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận hơn 174.600 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và số ca tử vong đã lên tới gần 6.700 người.
Ngày 16/3 (theo giờ địa phương), Italy thông báo thêm 349 ca tử vong do bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.158 người trong tổng số 27.980 ca nhiễm bệnh. Với số liệu mới cập nhật, Italy ghi nhận tới 700 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong vòng hai ngày qua. Italy hiện là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Italy ở mức 5,8%, trong khi độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong và dương tính với virus là 79,4 tuổi.
Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch COVID-19. Sắc lệnh này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ cho các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.
Cùng với Italy, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha cũng đang tăng rất nhanh, lên 8.744 người so với con số 7.753 người một ngày trước đó, trong khi số người tử vong tăng lên 297 người so với 288 người hôm 15/3. Theo Chính phủ Tây Ban Nha, chỉ trong vòng một ngày qua, tại nước này đã có gần 1.000 ca mới mắc COVID-19. Xứ Basque của Tây Ban Nha đã quyết định hoãn các cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra ngày 5/4 do lo ngại dịch bệnh.
Tại Pháp, tính đến tối 16/3, Pháp xác nhận 1.210 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới được phát hiện trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước này lên 6.633 trường hợp, trong đó có 148 người tử vong.
Tổng thống Emmanuel Macron tối cùng ngày đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo đó mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ. Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố từ 0h00 ngày 17/3 đóng cửa biên giới đối với tất cả các loại phương tiện vận chuyển hành khách và chỉ có công dân Hungary mới được phép nhập cảnh. Hungary cũng cấm tất cả các sự kiện, hoạt động công cộng, trong khi các quán rượu, rạp chiếu phim và các cơ sở văn hóa khác cũng sẽ bị đóng cửa. Các nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng chỉ được phép mở cửa đến 15h00. Sau 15h00, chỉ có các cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc và cửa hàng dược mỹ phẩm được phép mở cửa.
Tính đến ngày 16/3, đã có 39 trường hợp có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Hungary, trong đó có 1 trường hợp đã phục hồi và 1 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 11/3, Chính phủ Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp - điều chưa từng có trong lịch sử Hungary 30 năm qua.
Cùng ngày, Hà Lan đã xác nhận thêm 278 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.413 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong của nước này đã tăng từ 20 lên 24 người.
Thụy Sỹ đã hủy phiên họp Quốc hội trong bối cảnh Chính phủ nước này triệu tập cuộc họp khẩn để ứng phó với dịch COVID-19 đang có dấu hiệu nguy cấp tại nước này khi chỉ trong 1 ngày, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein tăng 50%, lên 2.200 ca.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định đóng cửa các trường học trên cả nước trong vài tuần, đưa ra các biện pháp kiểm tra y tế tại cửa khẩu, nghiêm cấm mọi sự kiện tụ tập, hội họp như một phần trong những nỗ lực để bảo vệ công dân nước này, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người cao tuổi.
Tại Đức, Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder đã ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này. Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, chính quyền bang Baden-Wuertemberg tuyên bố sẽ ngừng toàn bộ các chuyến bay trong không phận của bang này do COVID-19.
Tính đến thời điểm này, trên cả nước Đức ghi nhận 6.612 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern 4 ca tử vong.
Ngày 16/3, Hy Lạp đã quyết định sẽ cách ly 14 ngày tất cả các đối tượng từ nước ngoài đến nước này và lệnh cấm đóng cửa toàn bộ các cửa hàng bán lẻ sẽ có hiệu lực từ ngày 18/3. Siêu thị, hiệu thuốc, dịch vụ giao thực phẩm sẽ được miễn trừ thực hiện quy định mới này.
Chính phủ Armenia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 16/3, nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan tại nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận 30 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi có hơn 300 người phải cách ly. Toàn bộ trường học và cửa khẩu biên giới với Gruzia và Iran đều đã đóng cửa.
Còn tại Gruzia, ngày 16/3, chính phủ nước này đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/3. Gruzia hiện đã ghi nhận 33 nhiễm virus SARS-CoV-2. Có 2 bệnh nhân đã hồi phục và hiện có 637 người tham gia cách ly. Cùng với lệnh cấm nhập cảnh trên, Gruzia đã đóng cửa toàn bộ các khu nghỉ dưỡng mùa Đông, trong khi khuyến cáo các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đóng cửa.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết nước này đã xác nhận thêm 12 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 18 trường hợp. Đây là số ca tăng mạnh nhất trong một ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các ca nhiễm mới có 2 trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19 đầu tiên tại nước này, 7 người tới từ châu Âu và 3 người tới từ Mỹ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các hoạt động cầu nguyện quy mô lớn tại các đền thờ. Tuy nhiên, các đền thờ này sẽ vẫn mở cửa cho những người cầu nguyện riêng.
Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như các nước châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3, dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người.
Theo một số nguồn tin được truyền thông sở tại đăng tải, một số biện pháp khác được cân nhắc như yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly chặt chẽ ở nhà hoặc các trung tâm chăm sóc trong 4 tháng. Hiện đã có tổng cộng 35 ca tử vong do dịch COVID-19 tại Anh trong số hơn 1.500 ca nhiễm.
Phan An/TTXVN
loading...