loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4/9, trên thế giới có tổng cộng 26.548.015 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 874.442 ca tử vong. Số ca bình phục là 18.732.521 ca.
Ngày 4/9, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước giữa năm 2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với 6.338.119 ca mắc và 191.144 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 4.046.150 ca mắc và 124.729 ca tử vong, tăng lần lượt khoảng 44.000 ca và 834 ca trong 24 giờ qua. Bộ Y tế Brazil cho biết số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở nước này đã giảm nhẹ trong những ngày gần đây, cho thấy dịch bệnh có thể đã qua đỉnh sau nhiều tháng liên tục ghi nhận số ca tử vong mỗi ngày trên 1.000 ca. Từ cuối tháng 8, mỗi ngày Brazil có khoảng 870 ca tử vong và 40.000 ca mắc mới.
Sau Brazil là Ấn Độ với 3.971.670 ca mắc COVID-19 và 68.878 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ phát hiện thêm 83.341 ca bệnh và 1.096 ca tử vong. Trước đó một ngày, số ca mắc mới cũng mức cao chưa từng có (83.883 ca) tính từ khi dịch bệnh bùng phát. Sau Ấn Độ là Nga với 1.015.105 ca mắc và 17.649 ca tử vong, tiếp đến là Peru với 670.145 ca mắc và 29.405 ca tử vong, Colombia với 641.574 ca mắc và 20.618 ca tử vong, Nam Phi với 633.015 ca mắc và 14.563 ca tử vong.
Tại châu Á, Philippines và Indonesia ghi nhận thêm hàng nghìn ca mắc COVID-19. Cụ thể, ngày 4/9, Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 3.714 ca bệnh và 49 ca tử vong. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 của nước này đã tăng lên tới 232.072 ca, trong đó có 3.737 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng xác nhận thêm 3.269 ca mắc COVID-19 và 82 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì căn bệnh này tại đây lần lượt là 187.537 ca và 7.832 ca. Chính phủ đã khuyến cáo công dân hoãn các chuyến đi không cần thiết ra nước ngoài.
Trong khi đó, giới chức y tế Thái Lan cho biết nước này đang chạy đua truy vết tiếp xúc sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 lây nhiễm cộng đồng đầu tiên trong hơn 3 tháng. Gần 200 người tiếp xúc với ca bệnh này đã được xét nghiệm. Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.431 ca mắc và 58 ca tử vong do COVID-19. Còn tại Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Vivian Balakrishnan cho biết Singapore sẽ hợp tác với các nước thuộc Nhóm G20 và các tổ chức quốc tế hướng tới việc từng bước nối lại các hoạt động đi lại giữa các nước. Theo đó, hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ được thực hiện an toàn thông qua xét nghiệm toàn diện và truy vết tiếp xúc.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 vẫn duy trì ở mức 3 con số, buộc chính phủ nước này phải gia hạn chiến dịch giãn cách xã hội thêm 1 tuần đến ngày 13/9. Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong 24 giờ qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 198 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 20.842 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này có số ca nhiễm dưới 200 ca.
Trong khi đó, New Zealand cũng quyết định duy trì các hạn chế phòng dịch COVID-19 đến giữa tháng 9 này. Ngày 4/9, nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 sau hơn 3 tháng. Bệnh nhân nam ở độ tuổi 50 có liên quan đến ổ dịch bùng phát tại thành phố Auckland trong tháng 8 vừa qua. Như vậy, tính đến ngày 4/9, New Zealand có tổng cộng 23 ca tử vong do COVID-19 trong số 1.764 ca mắc bệnh.
Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 4/9, Pháp xác nhận thêm 7.157 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại quốc gia này vượt ngưỡng 7.000 kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại trong vài tuần trở lại đây. Trên cả nước, 23 địa phương hiện ở mức "nguy cơ cao" và 37 địa phương ở mức "nguy cơ trung bình". Cơ quan Y tế công cộng Pháp cảnh báo tình hình lây nhiễm đặc biệt đáng lo ngại ở vùng đô thị và ở nhóm thanh niên, do thiếu tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Theo Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer, 22 trường học ở nước này đã phải đóng cửa do số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.
Trong khi đó, ngày 3/9, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt quá 1.600 ca, đưa tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 274.943 ca, trong đó 6.511 ca tử vong. CH Séc cùng ngày cũng phát hiện thêm 650 ca bệnh, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Theo Bộ Y tế CH Séc, tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này hiện là 25.773 ca, trong đó có 7.022 ca đang được điều trị.
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Harris ngày 4/9 cho rằng không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa COVID-19 trước giữa năm 2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tính hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine. Quan chức trên nhấn mạnh giai đoạn 3 sẽ mất nhiều thời gian hơn do cần phải kiểm chứng khả năng bảo vệ và mức độ an toàn của vaccine.
Hiện trên thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất đang được thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng. WHO khẳng định điều này không có nghĩa vaccine ngừa COVID-19 gần như đã sẵn sàng được phân phối rộng khắp trên thế giới.
Cùng ngày, công ty dược phẩm Đức Curevac thông báo sẽ có thể sản xuất quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Curevac nằm trong số các doanh nghiệp đang bào chế vaccine dựa trên các phân tử mang mã gene RNA thông tin (mRNA). Ngoài ra, Curevac có thể mở rộng hợp tác với Grohmann, một chi nhánh của tập đoàn Telsa của tỷ phú Mỹ Elon Musk, trong việc phát triển máy in RNA, từ đó giúp sản xuất vaccine trên diện rộng.
Trong khi đó, các nhà khoa học Nga thông báo vaccine Sputnik V của nước này đã đạt kết quả thử nghiệm khả quan, theo đó những bệnh nhân tham gia giai đoạn đầu thử nghiệm đã phát triển kháng thể mà không gặp bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào. Tháng 8, Nga tuyên bố phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 có tên là Sputnik V. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học phương Tây cho đến nay vẫn hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, cho rằng cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine phòng COVID-19.
Phan An /TTXVN
loading...