loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng mạnh so với con số 9 ca của một ngày trước đó.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 18/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 30.333.659 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó số ca tử vong là 950.132 ca. Số bệnh nhân bình phục là 22,01 triệu người. Hiện có hơn 7,36 triệu bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó tỷ lệ bệnh nhân cần điều trị tích cực chiếm 1%.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia (NHC), tất cả số ca nhiễm mới đều là người nhập cảnh từ nước ngoài. Ngoài những ca trên, NHC cũng thông báo có thêm 20 ca mắc mới không có triệu chứng bệnh, tăng so với con số 14 ca của một ngày trước. Trung Quốc không xếp những người không có biểu hiện bệnh vào nhóm bệnh nhân khẳng định mắc COVID-19.
Cho đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 85.255 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong. Trong số 2.706 trường hợp mắc COVID-19 ngoại nhập tại Trung Quốc đại lục, 2.451 người đã bình phục và xuất viện, số người còn đang điều trị là 165 và chưa có ca tử vong nào.
Tại Canada, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam bày tỏ lo ngại quốc gia Bắc Mỹ này có thể để mất khả năng duy trì số ca mắc COVID-19 trong tầm kiểm soát.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong vòng một tuần qua, số ca mắc mới tại Canada đã tăng vọt lên mức gần 800 ca/ngày, cao hơn gấp đôi so với số liệu tháng 7. Giới chức tại một số tỉnh bang lớn cho rằng tình trạng tụ tập đông người là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng này.
Trước thực tế này, ngày 17/9, chính quyền Ontario – tỉnh đông dân nhất Canada – đã siết chặt hơn quy định về tụ tập cá nhân tại ba “điểm nóng” là Toronto, khu vực Peel và Ottawa. Cụ thể, các buổi tiệc cá nhân, các cuộc gặp mặt được giới hạn ở mức 10 người đối với không gian trong nhà và 25 người ở không gian ngoài trời (so với các mức tương ứng được áp dụng trước đó là 50 người và 100 người).
Nếu vi phạm quy định trên, mức phạt tối thiểu là 10.000 CAD (khoảng 7.600 USD) đối với người tổ chức tiệc và 750 CAD (khoảng 570 USD) đối với người tham dự. Đây là mức phạt cao nhất tại Canada cho những người vi phạm quy định về đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định mới (có hiệu lực từ ngày 18/9) không áp dụng đối với các doanh nghiệp, các sự kiện thể thao hay hoạt động cộng đồng tổ chức ngoài trời.
Số ca nhiễm mới không ngừng tăng, cộng với quy định của nhà trường yêu cầu học sinh/phụ huynh phải làm xét nghiệm COVID-19 ngay cả khi có triệu chứng nhẹ, đã khiến các trung tâm xét nghiệm tại Canada rơi vào tình trạng quá tải. Lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole đã phải xếp hàng trong nhiều giờ trong ngày 16/9, nhưng vẫn không thể làm được xét nghiệm COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan, trường Đại học Western Ontario vừa ra thông báo tạm ngừng các hoạt động/chương trình thể thao, do số ca dương tính với virus SARS-CoV tại trường đã lên tới 28 ca. Các câu lạc bộ và một số sự kiện của trường được chuyển sang hình thức online. Nhà trường cũng hạn chế sinh viên đến thư viện. Tuy nhiên, các lớp học tại trường tiếp tục duy trì hình thức học trực tiếp và ký túc xá vẫn mở cửa.
Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, nước này đã có 140.867 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 9.200 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, tại Ireland, Bệnh viện St James và Viện Y học Trinity cho biết hơn một nửa số bệnh nhân và nhân viên y tế mắc COVID-19 được theo dõi vẫn có cảm giác mệt mỏi kéo dài sau khi phục hồi. Kết luận trên được đưa ra sau khi nhiều nhóm bệnh nhân và bác sĩ kêu gọi tiến hành nghiên cứu thêm về tác hại trung và lâu dài của virus SARS-CoV-2, đến nay đã lây nhiễm cho hơn 30 triệu người trên toàn thế giới, trong đó hơn 943.000 người tử vong.
Theo kết quả theo dõi, có 52% trong số 128 bệnh nhân tại Bệnh viện St James vẫn có cảm giác mệt mỏi kéo dài tới 10 tuần sau khi được tuyên bố khỏi bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy không có khác biệt giữa bệnh nhân nhập viện và những bệnh nhân không nhập viện. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, mặc dù chỉ chiếm hơn một nửa số người bệnh (54%) nhưng có tới 67% trong số đó có biểu hiện mệt mỏi kéo dài. Những phát hiện trên cho thấy cần phải đánh giá thêm về những tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với sức khỏe của bệnh nhân trong thời gian dài sau giai đoạn điều trị.
Phương Hoa - Hương Giang / TTXVN
loading...