loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi bùng phát cách đây hơn 1 năm, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới sắp chạm mốc 200 triệu người. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 3/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có tổng cộng 199.556.162 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.247.960 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 21h ngày 1/8 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 198.729.424 ca mắc COVID-19 và 4.236.557 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 179.422.250 ca.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 471.507 ca mắc mới và 7.589 ca tử vong. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 180.023.293 ca.
Tính theo quốc gia, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong khi ghi nhận lần lượt 35.892.507 ca và 629.853 ca. Ngày 2/8, Mỹ đã đạt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% dân số, muộn hơn gần một tháng so với mục tiêu ban đầu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra là vào ngày 4/7. Giám đốc Dữ liệu COVID-19 của Nhà Trắng Cyrus Shahpar cho biết mức tiêm chủng bình quân trong 7 ngày qua tại Mỹ đạt 441.000 người, mức cao nhất trong hơn một tháng.
Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tốc độ tiêm chủng trên toàn nước Mỹ đã được cải thiện và tăng đều đặn suốt 3 tuần qua, trung bình đạt hơn 650.000 liều trong 7 ngày, tăng 26% so với 3 tuần trước. Đáng chú ý, tốc độ tiêm chủng đã được đẩy nhanh ở một số bang miền Nam, vốn gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình tiêm chủng do có nhiều người lo ngại về sự an toàn của các loại vaccine hiện nay, cũng như vì một số lý do khác.
Số liệu của CDC cho thấy số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Mỹ là hơn 100.000. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 2/2021 khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 chưa được triển khai rộng rãi. Số ca tử vong hàng ngày vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng 33% và số người nhập viện tăng trung bình tăng 46% trong 7 ngày qua so với tuần trước.
Các chuyên gia về dịch bệnh dự đoán sẽ có khoảng 140.000 đến 300.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ trong tháng 8 do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và việc khôi phục các hoạt động xã hội trên diện rộng.
Tính theo khu vực, châu Á hiện là nơi có số ca nhiễm virus nhiều nhất thế giới, với 62.520.560 ca mắc và 904.993 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này cũng ghi nhận 239.730 ca mắc mới và 4.115 ca tử vong. Châu Âu là khu vực có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 51.709.935 ca, nhưng lại là khu vực đứng đầu thế giới về số ca tử vong với 1.135.294 ca. Nga là nước có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực này với 6.312.185 ca, trong đó có 160.137 ca tử vong. Với 42.770.271 ca mắc và 941.792 ca tử vong, Bắc Mỹ đứng thứ ba sau châu Âu.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết tính đến chiều ngày 2/8, châu lục này đã ghi nhận tổng công 6.755.192 trường hợp mắc COVID-19 và 171.187 ca tử vong
Theo CDC Châu Phi, tính đến hiện tại, 5.912.335 người mắc bệnh trên châu lục này đã được điều trị khỏi bệnh. Nam Phi là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất tính theo số ca mắc bệnh, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi Trung Phi là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất trên lục địa này.
Trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh và là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng mạnh tại nhiều nước, thậm chí tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, chính phủ một số nước đã cân nhắc đến việc tiêm mũi vaccine tăng cường.
Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang của Đức đã ra khuyến nghị tiêm chủng nhắc lại cho nhóm dễ bị tổn thương từ tháng 9 tới. Theo đó, các đội tiêm chủng cũng như bác sĩ gia đình sẽ tiến hành tiêm cho nhóm người dễ bị tổn thương ở các trại dưỡng lão hoặc các cơ sở hỗ trợ hòa nhập (các cơ sở xã hội, người khuyết tật). Nhóm này chủ yếu là những người cao tuổi, những người cần được chăm sóc và những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc ức chế miễn dịch.
Vaccine của BioNtech/Pfizer hoặc Moderna nên được tiêm nhắc lại cho những người này ít nhất 6 tháng sau loạt tiêm chủng đầu tiên. Các trường hợp chưa được tiêm vaccine mRNA cũng có thể được tiêm vaccine công nghệ này từ tháng 9 tới, không phân biệt độ tuổi hay độ nhạy cảm. Theo Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, mục đích của việc tiêm nhắc lại là để bảo vệ các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương vào mùa Thu và mùa Đông, bởi nhóm này có nguy cơ rất lớn về giảm độ miễn dịch.
Thanh Hương/TTXVN
loading...