loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 26/9, thế giới đã có 209.049.887 người phục hồi sau thời gian mắc bệnh COVID-19. 1/6 trong số này là ở Mỹ (hơn 33 triệu người). Con số này ở Ấn Độ cũng gần tương đương (hiện đã hơn 32 triệu người khỏi bệnh).
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 26/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 232.248.399 ca bệnh COVID-19, trong đó có 4.756.524 ca tử vong. 208.856.598 bệnh nhân đã bình phục và vẫn còn 18.635.277 bệnh nhân đang được điều trị.
Tại Brazil, hơn 20 triệu người đã khỏi bệnh trong số hơn 21,3 triệu người mắc. Hiện tại, 93.482 người đang trong tình trạng nguy kịch, trong đó hơn 22.000 người ở Mỹ. Brazil và Ấn Độ đều đang có hơn 8.300 ca nguy kịch.
Xét theo từng quốc gia đơn lẻ, Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, với số ca nhiễm (43.725.604 ca) và số ca tử vong (706.058 ca) đều đứng đầu thế giới. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (hiện đã hơn 33,6 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hiện là 594.246 ca). Trong danh sách 10 nước bị ảnh hưởng nhất, còn có 4 quốc gia châu Âu là Anh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, 2 nước châu Mỹ là Argentina và Colombia. Châu Á cũng có một cái tên là Iran.
Xét theo khu vực, châu Á ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện là 75.202.077 ca, vượt xa châu Âu (58.422.357 ca). Con số này ở Bắc Mỹ là hơn 52,5 triệu ca và ở Nam Mỹ là hơn 37,6 triệu ca. Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng hơn, ghi nhận lần lượt hơn 8,3 triệu ca và hơn 218.000 ca. Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.215.667 ca, tiếp theo là Nam Mỹ với 1.151.719 ca. Châu Á đứng thứ ba với 1.112.979 ca và con số này của Bắc Mỹ là 1.067.113 ca.
Tại châu Á, nhiều địa phương ở Lào đã tăng cường các biện pháp phòng dịch sau khi ghi nhận cụm lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉnh Viêng Chăn vừa có thông báo đóng cửa công sở cho đến ngày 8/10; cấm người dân rời khỏi nhà hoặc nơi cư trú trong trường hợp không cần thiết, ngoại trừ trường hợp được cấp phép; đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng bổ sung thêm các chốt kiểm soát đi lại, tạm thời ngừng hoạt động ra vào tỉnh. Trường hợp cấp thiết cần ra vào tỉnh cần được cấp phép đầy đủ và người đến từ vùng dịch phải cách ly tập trung 14 ngày.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Luang Prabang cũng siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 ở các khu vực có nguy cơ cao. Hiện nhiều khu vực lây nhiễm dịch ở Luang Prabang đang bị phong tỏa. Nhà chức trách cũng đang khẩn trương truy vết người nhiễm bệnh cũng như trường hợp tiếp xúc gần để đưa đi điều trị và cách ly. Tỉnh Huaphan cũng gia hạn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đến ngày 14/10, bao gồm lệnh cấm người ra vào tỉnh mà không được phép; trong khi xe vận tải hàng hóa phải tiến hành bốc dỡ ở ranh giới tỉnh.
Nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, Bộ Y tế Malaysia đã quyết định rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca từ 9 tuần xuống còn 6 tuần. Đây là lần thứ hai Bộ trên đưa ra quyết định tương tự. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10. Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết điều này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người tiêm loại vaccine của AstraZeneca hoàn thành liệu trình tiêm chủng.
Giáo sư dịch tễ học, Tiến sĩ Awang Bulgiba Awang Mahmud của Đại học Malaya cho biết vaccine của Pfizer-BioNTech và của AstraZeneca đã cho thấy có tác dụng chống lại biến thể Delta sau 2 mũi tiêm, tiêm một mũi không mang lại hiệu quả bảo vệ tối ưu. Do đó, việc giảm khoảng cách giữa 2 lần tiêm xuống còn 6 tuần nhằm cân bằng giữa việc cố gắng đạt được mức kháng thể tối đa và đảm bảo rằng có sự bảo vệ tối ưu chống lại biến thể Delta.
Hiện Malaysia đã tiêm được đủ hai mũi cho 82,5% người trưởng thành, do vậy việc giảm khoảng cách giữa hai mũi tiêm để những người tiêm vaccine của AstraZeneca hoàn thành tiêm chủng là rất quan trọng. Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia nhằm nhanh chóng xét nghiệm và nhanh chóng cách ly các trường hợp nhiễm COVID-19. Lực lượng này sẽ chuyên chú vào việc nhanh chóng xét nghiệm và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, ngày 26/9, Trung Quốc tiếp tục chuyển vaccine CoronaVac của hãng Sinovac cho Philippines để hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Hiện Philippines đã tiêm chủng được cho 43,8 triệu người, trong đó hơn 20 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Chính phủ Philippines đang kỳ vọng có thể tiêm được cho 70 triệu người trong năm nay. Tính tới nay, Philippines đã nhận được 70 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau, trong đó Trung Quốc là nước cung cấp nhiều vaccine nhất cho Manila.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Suga Yoshihide lạc quan về khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, vốn đang được áp đặt tại nhiều tỉnh, thành ở nước này cho đến cuối tháng, đồng thời khẳng định tình hình dịch bệnh đang có tín hiệu cải thiện. Theo ông Suga, hiện số ca mắc mới ở Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 ca/ngày so với thời điểm lên tới khoảng 25.000 ca/ngày. Tương tự, Thủ tướng Australia cũng đang nhắc lại điều kiện dỡ bỏ các hạn chế, hy vọng các bang sẽ mở cửa biên giới và nới lỏng các hạn chế khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt 80%. Theo kế hoạch, nhà chức trách NSW sẽ hoàn tất việc đưa ra lộ trình tiếp theo sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%. Những người chưa tiêm vaccine sẽ vẫn bị hạn chế đi lại, tham gia các sự kiện thể thao, đến quán rượu, nhà hàng, cho đến khi 90% tổng số người trưởng thành tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Về phần mình, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết từ tháng 10 tới, nước này cũng sẽ giảm thời gian giữa hai mũi vaccine nhằm tăng tỷ lệ người được tiêm đủ hai mũi. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên y tế. Theo kế hoạch tiêm phòng trong quý IV, một nhóm tuổi mới dự kiến sẽ được tiêm là từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, đối tượng này sẽ không thuộc diện tiêm bắt buộc. Cùng với nỗ lực tiêm phòng, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết nước này vẫn kiên định lộ trình theo từng giai đoạn để trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu từ cuối tháng 10 tới, bất chấp sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đây ở trong nước.
Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách đẩy nhanh trở lại cuộc sống bình thường dựa trên tiến độ của chiến dịch tiêm chủng và các doanh nghiệp nhỏ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết: “Vào cuối tháng 10, 70% dân số Hàn Quốc sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó có nghĩa là không gian cho virus sẽ bị thu hẹp lại rất nhiều. Sau đó, chúng ta sẽ có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo". Tuy nhiên, ông cho rằng mọi người vẫn nên chấp nhận những bất tiện như đeo khẩu trang ngay cả khi giai đoạn trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu.
Tại châu Âu, Anh và Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới hơn 7,4 triệu ca, trong đó số ca tử vong ở Nga (203.900) cao hơn ở Anh (136.105). Pháp đứng thứ ba châu lục với hơn 6,9 triệu ca nhiễm và 116.449 ca tử vong tính đến thời điểm này. Tây Ban Nha, Italy và Đức đều đã có hơn 4,2 triệu ca trong khi Ba Lan và Ukraine có hơn 2,3 triệu ca nhiễm. Các nước ghi nhận hơn 1 triệu ca là Hà Lan, CH Séc, Bỉ, Romania, Thụy Điển và Bồ Đào Nha.
Ngày 26/9, Ireland đã tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch với quyết định ngừng áp dụng cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với du khách nhập cảnh. Kể từ cuối tháng 3, Chính phủ Ireland đã đưa ra danh sách các nước phải cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại khách sạn khi nhập cảnh nước này. Bên cạnh đó, những người không đáp ứng các quy định nhập cảnh, như có xét nghiệm PCR âm tính cũng phải cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, ngày 25/9, Bộ Y tế Ireland đã quyết định xóa bỏ danh sách trên dựa trên đề nghị của lực lượng chức năng.
Tại châu Mỹ, ngoài Mỹ, Brazil, Argentina và Colombia nằm trong danh sách 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, đáng chú ý có Mexico, Peru, Chile và Canada là những nước đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca nhiễm. Trong số này, Mexico có nhiều ca tử vong nhất, hiện đã lên tớ 275.299 ca, nhiều hơn cả Argentina và Colombia. Con số này ở Peri hiện là 199.228 ca.
Tại châu Phi, Nam Phi là nước bị ảnh hưởng nhất với 2.895.976 ca nhiễm và 87.001 ca tử vong. Tiếp đến là Maroc, hiện đã ghi nhận 928.571 ca nhiễm, trong khi Tunisia đứng thứ hai về số ca tử vong với 24.732 ca. Những nước đã có hơn 300.000 ca nhiễm ở châu lục này là Tunisia, Ethiopia, Libya và Ai Cập.
TTXVN
loading...