loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 6/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 173.705.211 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.735.771 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là156.575.832 người.
Phóng viên TTXVN tại Rome đưa tin, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Italy tiếp tục được đẩy mạnh khi ngày 5/6, Italy đã chạm ngưỡng kỷ lục 600.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.203.721 ca mắc, trong đó có 612.195 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 346.784 ca tử vong trong số 28.808.372 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 472.629 ca tử vong trong số 16.907.425 bệnh nhân.
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có chiều hướng khả quan hơn với tỷ lệ lây nhiễm tại các thành phố lớn giảm. Chính vì vậy, giới chức nước này đã nới lỏng một số biện pháp phòng dịch.
Theo đó, các chợ và trung tâm mua sắm tại New Delhi sẽ được phép hoạt động trở lại một phần kể từ ngày 7/6 tới. Dịch vụ tàu điện ngầm tại Delhi cũng sẽ được nối lại với 50% công suất. Trong khi đó, chính quyền bang Maharashtra đã công bố kế hoạch 5 giai đoạn để nới lỏng các biện pháp hạn chế tùy thuộc và diễn biến dịch bệnh và tình hình tại các bệnh viện.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Bỉ sẽ tiêm chủng cho những người trong độ tuổi từ 16-17 tuổi. Kế hoạch này sẽ được triển khai từ tháng 7, sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech.
Trong khi đó, Đại sứ Brazil tại Liên bang Nga, ông Tovar da Silva Nunes, cho biết nước này dự kiến sản xuất ít nhất 8 triệu liều vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga mỗi tháng. Ông Nunes lưu ý rằng việc sản xuất vaccine ở Brazil đã bắt đầu và vaccine sẽ không chỉ được sử dụng ở nước này mà còn được xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh. Theo ông Nunes, ngay sau khi việc sản xuất bắt đầu vào tháng 6 và tháng 7, Brazil sẽ điều chế ít nhất 8 triệu liều mỗi tháng.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Italy tiếp tục được đẩy mạnh khi ngày 5/6, Italy đã chạm ngưỡng kỷ lục 600.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Italy, tính đến 6h sáng 6/6, Italy đã đạt kỷ lục về số lượt tiêm chủng mỗi ngày với 598.510 lượt, trong đó 444.639 lượt tiêm chủng liều đầu tiên và 153.871 lượt tiêm liều thứ hai. Vaccine Pfizer chiếm tỷ lệ cao nhất với 447.388 liều, tiếp đến là AstraZeneca với 58.178 liều, Moderna (52.849) và Johnson & Johnson (40.095).
Cũng trong ngày 5/6, các bộ trưởng thương mại thuộc 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí mục tiêu đạt được sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bắt đầu bằng việc tăng tốc phân phối vaccine.
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng thương mại APEC nêu rõ: "Nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa COVID-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, chúng ta cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng".
Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò của thương mại và đầu tư trong việc đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng đối với vaccine. Bên cạnh đó, các bộ trưởng APEC cũng được cho là đã thảo luận về việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, hiện đang được đàm phán tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuyên bố lưu ý các nền kinh tế APEC sẽ tích cực ủng hộ các cuộc thảo luận về việc loại bỏ tạm thời một số biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ nhất định đối với vaccine ngừa COVID-19. Sở dĩ vấn đề này được đề cập trong tuyên bố chung là do New Zealand đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực do Ấn Độ và Nam Phi dẫn dắt tại WTO, nhằm tạm thời đình chỉ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vacccine ngừa COVID-19.
Các bộ trưởng cũng đưa ra tuyên bố riêng rẽ về chuỗi cung ứng vaccine ngừa COVID-19, trong đó nêu rõ các nền kinh tế APEC sẽ đẩy mạnh sự lưu thông và vận chuyển của mọi loại vaccine cùng các hàng hóa liên quan, thông qua các cảng trên biển, trên bộ và cảng hàng không.
Tuyên bố riêng này có đoạn: "Chúng tôi sẽ cân nhắc các hành động tự nguyện để giảm giá thành của các sản phẩm này cho người dân của chúng tôi, đặc biệt bằng cách khuyến khích mỗi nền kinh tế xem xét lại các khoản thuế của chính họ được áp dụng ở biên giới đối với vaccine ngừa COVID-19 và các hàng hóa liên quan".
Mức thuế trung bình của APEC đối với vaccine hiện đang ở mức thấp, khoảng 0,8%, song các mặt hàng khác có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng vaccine phải chịu mức thuế cao hơn. Ở một số nền kinh tế APEC, các hàng hóa như dung dịch chứa cồn, thiết bị đông lạnh, đóng gói và bảo quản nguyên liệu, chai lọ và nút cao su dùng để cất trữ vacccine phải chịu thuế suất trung bình trên 5% và thuế nhập khẩu có thể lên tới 30%.
Thanh Hương - TTXVN
loading...