A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 22/5: Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới

10:05 22/05/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 22/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 166.458.272 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.457.105 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 147.219.500 người.   

Dịch Covid-19: WHO nhận định thế giới có thể kiểm soát đại dịch trong những tháng tới

Dịch Covid-19: WHO nhận định thế giới có thể kiểm soát đại dịch trong những tháng tới

Ngày 19/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới có những công cụ để đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 603.408 ca tử vong trong tổng số 33.862.398 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 295.508 ca tử vong trong số 26.285.069 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 446.527 ca tử vong trong số 15.976.156 bệnh nhân.       

Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 304 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 280 người và Bosnia-Herzegovina với 277 người.       

Xét theo khu vực, châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới với hơn 52,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 31,5 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 613.600 ca tử vong trong hơn 34,4 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 434.300 ca tử vong trong hơn 33,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 139.400 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 127.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.   

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Campuchia, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng tối 21/5 đã ra thông báo về việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng chống dịch COVID-19 tại “Khu vực Vàng” áp dụng từ 8h tối hôm trước đến 3h sáng hôm sau.      

Thông báo của Đô trưởng Phnom Penh cũng xác nhận dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn tại thủ đô từ ngày 22/5/2021. Theo đó, các hoạt động kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng và các chợ có thể cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ bình thường, nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế Campuchia quy định, trong đó có việc yêu cầu tất cả các khách hàng phải dùng điện thoại di động quét mã truy vết QR “Stop COVID” trước khi vào.

Các khách hàng phải đeo khẩu trang phòng dịch, đo thân nhiệt và tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác. Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh như câu lạc bộ giải trí, vũ trường, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao, bảo tàng vẫn bị đóng cửa cho tới khi có thông báo mới.   

Việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại Phom Penh được đưa ra khá bất ngờ, bởi trước đó một ngày, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã ra quyết định gia hạn giới nghiêm trong thành phố thêm 1 tuần, từ ngày 20-27/5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Tính đến hết ngày 21/5, Campuchia đã có 24.157 ca nhiễm COVID-19, 16.524 người được điều trị bình phục và 165 ca tử vong.   

Cũng trong tối 21/5, Thủ tướng Malaysia - ông Muhyiddin Yassin đã chủ trì cuộc họp đặc biệt của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) để thảo luận về các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan dịch COVID-19. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Malaysia liên tục vượt mốc 6.000 ca/ngày trong 3 ngày qua và số người tử vong do dịch bệnh này cũng liên tục tăng lên mức kỷ lục mới, tới 50 người/ngày.      

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp, NSC ra quyết định thắt chặt hơn nữa việc thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) 3.0 đang được áp đặt từ ngày 12/5 đến 7/6, với những biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Đồng thời thắt chặt quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP), bao gồm áp đặt nghiêm lệnh cấm đi lại liên bang và liên quận, hạn chế các hoạt động xã hội, thể thao và giải trí cũng như các hội nghị và hội thảo diễn ra trực tiếp.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng nêu rõ, chi tiết về các hạn chế bổ sung sẽ được Bộ trưởng cấp cao, kiêm bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob công bố trong cuộc họp báo ngày 22/5. Khác với các cuộc họp trước đây của NSC, cuộc họp lần này có sự tham dự của lãnh đạo các bang.   

Tại châu Mỹ, ngày 21/5, Hiệp hội bóng đá Argentina (AFA) thông báo tạm đình chỉ tất cả các giải đấu trong nước trong vòng 9 ngày trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng đột biến. Tuy nhiên, quyết định này sẽ không ảnh hưởng tới lịch thi đấu của Cúp Copa Libertadores dự kiến diễn ra vào tuần tới. Tính đến thời điểm này, Argentina đã ghi nhận hơn 3,4 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 73.300 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 21/5, nước này có thêm 695 ca tử vong mới do mắc COVID-19, trong tổng số 35.468 trường hợp cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong các xét nghiệm thực hiện cùng ngày.       

Trước đó, trong ngày 20/5, Tổng thống Alberto Fernandez đã ban bố lệnh phong tỏa kéo dài 9 ngày tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, trong đó bao gồm cả vùng thủ đô Buenos Aires, để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh. Tổng thống Alberto Fernandez thừa nhận Argentina đang ở trong "thời khắc tồi tệ nhất của đại dịch", theo đó ông đồng thời kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà để đề phòng nhiễm bệnh và giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Tất cả các hoạt động xã hội, kinh tế, giáo dục và tôn giáo cũng sẽ bị tạm ngừng cho đến hết ngày 30/5, ngoại trừ các hoạt động kinh doanh thiết yếu và dịch vụ giao hàng tận nhà và dịch vụ mua hàng mang đi.       

Cũng trong ngày 21/5, Canada đã quyết định gia hạn đến ngày 21/6/2021 lệnh cấm các chuyến bay chở khách trực tiếp từ Ấn Độ và Pakistan đến nước này, nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Lệnh cấm trước đó được áp dụng lần đầu tiên vào ngày 22/4, sẽ hết hiệu lực vào ngày 22/5.     

Các chuyến bay chở hàng vẫn được phép vào Canada để đảm bảo không gián đoạn nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và các hàng hóa thiết yếu khác. Để ngăn hành khách “lách” lệnh cấm bay bằng cách đặt vé bay qua các quốc gia khác, Canada yêu cầu hành khách quá cảnh nước thứ ba phải làm thủ tục hải quan và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi đáp máy bay đến Canada. Hành khác cũng được yêu cầu phải cách ly khi tới Canada.     

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Omar Alghabra, quyết định này "dựa trên tư vấn về sức khỏe cộng đồng" và Canada đã giảm được đáng kể số trường hợp dương tính với COVID-19 đến từ các chuyến bay quốc tế kể từ khi lệnh cấm này được đưa ra. Ông Alghabra cho biết thêm, chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh các biện pháp hạn chế biên giới khi các điều kiện thay đổi và không ấn định thời điểm cụ thể về việc dỡ bỏ lệnh cấm này.

Thanh Phương/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...