A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19: Thế giới có tuần lây lan kỷ lục, Ấn Độ gần 300.000 ca/ngày

07:24 21/04/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.500 ca tử vong và trên 780.000 ca nhiễm mới. Tình hình Ấn Độ nguy cấp khi số ca nhiễm mới liên tiếp phá kỷ lục, gần cán mức 300.000 ca/ngày.

Dịch Covid-19 đến sáng 20/4: Toàn thế giới có hơn 142 ca nhiễm, hơn 3 triệu ca tử vong

Dịch Covid-19 đến sáng 20/4: Toàn thế giới có hơn 142 ca nhiễm, hơn 3 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 20/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 142.686.485 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.042.841 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 121.187.563 người.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 143.492.529 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.055.591 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 781.333 và 12.571 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 122.118.938 người, 18.318.000 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 109.393 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (294.290 ca), Brazil (65.363 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (61.028); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.954 ca), tiếp theo là Ấn Độ (2.020 ca) và Mỹ (738 ca).

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nằm chung giường do quá tải ở New Delhi, Ấn Độ ngày 15/4. Ảnh: Reuters

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.525.316 triệu người, trong đó có 582.311 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 15.609.004 ca nhiễm, bao gồm 182.570 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 14.043.076 ca bệnh và 378.003 ca tử vong.

Thế giới trải qua tuần kỷ lục lây nhiễm

CNN dẫn dữ liệu công bố của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy toàn cầu vừa trải qua một tuần lây nhiễm kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo đó, thế giới đã ghi nhận 5.236.922 ca nhiễm mới trong 7 ngày của tuần trước, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 5.04 triệu ca vào tuần từ ngày 4/1/2021. Số ca lây nhiễm mới đã tăng ở tất cả các khu vực theo phân chia của WHO, ngoại trừ châu Âu - giảm 3%. Khu vực chứng kiến lây nhiễm mới tăng mạnh nhất là Đông Nam Á, tăng 57% so với tuần trước đó.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ cũng liên tục tăng, và chiếm tới 28% tổng ca mới trên toàn cầu.

Cũng trong tuần trước, số ca tử vong do COVID trên toàn thế giới đã vượt mốc 3 triệu người. Theo WHO, thế giới mất 9 tháng để cán mốc 1 triệu ca tử vong đầu tiên, nhưng chỉ mất 3 tháng để vượt mốc 1 triệu ca lần thứ ba.

Chú thích ảnh
Một người chờ chuyển thi thể người thân tử vong vì COVID lên xe ngay gần một đám hoả táng thi thể người chết ở New Delhi, ngày 17/4/2021. Ảnh: Getty Images

Châu Mỹ: Biên giới Canada-Mỹ tiếp tục đóng cửa thêm 1 tháng

Thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước đã được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21/5/2021, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19 có xu hướng trầm trọng ở “xứ sở lá phong”.

Cũng trong ngày 20/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không đi du lịch tới Canada do dịch bệnh đang tăng mạnh ở quốc gia láng giềng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã đưa Canada vào danh sách cảnh báo đi lại cấp độ 4 -  cấp độ cảnh báo cao nhất của Mỹ đối với việc du lịch đến một quốc gia.

Tính đến 6h sáng 21/4 (giờ VN), Canada ghi nhận 1.136.849 ca mắc COVID-19, trong đó 23.707 trường hợp đã tử vong. Theo Cơ quan y tế công cộng Canada, trong thời gian từ ngày 13-19/4/2021, trung bình mỗi ngày nước này có thêm 8.680 ca mắc COVID-19, tăng 7% so với 7 ngày trước đó.

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại London, Anh, ngày 13/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vaccine J&J có thể liên quan đến sự cố máu đông cục

Cơ quan quản lý Dược phẩm của Liên minh Châu Âu ngày 20/4 cho biết họ đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vaccin phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) với những ca bị cục máu đông hiếm gặp và yêu cầu công ty có thêm cảnh báo vào nhãn. Tuy vậy, các chuyên gia tại cơ quan này nhắc lại rằng lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn nguy cơ rủi ro.

Theo hãng tin AP, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã đưa ra quyết định nói trên sau khi một số lượng rất nhỏ các trường hợp bị chứng huyết khối (máu đông cục) ở những người đã tiêm vaccine được báo cáo ở Mỹ. EMA cho biết cảnh báo về các cục máu đông nên được thêm vào nhãn của vaccine Johnson & Johnson và những rối loạn máu hiếm gặp này nên được coi là “tác dụng phụ rất hiếm của vaccine”.

EMA cũng khuyến nghị thay đổi nhãn đối với vaccine AstraZeneca COVID-19 sau khi tìm thấy mối liên hệ với chứng huyết khối hiếm gặp.

Trong cả hai trường hợp, EMA cho biết lợi ích của việc được chủng ngừa COVID-19 vẫn vượt trội so với nguy cơ rất nhỏ của số lượng hiếm gặp những người xuất hiện chứng cục máu đông bất thường.

Tuần trước, Johnson & Johnson đã tạm dừng triển khai vaccine ở châu Âu sau khi các quan chức Mỹ khuyến nghị tạm dừng tiêm vaccine do hãng này sản xuất, khi họ phát hiện 6 trường hợp đông máu trong số gần 7 triệu người đã được tiêm chủng tại Mỹ.

Nga: Dịch lây lan tồi tệ hơn ở Moskva

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin ngày 20/4 đăng tải trên blog cá nhân cho biết tình hình lây lan virus SARS-CoV-2 ở thành phố này đã bắt đầu trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây.  Ông Sobyanin viết: “Thật vậy, trong 2 hoặc 3 tuần qua, tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu xấu đi”.

Tính đến 6h sáng 21/4, Nga đã ghi nhận thêm 8.164 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ. Đây là mức ghi nhận thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2020. Tuy vậy, trong số này thủ đô Moskva đã chiếm tới 1.996 ca.

Châu Á - Ấn Độ: Gần 300.000 ca nhiễm/ngày

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 294.290 ca mắc mới COVID-19 - mức theo ngày cao nhất thế giới, đồng thời đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày.

Tính đến 6h sáng 21/4, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 15.609.004 ca bệnh, trong đó có 182.570 ca tử vong.

Trong khi đó, Malaysia đã có thêm 2.341 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 379.473. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Malaysia ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19. Bang Sarawak tiếp tục có số người nhiễm trong ngày cao nhất, với 600 ca, tiếp đến là bang Selangor (539 ca), Kelatan (429 ca) và thủ đô Kuala Lumpur (344 ca). Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 3-16/4, bang Kelantan đã ghi nhận tổng cộng 464 ca nhiễm bệnh liên quan tới các trường học, bao gồm cả học sinh, giáo viên và nhân viên phục vụ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, ngày 19/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc giúp Indonesia xây dựng trung tâm sản xuất vaccine tầm cỡ

Ngày 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác vaccine với Indonesia. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông nêu rõ Trung Quốc sẽ giúp Indonesia xây dựng một trung tâm sản xuất vaccine tầm cỡ khu vực.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định hai nước chia sẻ quan điểm phản đối "chủ nghĩa dân tộc vaccine".

Trong một diễn biến khác, Indonesia đã cho phép các hãng dược phẩm tư nhân tham gia nghiên cứu bào chế vaccine. Trước đó, cũng trong tháng này, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (BPOM) của Indonesia đã không cho phép thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nusantara, do hãng dược địa phương Rama Emerald Multi Sukses đang phối hợp với công ty sinh dược Aivita của Mỹ nghiên cứu. Lý do đưa ra là các công ty trên không nộp đủ dữ liệu yêu cầu của cuộc thử nghiệm giai đoạn 1.

Campuchia: Người dân Phnom Penh gặp khó khăn bởi lệnh phong toả

Ngày 20/4, Campuchia đã ghi nhận thêm 431 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 trường hợp "nhập cảnh", số còn lại liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2.

Để giải quyết tình trạng khó khăn do lệnh phong tỏa thủ đô, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã chỉ thị tất cả các quận, huyện thuộc thành phố phải cấp thẻ “mua hàng” để mỗi gia đình chỉ có 1 thành viên được phép đi lại mua lương thực và nhu yếu phẩm trong thời gian này. Ông yêu cầu chính quyền các cấp ở Phnom Penh phải đảm bảo công bằng trong việc phân phát thẻ “mua hàng” để người mua lẫn các tiểu thương phải tuân thủ chặt chẽ những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Vấn đề mua nhu yếu phẩm tại Phnom Penh bắt đầu trở nên nan giải khi lệnh phong tỏa được ban bố từ tuần trước, với nhiều người dân phàn nàn rằng họ bị thiếu nguồn cung ứng, nhiều chợ bị đóng cửa do liên quan tới các ca lây nhiễm, trong khi việc đi lại giữa các quận bị cấm, dù là với mục đích mua hàng.

Chú thích ảnh
Cảnh sát dựng chốt chặn tại một tuyến đường dẫn vào thủ đô Phnom Penh, Campuchia ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia: Ngày thứ 6 liên tiếp trên 2.000 ca mắc mới

Ngày 20/4, Malaysia đã ghi nhận thêm 2.341 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 379.473. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp nước này ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19.

Trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, với cụm lây nhiễm chủ yếu bùng phát tại các công trường và công xưởng lao động có nhiều lao động nhập cư, chính phủ nước này đã tiến hành rà soát lực lượng lao động nhập cư bất hợp pháp để triển khai việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng này, thậm chí đề nghị chủ lao động cam kết tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho nhân công.

Chú thích ảnh
Người dân Malaysia đeo khẩu trang tại một khu chợ. Ảnh: Straits Times

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin cho biết tính đến nay, đã có tổng cộng 145.830 người lao động nhập cư bất hợp pháp đăng ký Chương trình rà soát lực lượng lao động. Cụ thể 72.324 lao động nhập cư bất hợp pháp đăng ký hồi hương và 73.506 người lao động khác đã đăng ký để được trở lại làm việc một cách hợp pháp.

Ông Hamzah cho rằng mục đích của chính phủ khi triển khai hai chương trình trên nhằm đảm bảo chỉ có những người nước ngoài có giấy tờ hợp pháp mới được làm việc tại nước này. Theo ông, nếu còn những người lao động nhập cư bất hợp pháp không được tiêm phòng thì đất nước sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Philippines: Bệnh viện đang quá tải

Các bệnh viện tại Philippines đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn. Lực lượng chức năng ở thủ đô Manila khẳng định tình hình dịch bệnh tại đây đang diễn biến phức tạp, khi số ca nhiễm ngày một tăng. Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines, kể từ đầu tháng, nước này đã ghi nhận trung bình hơn 10.400 ca mắc COVID-19, gần gấp đôi so với con số ghi nhận được trong tháng 3 và vượt xa con số bình quân 213 ca/ngày vào tháng 4/2020, cũng như 2.169 ca nhiễm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố San Juan, Philippines, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Việc chính phủ quyết định phong tỏa thủ đô Manila, với khoảng hơn 13 triệu dân, dường như không giúp giảm bớt khó khăn cho hệ thống y tế. Theo các dữ liệu của Chính phủ Philippines, các khoa chăm sóc đặc biệt ở Manila đang hoạt động ở mức 84% công suất, trong khi 70% giường bệnh đã được dùng cho bệnh nhân mắc COVID-19 và 63% giường bệnh được dùng để cách ly.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Philippines cho biết sẽ bổ sung thêm hơn 1.400 giường bệnh tại Manila

Cho tới nay, Philippines ghi nhận 945.745 trường hợp mắc COVID-19, trong đó khoảng 16.000 người không qua khỏi.

Theo Vnews

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...