loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 15/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 240.543.401 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.900.281 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 15/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 240.346.652 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.896.650 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 35.201.837 người.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 217.818.977 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 741.898 ca tử vong trong tổng số 45.639.563 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 451.906 ca tử vong trong số 34.041.091 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.201 ca tử vong trong số 21.612.237 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 606 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 338 người và CH Bắc Macedonia với 331 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,4 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 70 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 214.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.
Trong 24 giờ qua, Lào đã ghi nhận 573 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 571 ca lây nhiễm cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch COVID-19 tại nước này vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc tăng cao tại một số tỉnh, thành tiếp tục gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế quốc gia. Đáng chú ý, sau khi tỉnh Luang Prabang có số ca mắc tăng đột biến hôm 14/10 thì ngày 15/10, tỉnh Khammuan lại vượt thủ đô Viêng Chăn về số ca lây nhiễm cộng đồng khi ghi nhận 161 ca. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 31.188 ca, trong đó có 36 người tử vong.
Cũng trong ngày 15/10, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã ra quyết định tiếp tục kéo dài các biện pháp hành chính chống dịch COVID-19 thêm hai tuần, từ ngày 15 đến ngày 28/10, nhằm phòng chống dịch bệnh này lây lan, đặc biệt là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Thông báo này đã dập tắt hy vọng của nhiều dịch vụ kinh doanh đang chuẩn bị mở cửa trở lại, đặc biệt là các dịch vụ giải trí như quán bar, cơ sở massage... cho dù Phnom Penh là thành phố có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất thế giới.
Theo quyết định trên, các hoạt động kinh doanh và nghề nghiệp có nguy cơ làm lây nhiễm COVID-19 ở mức cao như rạp chiếu phim, quán karaoke, câu lạc bộ đêm, vườn bia và các loại hình giải trí khác tiếp tục ngừng hoạt động thêm 14 ngày, tuy nhiên số người hội họp vì mục đích cá nhân được phép tăng từ 15 người theo quy định cũ lên 50 người trong một số trường hợp.
Chính phủ Philippines cùng ngày đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ đến từ Trung Quốc và hơn 40 nước, khu vực khác có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 16 đến 31/10. Những người nước ngoài tiêm vaccine đầy đủ, sẽ cần có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ trước khi khởi hành. Sau khi đến Philippines, du khách không cần phải ở lại trong cơ sở cách ly, nhưng được yêu cầu tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày.
Những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ và các cá nhân không có giấy xác nhận tiêm vaccine được công nhận và những người đã tiêm vaccine nhưng không tuân thủ các quy định xét nghiệm trước khi đi, cần phải cách ly tại cơ sở được chỉ định cho đến khi cho kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính ở ngày thứ 5. Du khách nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào Philippines như một phần trong các biện pháp kiểm soát biên giới khi chính phủ áp đặt các biện pháp hạn và chế phong tỏa hồi tháng 3/2020. Chỉ những du khách được cấp thị thực đặc biệt như các nhà ngoại giao mới được phép nhập cảnh.
Thủ tướng Scott Morrison thông báo kể từ ngày 1/11 tới, công dân Australia, những người có thị thực thường trú ở Australia và thân nhân trực tiếp của những người này, sẽ không cần cách ly khi nhập cảnh nếu đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, quy định này chưa áp dụng đối với du khách nước ngoài. Chính quyền bang New South Wales (NSW) cũng cho biết tất cả du khách đến bang này sẽ không phải cách ly kể từ ngày 1/11 nếu chứng minh được tiêm đầy đủ các mũi vaccine ngừa COVID-19, đã được Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) phê duyệt và kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi khởi hành.
Cho đến nay, TGA đã phê duyệt lưu hành vaccine của hãng Pfizer và Moderna, vaccine Sinovac của Trung Quốc và Covidshield của Ấn Độ. Theo Thủ hiến bang bang NSW Dominic Perrottet, những người nhập cảnh chưa được tiêm chủng sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly tại khách sạn, nhưng chính quyền bang chỉ có thể bố trí chỗ ở cách ly cho tối đa 210 người/tuần.
Vùng đô thị Canberra của Australia ghi nhận hơn 99% cư dân trên 12 tuổi đã được tiêm mũi một vaccine phòng COVID-19, trong khi 76% người thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm đủ 2 mũi. Truyền thông Australia dự báo với tốc độ này thì vào cuối tháng 11, Canberra sẽ vượt Lisbon của Bồ Đào Nha và thủ đô của Singapore để trở thành thành phố có đông dân được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 nhất trên thế giới.
Thông tin trên được ra ra trong bối cảnh vùng thủ đô của Australia vừa chấm dứt biện pháp phong tỏa sau 9 tuần áp dụng, cho phép nới lỏng một số biện pháp hạn chế, trong đó các quán rượu, nhà hàng, phòng tập thể hình, các trung tâm giải trí và các cửa hàng cắt tóc được hoạt động trở lại với các hạn chế về số người được phục vụ ở cùng một thời điểm.
Trong khi đó tại Mỹ, chính phủ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với những người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, người đến từ hơn 30 quốc gia cụ thể sẽ được phép nhập cảnh Mỹ qua các cửa khẩu hàng không và đường bộ từ ngày 8/11.
Từ tháng 3/2020, Mỹ đã hạn chế du khách nhập cảnh nước này, trừ trường hợp thực sự cần thiết, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Ngày 20/9 vừa qua, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế với du khách từ 33 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và hầu hết các nước châu Âu, từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, khi đó, Mỹ chưa nêu thời điểm cụ thể sẽ thực hiện quyết định này. Khi đó, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh từ mọi quốc gia trên thế giới phải có chứng nhận tiêm phòng vaccine đầy đủ. Những người không phải là công dân Mỹ khi nhập cảnh bằng đường hàng không sẽ phải có xác nhận tiêm phòng trước khi lên máy bay và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Những du khách nước ngoài khi nhập cảnh bằng đường bộ không cần có kết quả xét nghiệm âm tính.
Hải quân Mỹ thông báo nhân viên và quân nhân trong lực lượng này buộc phải tiêm đủ liều vaccine trước thời hạn ngày 28/11 tới, những trường hợp từ chối tiêm buộc phải ra khỏi lực lượng. Theo Hải quân Mỹ, hiện 98% trong tổng số 350.000 nhân viên trong lực lượng này đã tiêm một mũi vaccine hoặc tiêm phòng đầy đủ. Trong khi đó, số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy 96,7% trong gần 1,4 triệu quân nhân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi và 83,7% đã tiêm đủ liều. Phó Đô đốc Hải quân John Nowell cho biết dịch COVID-19 đã khiến 164 nhân viên trong lực lượng này tử vong, đáng chú ý là 144 người trong số này chưa tiêm vaccine.
Cũng trong ngày 15/10, Pháp đã dừng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nước này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm phòng. Hiện nay, tại Pháp, để có thể vào các nhà hàng, quán cafe, địa điểm thi dấu thể thao và các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, người dân phải có chứng nhận âm tính với COVID-19, chứng nhận mới hồi phục sau khi mắc bệnh hoặc chứng nhận đã được tiêm phòng đầy đủ. Khi việc tiêm phòng đã trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn cho tất cả mọi người, Chính phủ Pháp cho rằng không nên coi xét nghiệm là một biện pháp thay thế cho tiêm phòng.
Như vậy, gần 7 triệu người dân Pháp hiện chưa tiêm phòng hoặc mới tiêm được một mũi sẽ phải trả từ 22-44 euro (25-50 USD) cho một lần xét nghiệm. Việc xét nghiệm miễn phí sẽ chỉ được áp dụng với những người không thể tiêm phòng vì các lý do y tế được xác nhận, những người mới tiếp xúc với người bệnh, những người mới có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc những người được yêu cầu đi xét nghiệm vì lý do y tế. Bên cạnh mục đích khuyến khích người dân đi tiêm, biện pháp trên sẽ giúp chính phủ tiết kiệm được chi phí cho việc xét nghiệm COVID-19, dự kiến sẽ lên mức 6,2 tỷ euro (7,2 triệu USD) trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 2,2 tỷ USD vào năm 2020.
Hiện Pháp ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới/ngày, với nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại nước này đang dần qua đi. Cũng từ ngày 15/10, các nhân viên làm việc tại bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão cũng như các lính cứu hỏa và lái xe cứu thương tại nước này sẽ phải cung cấp xác nhận tiêm phòng đầy đủ nếu muốn tiếp tục hợp đồng làm việc và nhận lương.
Từ ngày 15/10, tất cả người lao động ở Italy sẽ bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, còn gọi là thẻ xanh, khi đến nơi làm việc. Quy định thẻ xanh được Chính phủ Italy thông qua hồi tháng trước, theo đó tất cả người lao động phải có chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy tờ xác nhận đã tiêm phòng COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc được điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, mới được đến nơi làm việc. Những lao động không có thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc mà không được trả lương, hoặc đối mặt với mức phạt 1.500 euro (khoảng 1.700 USD) nếu phớt lờ quy định. Chính phủ Italy hy vọng quy định bắt buộc có thẻ xanh COVID-19 sẽ giúp thay đổi quan điểm của những người chưa tiêm chủng. Hiện Italy có hơn 80% dân số trên 12 tuổi đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 15% số lao động trong lĩnh vực tư nhân và 8% trong lĩnh vực công ở nước này chưa có thẻ xanh.
Bộ Y tế Nam Phi cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên vào tuần sau, đồng thời tiêm mũi bổ sung cho những người gặp vấn đề về hệ miễn dịch. Theo bộ này, bắt đầu từ ngày 20/10, trẻ em sẽ có thể được tiêm một mũi vaccine duy nhất của hãng Pfizer. Mũi thứ hai sẽ được hoãn lại để chờ các nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng phụ hiếm gặp.
Theo luật pháp Nam Phi, trẻ từ 12 tuổi trở lên sẽ phải có sự đồng ý của cha mẹ khi dùng thuốc điều trị bệnh. Như vậy, việc tiêm vaccine cho trẻ cũng cần sự chấp thuận của phụ huynh. Hiện Nam Phi đã triển khai hệ thống chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số. Chứng nhận đã tiêm phòng này là quy định bắt buộc khi tham gia các sự kiện đông người như sự kiện thể thao. Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết những người có vấn đề về hệ miễn dịch có thể được tiêm mũi tăng cường, nhưng phải có khuyến nghị của bác sĩ riêng.
TTXVN
loading...