loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong vòng 24h, hơn 7.000 người trên thế giới đã thiệt mạng vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 22 giờ ngày 7/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã lên tới gần 1,4 triệu người và số ca tử vong được ghi nhận là 76.458 người. Trong đó, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là gần 294.000 người và vẫn còn tới 47.618 ca nguy kịch.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.421.669 trường hợp, trong đó số ca tử vong đã lên tới 81.696 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 7.042 người nữa thiệt mạng và 75.665 người mắc bệnh COVID-19.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các nước cũng ghi nhận 300.740 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 47.834 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới với 393.798 ca nhiễm virus, với 26.794 trường hợp mới trong ngày 7/4. Tới nay, nước này đã ghi nhận 12.697 ca tử vong, trong đó riêng 24h qua 1.826 người thiệt mạng, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
New York tiếp tục là tâm dịch tại Mỹ và ghi kỷ lục đau buồn về số người chết trong 1 ngày. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, tại cuộc họp báo tối 7/4 (theo giờ Việt Nam) cho biết sau 2 ngày số ca tử vong không tăng, bang này đã phải chứng kiến ngày có số ca tử vong vì COVID-19 nghiêm trọng nhất với 731 ca mới.
Đây là mức tăng đáng kể so với con số 599 ca tử vong trong một ngày trước đó. Tính tổng cộng, bang New York đã có tới 5.489 ca tử vong. Ngược lại, cũng có tín hiệu tích cực ở bang này khi số ca mới phải nhập viện trong ngày đều giảm trong 3 ngày qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính phủ nước này đã đạt thỏa thuận với công ty 3M có trụ sở tại bang Minnesota để cung cấp hàng trăm triệu khẩu trang. Theo đó, mỗi tháng 3M sẽ cung cấp thêm 55,5 triệu khẩu trang chất lượng cao. Như vậy trong những tháng tới Mỹ sẽ có 166,5 triệu khẩu trang cung cấp cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Pháp trong ngày 7/4 cũng có số người tử vong cao chưa từng thấy: 1.417 trường hợp. Tính tới sáng 8/4, Pháp đã ghi nhận 10.328 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2. Như vậy, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số ca tử vong có độ tuổi trên 70.
Đến nay, Pháp đã ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 lên tới 109.069 trường hợp. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm tại các bệnh viện là 78.167 người (tăng 3.777 ca trong 24 giờ), tại các cơ sở y tế-xã hội là 30.902 người. Trong số hơn 30.000 bệnh nhân COVID-19 ở Pháp phải nhập viện (tăng 305 ca trong 24 giờ) có 7.131 trường hợp cần được chăm sóc đặc biệt, 61% trong số đó từ 60-80 tuổi và 104 người dưới 30 tuổi. Đến nay đã có 19.337 người bình phục và ra viện. Giới chức y tế Pháp khẳng định hiện chưa phải lúc tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại, vì nước này vẫn trong giai đoạn tăng cao của dịch bệnh.
Tại Anh, nước này đã chứng kiến 786 người tử vong vì bệnh COVID-19 trong vòng 24h qua. Đây cũng là số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại Anh kể từ đầu dịch tới nay. Theo cập nhật của Bộ Y tế Anh, tính đến rạng sáng 8/4, tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này đã tăng lên 6.159 ca; có 213.181 người tại Anh được xét nghiệm trong đó có tổng cộng 55.242 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Giới chức Chính phủ Anh thông báo Thủ tướng nước này Boris Johnson đã phải thở hỗ trợ ôxy, sau khi ông nhập viện vì mắc COVID-19 đầu tuần này. Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove cho biết Thủ tướng Johnson chưa cần phải sử dụng máy thở và đang được các chuyên gia y tế theo dõi sát sao.
Ở “tâm dịch” châu Âu Italy tình hình đang có diễn biến tốt dần lên. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong ngày 7/4, nước này ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên thành 135.586 trường hợp. Đây là số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày thấp nhất tại Italy kể từ hôm 19/3.
Trong vòng 24 giờ qua, đất nước "hình chiếc ủng" cũng ghi nhận thêm 604 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này lên 17.127 trường hợp, tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca tử vong. Trong khi số ca hồi phục là 24.392 ca (tăng 1.555 ca).
Tới sáng 8/4, Nga thông báo nước này ghi nhận thêm 1.154 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân lên 7.497 người. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận số ca nhiễm mới vượt con số 1.000 ca trong 24 giờ. Tổng số bệnh nhân tử vong đã tăng lên 58 ca với 11 ca tử vong mới được ghi nhận.
Thủ đô Moskva vẫn là "điểm nóng" nhất của dịch COVID-19 tại Nga với tổng số ca nhiễm là 5.181 người, tiếp đến là thành phố St.Petersburg với 69 ca.
Ở Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này công bố báo cáo mới nhất ngày 7/4 cho biết trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận 571 ca tử vong và 3.943 ca nhiễm mới. Theo đó, tổng số ca tử vong và nhiễm mới ở quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này hiện lần lượt là 13.912 ca và 140.818 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Tây Ban Nha đứng thứ 2 thế giới, sau Italy và trước Mỹ.
Cùng ngày, Trung tâm Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Bỉ thông báo nước này ghi nhận thêm 1.380 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số mắc COVID-19 tại nước này lên 22.194 ca. Cũng theo trung tâm trên, trong 24h qua tại Bỉ có thêm 403 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số tử vong tại nước này lên 2.035. Tuy nhiên, hiện đã có 4.157 người khỏi bệnh.
Mặc dù số ca tử vong thấp (1.810 ca) nhưng số ca nhiễm tại Đức đang tăng nhanh và hiện lên tới 104.199 ca.
Chính phủ Latvia ngày 7/4 thông báo sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 12/5 nhằm hạn chế sự lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường tại nước này.
Cùng ngày, Quốc hội CH Séc cũng thông qua việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 30/4, giai đoạn ngắn hơn đề xuất của chính phủ nhằm áp đặt "khung pháp lý đặc biệt" để giải quyết tình hình dịch bệnh trong nước. Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Andrej Babis đã đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một tháng đến 11/5.
Trong khi đó, Na Uy lại thông báo nới lỏng một số quy định đang được áp đặt để chống dịch bệnh lây lan tại nước này. Bộ trưởng Y tế Na Uy cho biết dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh hiện ở mức thấp.
Tại châu Á, ngày 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh của nước này để ứng phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thủ tướng Abe tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 8/4 và kéo dài tới ngày 6/5. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp để đối phó với đại dịch.
Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực trong khoảng 1 tháng đối với Tokyo, Kanagawa, Saitama, Osaka, Chiba, Hyogo và Fukuoka. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay nước này cũng sẽ tăng gấp đôi số ca tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày, lên 20.000 trường hợp. Thủ tướng Abe cũng công bố gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD) nhằm ứng phó với những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế thứ 3 thế giới.
Tính tới chiều 7/4 (theo giờ Việt Nam) số liệu trang web worldometers.info cho thấy Nhật Bản đã có tổng cộng 3.906 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 92 trường hợp tử vong.
Tại Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch toàn cầu COVID-19 hồi tháng12/2019, kể từ 0h đêm 8/4 theo giờ địa phương, thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch của Trung Quốc, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro.
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan ngày 7/4 đã yêu cầu không ngừng nỗ lực đối phó với dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại tại Vũ Hán. Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cũng đã đi thị sát các ga tàu, trạm xe buýt, trung tâm mua sắm, siêu thị và các nhà hàng tại thành phố này, một ngày trước khi dỡ bỏ lệnh cấm đi lại được áp đặt từ hôm 23/1.
Trong vòng 24h qua, Trung Quốc đã lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một tín hiệu tích cực trong thời điểm nước này đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát do các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
Một trong những điểm tích cực trên toàn cầu là Hàn Quốc, từng là "ổ dịch" nghiêm trọng ngay sau Trung Quốc, ngày 7/4 thông báo số ca nhiễm mới ở mức dưới 50 người ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt 65%. Tới nay, Hàn Quốc có tổng cộng 10.331 người mắc COVID-19, song chỉ có 192 ca tử vong.
Ở Đông Nam Á, tới hết ngày 7/4, khu vực này ghi nhận tổng cộng 14.746 ca mắc COVID-19, trong đó có 672 ca mới. Indonesia trong ngày đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tới nay.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 496 người ở khu vực này, tăng 28 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số người nhiễm bệnh được điều trị thành công tăng mạnh, với 3.954 trường hợp khỏi bệnh.
Indonesia trong 24h qua có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất khu vực và số người tử vong đứng thứ 2 trong số các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, ngày 7/4, Indonesia ghi nhận thêm 247 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 2.738 ca.
Trong khi đó, Philippines ngày 7/4 ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tới thời điểm hết ngày, Philippines đã có thêm 14 người thiệt mạng, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 177 ca. Hiện tổng số người mắc nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Philippines là 3.764, tăng 104 ca so với một ngày trước.
Tính đến hết ngày 7/4, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng tại các nước thuộc khu vực Trung Đông. Israel ngày 7/4 thông báo đã ghi nhận tổng cộng 9,248 ca mắc, trong đó 65 người đã tử vong. Việc thiếu trang thiết bị y tế tại phòng xét nghiệm đang buộc Israel phải giảm quy mô xét nghiệm, dù thông báo đang lên kế hoạch sản xuất trong nước.
Bộ Y tế Oman trong thông báo ngày 7/4 cũng cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 371 người. Toàn bộ số ca nhiễm mới đều là công dân Oman. Đến nay Oman đã có 2 ca tử vong do COVID-19.
Jordan cùng ngày cho hay đã có 4 ca mắc mới được phát hiện tại thủ đô Ammam, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 353 người. Bộ trưởng Các vấn đề truyền thông của Jordan, Amjad Adaileh, khẳng định hiện chính phủ chưa có quyết định về việc lệnh giới nghiêm sẽ được thực hiện khi nào và bao lâu. Ông cũng cho hay chính phủ Jordan đang tìm cách nối lại một số hoạt động kinh doanh trong một vài lĩnh vực.
Trong khi đó, Qatar thông báo đã ghi nhận 225 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2,057, đồng thời cho biết có thêm 19 trường hợp khỏi bệnh. Thông báo của Bộ Y tế Qatar cho hay đã xét nghiệm 3,710 người trong ngày 7/4, nâng tổng số người đã được xét nghiệm đến nay lên 41,818.
Iran vẫn là nước ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với tổng cộng 62.589 người mắc bệnh và 3.872 trường hợp tử vong.
Tại Cuba, Bộ Y tế Cuba ngày 7/4 cho biết trong thời gian tới sẽ bắt đầu sử dụng một loại thuốc vi lượng đồng căn mang tên PrevengHo-Vir cho những người khỏe mạnh như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corora (SARS-Cov-2) gây ra.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Giám đốc Dịch tễ học quốc gia thuộc Minsap, Tiến sĩ Francisco Duran cho biết loại thuốc dự phòng có tên PrevengHo-Vir là thuốc được uống dưới dạng nhỏ giọt dưới lưỡi. Thuốc này sẽ được đưa vào sử dụng một cách có tổ chức trong dân chúng, bao gồm cả những người không có triệu chứng mắc COVID-19 như một liệu pháp phòng ngừa dịch bệnh này.
Trong khi đó, ngày 7/4, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước này cần tiếp tục làm việc với phía Mỹ để thuyết phục Washington đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế được tự do lưu thông qua biên giới hai nước, mặc dù giới chức Mỹ đã cho phép xuất khẩu 500.000 khẩu trang sang nước láng giềng này.
Số ca mắc COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi trong 7 ngày qua. Theo số liệu cập nhật trên trang worldometer.info, tính đến rạng sáng 8/4 (theo giờ Hà Nội), Canada đã ghi nhận 17.840 ca mắc COVID-19, trong đó có 375 người tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều nước tiếp tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang. Tập đoàn sản xuất linh kiện máy bay Aero Engine của Trung Quốc (AECC) ngày 7/4 thông báo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật liệu Hàng không của AECC đã phát triển thành công một loại khẩu trang mới có màng lọc chính được làm từ graphene.
Giới khoa học và y tế thế giới vẫn tiếp tục gấp rút trong cuộc đua tìm thuốc điều trị cũng như vaccine. Bộ phận báo chí của Cơ quan Y - Sinh Liên bang Nga (FMBA) thông báo nước này đã bắt đầu quy trình thử nghiệm lâm sàng so sánh các loại thuốc Mefloquine, Hydroxychloroquine và Kalidavir dùng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Ngoài tình trạng thiếu vật tư và trang thiết bị y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá. Trong báo cáo công bố ngày 7/4, WHO cùng các đối tác là tổ chức Nursing Now và Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) cho biết hiện trên thế giới có khoảng 28 triệu y tá, sau khi bổ sung 4,7 triệu y tá trong 5 năm tính đến năm 2018.
Liên quan đến tác động kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi giãn nợ cho các nước nghèo. Ngày 7/4, gần 140 nhóm hành động và các tổ chức từ thiện đã cùng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các chính phủ thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng các chủ nợ tư nhân cho các nước nghèo nhất thế giới hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất 15 tỷ euro (16,4 tỷ USD) để giúp các nước nghèo trên thế giới chống đại dịch COVID-19 đang tác động tới mọi mặt của cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ua-du-la phon đơ Lây-en) cho biết số tiền trên sẽ giúp các nước có hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn phần nào khắc phục những tác động do dịch bệnh COVID-19 gây ra cũng như phục hồi kinh tế lâu dài.
Theo Báo Tin tức
loading...