loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại châu Âu, Nga thông báo ghi nhận thêm 18.665 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này.
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát trở lại ở châu Âu. Đến một ngôi sao giàu cơ bắp như Cristiano Ronaldo cũng dương tính với SARS CoV-2, trong khi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino là vị quan chức cấp cao mới nhất trở thành nạn nhân của virus quái quỷ này.
Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 1.636.781 ca mắc COVID-19, trong đó có 28.235 ca tử vong và 1.225.673 ca hồi phục. Nga, cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng kể từ đầu mùa Thu tới nay.
Đức phong toả đợt 2 từ ngày hôm nay, 2/11
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) cho biết, đợt phong tỏa lần thứ 2 để ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sẽ khiến nền kinh tế này thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý.
Theo tính toán của DIW, ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro, các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm 2,1 tỷ euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng 5,2 tỷ euro. Ngoài ra, phần thiệt hại còn lại sẽ thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các công ty hậu cầu và các nhà khai thác rạp chiếu phim.
Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 thời gian gần đây, Chính phủ Đức đã quyết định phong tỏa có giới hạn lần thứ hai bắt đầu từ ngày 2/11. Chính phủ Đức cũng dự kiến chi 10 tỷ euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đợt phong tỏa lần này.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch, ngày 1/11 cơ quan y tế Đức ghi nhận thêm 14.177 ca mắc COVID-19 mới nâng tổng số người bị nhiễm bệnh từ đầu dịch 532.930 ca, 10.481 ca tử vong và khoảng 355.900 người được chữa khỏi.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố lệnh phong tỏa mới kể từ ngày 4/11 đối với phần lớn đất nước, yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ trường hợp ra ngoài vì lý do công việc, đi học hoặc mua sắm, đồng thời đề nghị các công ty chuyển sang chế độ làm việc từ xa. Các biện pháp hạn chế mới sẽ áp dụng với 121 thành phố, chiếm khoảng 70% trong 10 triệu dân Bồ Đào Nha, trong đó có các khu vực Lisbon và Porto. Biện pháp mới được công bố một ngày sau khi quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện Bồ Đào Nha ghi nhận tổng cộng hơn 141.000 ca mắc bệnh và 2.507 ca tử vong.
Chính phủ Anh thông báo sẽ không loại trừ khả năng gia hạn biện pháp phong tỏa 4 tuần sắp áp dụng với vùng England nếu tỷ lệ lây nhiễm không giảm. Trước đó, ngày 31/10, chính phủ ban bố lệnh phong tỏa xứ England trong 4 tuần sau khi xuất hiện nhiều cảnh báo rằng các bệnh viện sẽ quá tải trong vài tuần tới.
Lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 5/11 tới hết 2/12. Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Anh Michael Gove cho biết chính phủ sẽ duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nếu tỷ lệ lây nhiễm (số người bị lây nhiễm virus từ một người mắc bệnh- R) vẫn ở trên mức 1. Theo lệnh phong tỏa mới áp dụng với xứ England, mọi người được yêu cầu ở nhà và chỉ ra ngoài để đi làm, đi học hoặc đi thể dục. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh tổng số ca mắc bệnh tại Anh đã vượt ngưỡng 1 triệu ca sau khi quốc gia này ghi nhận thêm gần 22.000 ca mắc mới trong ngày 31/10.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhận định tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này diễn ra "kinh khủng" đồng thời cảnh báo chỉ có 48 giờ đồng hồ để chính phủ thông qua những hạn chế mới ngăn chặn dịch bệnh lây lan đáng ngại hơn. Trong ngày 31/10, Italy ghi nhận gần 32.000 ca mới mắc COVID-19, con số trong ngày cao kỷ lục kể từ đầu dịch trong khi số ca tử vong mới là gần 300 ca. Tổng số ca tử vong tại Italy vì COVID-19 hiện là 38.618 ca. Trước diễn biến này, Bộ trưởng Speranza nhấn mạnh cần nhanh chóng thông qua những hạn chế mới khi đường cong dịch bệnh vẫn rất cao. Theo ông, một lệnh phong tỏa mới, dù không mở rộng như lệnh phong tỏa áp đặt hồi tháng 3, dường như là lựa chọn duy nhất để kiềm chế số ca nhiễm mới.
Thuỵ Sĩ: Geneva thực hiện bán phong toả
Ngày 1/11, chính quyền bang Geneva đã quyết định sẽ thực hiện biện pháp bán phong tỏa từ 19 giờ ngày 2/11 đến ngày 29/11 trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn.
Các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục, các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện và các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Tuy nhiên, trường học, các điểm bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, siêu thị, các hiệu thuốc, cửa hàng dịch vụ và sửa chữa thiết yếu (chi nhánh ngân hàng, bưu điện, điểm bán hàng của các nhà khai thác viễn thông và giao thông công cộng, hiệu sách, người bán hoa, cửa hàng kim khí, đóng giày, tiệm giặt là, xưởng may, thợ khóa, gara ô tô, cửa hàng bán xe đạp có sửa chữa) vẫn mở cửa và có phương án bảo vệ.
Tình hình dịch bệnh tại Thụy Sĩ diễn biến phức tạp với số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày trên khắp đất nước lên tới hơn 9.000 ca vào cuối tháng 10, khiến chính phủ phải áp đặt các hạn chế trên toàn quốc nhằm kiểm soát sự gia tăng. Các hạn chế mới, bao gồm đeo khẩu trang trong tất cả các không gian kín công cộng, có hiệu lực trên khắp Thụy Sĩ vào ngày 29/10. Các biện pháp khác có thể khác nhau giữa các bang vì 26 bang ở Thụy Sĩ có quyền tự chủ về các vấn đề y tế.
Theo Báo Tin tức
loading...