A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19 ngày 9/2: Thế giới có 107.100.112 ca bệnh và 2.338.897 ca tử vong

22:44 09/02/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến gần 22h00 ngày 9/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 107.100.112 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.338.897 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 78.980.478 người và vẫn còn 103.035 ca bệnh nặng và nguy kịch.        

Dịch Covid-19 đến sáng 9/2: Thế giới có hơn 106,98 triệu ca bệnh và 2,33 triệu ca tử vong

Dịch Covid-19 đến sáng 9/2: Thế giới có hơn 106,98 triệu ca bệnh và 2,33 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 9/2 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 106,98 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi có thêm 308.600 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Cho đến nay, Mỹ có tổng cộng 476.416 ca tử vong trong tổng số 27.701.918 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.195 ca tử vong trong số 10.847.790 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 238.248 ca tử vong trong số 9.550.301 bệnh nhân.          

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 185 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 175 người và Anh 166 người/100.000 dân.         

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 34,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 777.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 621.000 ca tử vong trong hơn 19,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 485.900 ca tử vong trong hơn 27,9 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 245.100 ca tử vong trong hơn 15,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 99.600 ca tử vong, châu Phi có hơn 95.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.    

Trong ngày 9/2, phái đoàn gồm các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 cho biết không có dấu hiệu cho thấy virus này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trước tháng 12/2019, khi ca nhiễm đầu tiên trên thế giới được chính thức ghi nhận. Theo ông Lương Mặc Niên (Liang Wannian), người đứng đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc, việc truyền virus từ động vật có thể xảy ra nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được vật chủ mang mầm bệnh. Ông nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện tại các khu vực khác trước khi được phát hiện tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 5/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Myanmar đã cho phép mở cửa trở lại chùa chiền cho công chúng, nhưng hạn chế số người thăm viếng. Theo thông báo của Bộ Các vấn đề tôn giáo và văn hóa, quyết định trên được đưa ra sau khi nước này phần nào đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 nhờ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và điều trị hiệu quả. Thông báo cũng nêu rõ những người đi lễ chùa phải tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch do Bộ Y tế và Thể thao ban hành.   

Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn ở 3 tỉnh, gồm Aichi và Gifu ở miền Trung, và Fukuoka ở miền Tây Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước này đang có dấu hiệu lắng dịu. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận từ ngày 8/1 đến 7/2. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra 7 tỉnh khác vào ngày 13/1. Hôm 2/2, Thủ tướng Yoshihide Suga đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Tochigi, nhưng lại gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác tới ngày 7/3.   

Theo Bộ trưởng giám sát chương trình tiêm chủng vaccine của Nhật Bản Taro Kono, Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép vận chuyển lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của công ty dược phẩm Pfizer Inc tới nước này. Tuy nhiên, ông không tiết lộ cụ thể số liều vaccine của lô đầu tiên được chuyển tới Nhật Bản. Ông Kono cũng cho biết sẽ sớm bắt đầu tiêm chủng cho nhóm đầu tiên gồm các nhân viên y tế, tiếp đó là người cao tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe và nhân viên các cơ sở điều dưỡng. Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 314 triệu liều vaccine của các hãng AstraZeneca, Moderna và Pfizer, đủ tiêm chủng cho 126 triệu dân. Tuy nhiên, so với nhiều nền kinh tế lớn khác, Nhật Bản được cho là chậm trễ hơn trong công tác tiêm chủng. Nguyên nhân một phần là do Nhật Bản phụ thuộc vào các hãng sản xuất vaccine nước ngoài, trong khi nước này yêu cầu thử nghiệm ngay tại Nhật Bản đối với tất cả các vaccine tiềm năng.   

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Canada, chính quyền tỉnh Ontario thông báo nới lỏng dần các hạn chế hoạt động tại nhiều khu vực thuộc tỉnh đông dân nhất nước này. Quyết định trên được đưa ra sau khi số ca mắc mới và số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tại bệnh viện giảm. Tuy nhiên, thành phố Toronto và một số “điểm nóng” khác về dịch bệnh của tỉnh Ontario sẽ duy trì biện pháp trên ít nhất thêm 2 tuần nữa, đến ngày 22/2 tới. Tương tự, tại tỉnh Quebec, các doanh nghiệp không thiết yếu và bảo tàng được phép mở cửa trở lại từ ngày 8/2, song lệnh giới nghiêm vào ban đêm duy trì hiệu lực thêm 2 tuần. Các rạp chiếu phim, quán bar và nhà hàng cũng tiếp tục đóng cửa. Tại tỉnh Alberta, các phòng tập thể dục và nhà hàng cũng được phép nối lại hoạt động. Trong khi đó tại tỉnh Nova Scotia, nhà chức trách đã cho phép các cuộc tụ tập tối đa lên 100 người ở trong nhà và 150 người ở các sự kiện ngoài trời.   

Tại Nga, theo các số liệu Cơ quan thống kê Rosstat công bố ngày 8/2, tỷ lệ tử vong tại nước này trong năm 2020 đã tăng 17,9% so với năm 2019 do dịch COVID-19. Thống kê cho thấy khi dịch COVID-19 hoành hành tại Nga từ tháng 4 đến tháng 12/2020, nước này đã ghi nhận 162.429 ca tử vong liên quan đến dịch bệnh. Chỉ riêng tháng 12 đã ghi nhận tới 44.435 ca tử vong do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở California, Mỹ, ngày 11/1/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đây cũng là tháng có số ca tử vong cao nhất do dịch bệnh. Trong số này có 31.550 ca tử vong chủ yếu do dịch bệnh và 12.885 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng COVID-19 không được xem là nguyên nhân chính gây tử vong. Dịch bệnh đã khiến cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Nga trở nên trầm trọng. Năm ngoái, dân số Nga đã giảm hơn 510.000 người, mức giảm lớn nhất kể từ giữa những năm 2000.     

Chính phủ Hà Lan đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm, vốn được ban bố vào tháng trước, nhằm phòng tránh dịch COVID-19. Cụ thể, lệnh giới nghiêm kéo dài từ 21h00 tối hôm trước đến 4h30' sáng hôm sau, lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, sẽ được gia hạn đến ngày 2/3 tới. Lệnh này dự kiến hết hiệu lực vào ngày 11/2.   

Chính phủ Tây Ban Nha cũng thông báo sẽ kéo dài lệnh kiểm soát đường biên giới đường bộ dài 1.200 km với Bồ Đào Nha cho đến ngày 1/3. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang nỗ lực kiềm chế làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19.     

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: PAP/ TTXVN

Ngày 28/1 vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhất trí đóng cửa biên giới đối với những hoạt động đi lại không thiết yếu, trừ nhân viên y tế và lái xe tải. Số ca nhiễm COVID-19 ở Bồ Đào Nha đã gia tăng kể từ sau Giáng sinh, khiến các bệnh viện ở nước này bên bờ vực sụp đổ, khiến nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Số ca nhiễm và tử vong trong ngày ở Bồ Đào Nha đã giảm mạnh kể từ tuần trước, nhưng số bệnh nhân phải nhập viện và phải điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu vẫn còn cao. Tại Tây Ban Nha, làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 đang giảm dần, song giới chức nước này cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới có thể khiến số ca nhiễm mới gia tăng trở lại.   

Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9/2 cho biết hơn 97% số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này trong một tháng vừa qua là những người chưa được tiêm phòng.    

Theo Bộ Y tế Israel, 38% trong số 9 triệu dân của Israel đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu của chính phủ nước này nhằm tiêm phòng cho 50% dân số và tái mở cửa nền kinh tế vào tháng 3 tới đang gặp thách thức khi tỷ lệ tiêm phòng hằng ngày đang giảm.   

Chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 đã bắt đầu tại Israel từ ngày 19/12/2020 với trọng tâm là những người trên 60 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao khác. Sau đó, độ tuổi được tiêm phòng đã được hạ xuống 16 tuổi, song giới trẻ không nhận thấy cần tiêm khẩn cấp. Nhà chức trách Israel cho rằng một số người đang do dự vì những tin đồn về hiệu quả của các vaccine.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo, ngày 8/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Iran đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19, sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Các liều đầu tiên đã được tiêm cho các y bác sĩ tại bệnh viện Imam Khomeini ở thủ đô Tehrran.    

Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố: "Chúng ta bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà bằng việc tưởng nhớ sự hy sinh của nhiều nhân viên y tế trong đợt dịch này". Theo người phát ngôn Bộ Y tế Kianoush Jahanpour, Iran đã mua 2 triệu liều vaccine Sputnik V. Lô hàng đầu tiên đã đến Iran từ ngày 4/2, hai đợt sau dự kiến được chuyển tới vào ngày 18 và 28/2.   

Cũng trong ngày 9/2, người đứng đầu Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) thuộc WHO - ông Richard Hatchett khẳng định vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford đồng phát triển vẫn là công cụ sống còn trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Nam Phi quyết định tạm dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng do lo ngại về hiệu quả của vaccine này đối với biến thể của SARS-CoV-2 hiện chiếm tới 80% ca lây nhiễm mới tại nước này. Trong khi đó, đại diện của AstraZeneca khẳng định vaccine của hãng đảm bảo an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa dịch COVID-19, đồng thời cho biết đang điều chỉnh vaccine này để có thể đối phó với biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi.     

Vaccine của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vaccine COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vaccine công bằng khắp thế giới. Hiện WHO và Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vaccine tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ cơ chế COVAX.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...