loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 10/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 90.188.197 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.936.828 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 64.586.084 người.
Sáng 10/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã vượt 22 triệu trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng hơn 370.000 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 381.497 ca tử vong trong tổng số 22.702.350 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca mắc, với 10.452.919 ca, trong khi số ca tử vong là 151.070 ca - đứng thứ ba thế giới. Với 202.657 ca tử vong trong số 8.075.998 bệnh nhân, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc song đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong.
Xét theo khu vực, châu Âu vẫn đang là tâm dịch của thế giới khi số ca tử vong do COVID-19 đã lên tới hơn 587.500 ca - cao nhất thế giới - trong tổng số hơn 25,8 triệu ca mắc. Trong khi đó, Bắc Mỹ là khu vực có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 25,9 triệu ca, trong đó có hơn 381.000 ca tử vong - đứng thứ hai thế giới. Đứng thứ ba về số ca mắc là châu Á với hơn 21,4 triệu ca, trong đó có hơn 347.900 ca tử vong.
Bất chấp chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đang được đẩy mạnh, tình hình dịch bệnh dường như chưa có dấu hiệu cải thiện khi các nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng mạnh. Ngày 10/1, viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức thông báo kể từ khi dịch bùng phát tới nay, nước này đã ghi nhận hơn 40.000 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 465 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 40.343 người. Cho tới nay đã có tổng cộng hơn 1,9 triệu ca mắc được ghi nhận tại Đức, với gần 17.000 ca mắc mới từ ngày 9/1. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo những tuần tới sẽ là "giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch", khi nhiều bác sĩ và nhân viên y tế đều trong tình trạng làm việc quá tải. Bà cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc.
Trong khi đó, Viện Y tế quốc gia Bỉ thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng đã vượt 20.000 ca trong ngày 10/1, với hơn một nửa số ca tập trung tại các cơ sở dưỡng lão. Tới nay, quốc gia với 11,5 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 662.694 ca mắc và 20.038 ca tử vong.
Nga cùng ngày cũng thông báo có thêm 22.851 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4.216 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.401.954 ca, cao thứ tư thế giới. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 456 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa số trường hợp không qua khỏi lên 61.837 trường hợp.
Nhằm làm chậm đà lây lan của làn sóng COVID-19 thứ hai, Thụy Điển đã ban hành Luật chống dịch COVID-19, chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1. Luật này cho phép Chính phủ Thụy Điển đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng trong thời gian cách ly. Cùng với đó, chính phủ cũng có thể đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở một số nơi công cộng. Luật cũng cho phép phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tính tới nay, Thụy Điển ghi nhận 489.471 ca mắc, trong đó có 9.433 ca tử vong.
Tại Mỹ Latinh, Mexico ghi nhận 16.105 ca mắc mới và 1.135 ca tử vong trong ngày 9/1, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay tại Mexico và đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca tử vong tại nước này vượt mức 1.000 ca. Hiện Mexico có tổng cộng hơn 1,524 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 133.204 ca tử vong. Trong khi đó, Bộ Y tế Chile cũng thông báo thêm 4.361 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái, thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở nước này. Tính đến sáng 10/1, Chile ghi nhận tổng cộng 637.742 ca mắc, trong đó có 17.037 ca tử vong.
Tại châu Á, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực Đông Nam Á khi Indonesia ngày 10/1 thông báo nước này có thêm 9.640 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 828.026 ca; số ca tử vong cũng tăng thêm 182 ca lên 24.129 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có 1.906 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 487.690 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 8 ca lên 9.405 ca. Số bệnh nhân đã bình phục hiện là 458.198 người, tăng thêm 8.592 người.
Thái Lan đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất với hơn 200 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 245 ca mắc mới được ghi nhận vào ngày 10/1 có 224 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi 21 ca khác liên quan người trở về từ nước ngoài. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 10.298 ca mắc, với 8.157 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 2.141 ca nhập cảnh; số ca tử vong vẫn là 67 ca.
Trung Quốc đại lục thông báo thêm 69 ca mắc mới COVID-19, cao hơn gấp đôi con số 33 ca ghi nhận một ngày trước đó. Hiện Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 87.433 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong. Nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo nước này tiếp tục đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ quốc gia châu Âu này.
Nhật Bản cùng ngày thông báo đã ghi nhận thêm 7.790 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 283.385. Trong số đó có 827 ca nghiêm trọng và có thêm 59 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Nhật Bản lên 4.035 ca. Đáng chú ý, Nhật Bản có thêm 1.000 ca tử vọng chỉ trong 18 ngày từ khi "làn sóng thứ ba" bùng phát, cao gấp nhiều lần so với giai đoạn đầu là 158 ngày. Trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm trong cả nước diễn biến phức tạp, lãnh đạo các địa phương như Osaka, Hyogo, Kyoto cùng kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp tại đây.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cùng ngày cho biết nước này đã thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 200.000 người/ngày và đang hướng tới mục tiêu chủng ngừa 2 triệu người/tuần. Ông cũng cho biết trong tuần này, Anh sẽ mở cửa các trung tâm tiêm chủng hàng loạt.
Trong khi đó, Canada đã triển khai tiêm chủng thí điểm vaccine của Moderna tại các nhà tù liên bang, theo đó 40 tù nhân đầu tiên đã được chủng ngừa. Theo Cơ quan Cải huấn Canada (CSC), trong đợt tiêm chủng đầu tiên, các nhà tù được chọn là nơi giam giữ các tù nhân thuộc diện ưu tiên sẽ được nhận vaccine - cụ thể là người già và người dễ bị tổn thương về sức khỏe. Ngoài những nhà tù này, vaccine phòng COVID-19 sẽ sớm được phân phối đến các nhà tù khác.
Tại Ấn Độ, nước này sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào ngày 16/1, sau các lễ hội như Lohri, Makar Sankranti, Pongal, Magh Bihu, trong đó dành ưu tiên cho khoảng 30 triệu nhân viên y tế và các nhân viên tuyến đầu. Chương trình chủng ngừa COVID-19 của Ấn Độ sẽ ưu tiên các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, ước tính khoảng 30 triệu người, tiếp theo là những người trên 50 tuổi và các nhóm dân số dưới 50 tuổi có bệnh lý nền, khoảng 270 triệu người.
TTXVN
loading...