A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19 đến sáng ngày 5/3: Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất

10:57 05/03/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 5/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 116.203.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.580.636 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 91.877.152 người.      

Nghiên cứu chứng minh vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiệu quả với người trên 80 tuổi

Nghiên cứu chứng minh vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiệu quả với người trên 80 tuổi

Theo một nghiên cứu sơ bộ công bố ngày 3/3, vaccine phòng ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển có hiệu quả ngăn chặn tình trạng bệnh nặng ở người cao tuổi lên tới hơn 80% sau 1 mũi tiêm.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 533.488 ca tử vong trong tổng số 29.522.106 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 157.584 ca tử vong trong số 11.173.572 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 261.188 ca tử vong trong số 10.796.506 bệnh nhân.       

Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 197 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 191 người và Slovenia 186 người/100.000 dân.     

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 38 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 863.700 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 687.100 ca tử vong trong hơn 21,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 541.100 ca tử vong trong hơn 29,6 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 258.000 ca tử vong trong hơn 16,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 105.000 ca tử vong, châu Phi có hơn 104.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 951 người.   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Budapest, Hungary, ngày 4/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh Brazil liên tục ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục những ngày gần đây, chính quyền thành phố Rio de Janeiro đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và một số hạn chế nghiêm ngặt khác đối với các hoạt động kinh doanh và sự kiện công cộng nhằm ngăn chặn nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước làn sóng thứ 2 của đại dịch COVID-19. Lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 23h00 giờ ngày hôm trước tới 5h00 giờ sáng hôm sau trong thời gian từ ngày 5-11/3.

Trong thời gian này, các quán bar và nhà hàng chỉ được mở cửa từ 6h00-17h00 hàng ngày với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các sự kiện giải trí, hội chợ và hoạt động tại bãi biển bị tạm dừng cho tới khi có thông báo mới. Bang Sao Paulo cũng tuyên bố quay trở lại “giai đoạn đỏ” với việc chỉ cho phép các dịch vụ y tế, lương thực, vận tải công cộng và trường học mở cửa. Một số địa phương khác như thủ đô Brasilia, các bang Mato Grosso, Pernambuco, Rondonia và Acre cũng hạn chế hoặc giới hạn thời gian hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngoại trừ các dịch vụ cơ bản.   

Tại châu Á, Viện Pasteur của Algeria cho biết nước này đã phát hiện thêm 6 ca mắc biến thể virus phát hiện ở Anh, nâng tổng số ca mắc biến thể loại này ở Algeria lên 8. Cả 6 ca mắc mới đều là những người đang được cách ly ở hai địa phương El-Kettar và Rouiba. Tính tổng cộng, đến nay nước này đã ghi nhận 113.761 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.002 ca không qua khỏi và 78.672 ca đã được xuất viện. Hiện Algeria xếp thứ 8 trong 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu lục, lần lượt sau các nước Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria và Libya.   

Theo thông báo mới của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), Lào đã trở thành quốc gia thứ 44 trên thế giới phê chuẩn sử dụng vaccine Sputnik V của nước này trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này sẽ tiếp nhận 4,6 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) ngay trong tháng 3, qua đó giúp tăng tốc chương trình tiêm chủng quốc gia. Tính đến thời điểm này, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 38 triệu liều vaccine từ hãng Sinovac của Trung Quốc, trong đó 3 triệu liều ở dạng thành phẩm và 35 triệu liều còn lại ở dạng nguyên liệu. Chính phủ Indonesia hy vọng rằng việc sở hữu lượng vaccine nói trên sẽ giúp đẩy nhanh mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 181,5 triệu người, chiếm 70% dân số, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.   

Israel, Áo và Đan Mạch sẽ thành lập một quỹ chung dành cho nghiên cứu và phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19. Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Chúng tôi sẽ lập một quỹ chung cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời thảo luận về khả năng cùng đầu tư vào các cơ sở sản xuất vaccine".

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đang có chuyến thăm Israel khẳng định: "Chúng tôi đã nhất trí về 2 vấn đề. Thứ nhất là thành lập một quỹ nghiên cứu và phát triển chung để hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo. Thứ hai là cùng đầu tư và các nhà máy sản xuất tại châu Âu và Israel để tăng cường nguồn cung vaccine". Về phần mình, Thủ tướng Đan Mạch cho biết 3 nước "đã và đang hợp tác hết sức chặt chẽ" kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.   

Trong khi đó, tại châu Âu, Ba Lan sẽ kéo dài khoảng thời gian tiêm giữa liều đầu tiên và liều thứ hai của vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này tìm cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Ông Michał Dworczyk - người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của Ba Lan - cho biết kể từ tuần tới, liều thứ hai của vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm cách 12 tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Một biện pháp khác mà Ba Lan áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 là những người đã bị nhiễm sẽ được tiêm một mũi duy nhất 6 tháng sau khi họ có kết quả dương tính.

Thanh Phương/TTXVN

Từ khóa: COVID-19 SARS-CoV-2
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...