A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch COVID-19 đến sáng ngày 11/9: Thế giới có 28.315.053 ca bệnh, 913.210 ca tử vong

08:03 11/09/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 11/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng  28.315.053 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 913.210 ca tử vong. Tổng cộng hơn 20.326.604 ca đã hồi phục và 7.075.239 ca đang được điều trị.     

Dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày

Dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ lên gần ngưỡng 100.000 ca/ngày

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ ngày 10/9 cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 95.735 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số lên hơn 4,46 triệu ca, trong đó 75.062 ca tử vong, tăng 1.172 ca so với 1 ngày trước đó. 

Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 6.587.216 ca nhiễm và 196.265 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 4.559.725 ca nhiễm và 76.304 ca tử vong; Brazil với 4.239.763 ca nhiễm và 129.575 ca tử vong.   

Tại châu Âu, Chính phủ Anh đã quyết định đưa Bồ Đào Nha vào danh sách các quốc gia có du khách phải cách ly khi nhập cảnh vào Anh nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng lây lan của đại dịch COVID-19. Theo đó, bất cứ người nào đến Anh từ Bồ Đào Nha, ngoại trừ 2 vùng tự trị Azores và Madeira, sau 4h00 ngày 12/9 (theo giờ địa phương) sẽ đều cần phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.     

Anh đã đưa Hungary, cùng 2 vùng lãnh thổ hải ngoại Polynesia và Reunion thuộc Pháp ra khỏi danh sách Hành lang Du lịch (an toàn), và bổ sung Thụy Điển vào danh sách này.    

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bogor , Tây Java. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, tại Tunisia, Thủ tướng Hichem Mechichi đã cảnh báo về "sự thất bại" của các bệnh viện trước đại dịch COVID-19, khiến Tunisia ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong 24 giờ.     

Theo Bộ Y tế Tunisia, nước này đã ghi nhận thêm 465 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ qua, đây là con số nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên kể từ tháng 3 đến nay, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia Bắc Phi này lên 5.882 ca và 99 ca tử vong.   

Sau khi thực hiện các hạn chế sớm và nghiêm ngặt, Tunisia được xem là một trong những quốc gia châu Phi thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Đến ngày 27/6, Tunisia đã mở cửa biên giới và khôi phục hầu hết các hoạt động kinh tế, ngay cả việc chấm dứt kiểm dịch bắt buộc ở những khách sạn cho phép cách ly các bệnh nhân nước ngoài. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh, khiến các bệnh viện hoạt động quá tải. Hiện số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp 5 lần chỉ trong hơn 2 tháng và số ca tử vong đã tăng gấp đôi kể từ khi Tunisia mở cửa biên giới.     

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử và các vi phạm nhân quyền khác mà có thể gây ra xung đột, và tác động gián tiếp của đại dịch lớn hơn đối với các quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Phó tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp, Mark Lowcock cảnh báo những tác động gián tiếp của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế và y tế ở các quốc gia nghèo nhất “sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói, làm giảm tuổi thọ, tình trạng giáo dục suy giảm và nhiều trẻ em tử vong hơn”.     

Theo ông Mark Lowcock, khoảng 1/3 số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 thuộc các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo, người tị nạn hoặc ở các quốc gia đối mặt với mức độ dễ bị tổn thương cao. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 vẫn chưa được ghi nhận hết vì tỷ lệ xét nghiệm ở các quốc gia nghèo nhất này rất thấp. Ở một số nơi, nhiều người nhiễm bệnh miễn cưỡng tìm kiếm sự giúp đỡ, có thể vì họ sợ bị cách ly hoặc sợ không được điều trị y tế thích hợp.   

Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ ông Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia tài trợ và các quốc gia khác quyên góp 35 tỷ USD cho sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì nhằm tăng tốc độ nghiên cứu và phát triển các thử nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine phòng ngừa COVID-19.     

Phát biểu trong cuộc họp về sáng kiến do WHO chủ trì với tên gọi “Tăng tốc hành động”, ông Antonio Guterres cho rằng “nếu không có 15 tỷ USD trong 3 tháng tới, bắt đầu ngay lập tức, chúng ta sẽ mất cơ hội” để thúc đẩy nghiên cứu, tăng cường sản xuất và bắt đầu cung cấp các xét nghiệm và thuốc điều trị mới đối với COVID-19. Cho đến nay, cơ chế này nhận được chưa đến 3 tỷ USD.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...