loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 8/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 88.455.495 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.905.173 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 63.593.250 người.
Thủ tướng Angela Merkel cùng thủ hiến của 16 bang và lãnh đạo các chính quyền địa phương họp trực tuyến ngày 5/1 thảo luận kế hoạch kéo dài lệnh phong tỏa, trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại nền kinh tế số 1 châu Âu vẫn gia tăng bất chấp các biện pháp siết chặt trong kỳ nghỉ lễ.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 373.795 ca tử vong trong tổng số 22.109.805 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.606 ca tử vong trong số 10.414.044 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 200.498 ca tử vong trong số 7.961.673 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 172 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 139 người và Bosnia-Herzegovina với 128 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 27,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 601.600 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 519.600 ca tử vong trong hơn 16 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 377.600 ca tử vong trong hơn 21,9 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 223.100 ca tử vong trong hơn 14,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 91.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 69.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.
Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết sẽ kéo dài thời gian đóng cửa biên giới với Anh sau khi cơ quan y tế nước này xác nhận đã có thêm 19 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh. Pháp đã đóng biên với Anh từ ngày 20/12/2020, sau khi xuất hiện biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn đến 70%. Trong thời gian này, chỉ có một số ít nhóm người - trong đó có các tài xế xe tải – được phép qua lại cửa khẩu với điều kiện phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 3 ngày trước đó.
Ngoài 19 ca nhiễm mới mắc biến thể ở Anh vừa được phát hiện, Pháp cũng đã có 3 ca nhiễm mắc biến thể tìm thấy ở Nam Phi. Bộ Y tế nước này cho biết sẽ áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt với những người bị nhiễm biến thể mới và tăng cường xét nghiệm trong các trường học. Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng sẽ giữ nguyên các quy định về giãn cách xã hội trong những tuần tới, trong khi các bảo tàng, rạp chiếu phim và rạp hát tiếp tục đóng cửa đến cuối tháng 1; các quán bar, nhà hàng đóng cửa đến giữa tháng 2. Số tỉnh phải áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau có thể sẽ tăng từ con số 15 hiện nay lên 25 từ cuối tuần tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận hiện đã có 1,5 triệu người dân nước này được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa bệnh COVID-19, đồng thời cho biết hơn 1.000 phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn Anh sẽ tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 15/1. Bên cạnh đó, sẽ có 223 bệnh viện và 7 trung tâm tiêm chủng lớn và 200 hiệu thuốc cũng sẽ cung cấp dịch vụ tiêm chủng phòng COVID-19.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tiếp tục gia tăng với con số kỷ lục mới trong ngày 7/1 là 1.162 người, trong khi số ca nhiễm mới là 52.168 người. Thủ tướng Johnson thừa nhận trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc có thể sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc cục bộ do Anh chưa bao giờ tiến hành chương trình tiêm chủng rộng như vậy, nên cần sự nỗ lực từ tất cả các bên tham gia.
Tại châu Á, thành phố Brisbane và một số khu vực lân cận thuộc bang Queensland của Australia sẽ bị phong tỏa trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ 18 giờ (theo giờ địa phương) ngày 8/1, sau khi một trường hợp lây nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 ở Anh vừa được phát hiện trong cộng đồng một ngày trước đó. Đây là trường hợp đầu tiên tại Australia một người sống ngoài cơ sở cách ly được xác định là nhiễm chủng biến thể mới có khả năng lây lan rất nhanh này. Cho đến nay, Australia đã phát hiện 2 ca nhiễm biển thể mới của SARS-CoV-2 ở Anh, đều là người nhập cảnh đang được cách ly. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng khoảng 80.000 lượt/tuần và 4 triệu người dân sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 3.
Tại châu Mỹ, chính quyền thủ đô Bogota của Colombia đã ban bố tình trạng báo động đỏ, đồng thời ra lệnh phong tỏa trong 4 ngày để ngăn chặn gia tăng tốc độ lây lan trở lại của dịch bệnh COVID-19, cũng như nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Thị trưởng Bogota - bà Claudia Lopez nêu rõ thủ đô của Colombia được đặt trong tình trạng báo động đỏ từ ngày 7/1, bao gồm cả hệ thống bệnh viện. Mọi biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm sẽ được áp dụng tới ngày 12/1, rồi sau đó áp tiếp lệnh giới nghiêm ban đêm đến hết ngày 17/1.
Theo Thị trưởng Lopez, thủ đô Bogota với 8 triệu dân đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, thậm chí nguy hiểm và lây lan nhanh hơn đợt đầu. Hiện Chính phủ Colombia đang áp lệnh giới nghiêm ban đêm ở tất cả các thành phố có Đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân COVID-19. Tính tới nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 1,71 triệu người mắc COVID-19, 44.723 người tử vong. Riêng thủ đô Bogota có 496.317 ca bệnh và 10.203 ca tử vong.
Chính phủ Argentina cũng thông báo sẽ áp dụng biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây tại quốc gia Nam Mỹ này đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Dự kiến thời gian hạn chế sẽ được áp dụng từ 23h00 tới 5h00 sáng ngày kế tiếp và có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của mỗi địa phương. Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 43.976 ca tử vong và đặc biệt trong những ngày gần đây, các ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh trở lại lên trên 10.000 ca/ngày so với mức hơn 5.000 ca/ngày cách đây 1 tháng.
Chính quyền bang Sao Paulo của Brazil thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine CoronaVac ngừa bệnh COVID-19 do tập đoàn dược Sinovac của Trung Quốc nghiên cứu và bào chế cho thấy hiệu quả vào khoảng 78%. Thống đốc Joao Doria cho biết bang Sao Paulo sẽ chính thức triển khai chương trình tiêm chủng đại trà từ ngày 25/1 tới. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh với tổng số ca mắc bệnh đến thời điểm hiện tại lên tới gần 8 triệu người, trong đó có hơn 198.000 ca tử vong.
Trong khi đó, giới chức y tế Cuba cho biết nước này sẽ sử dụng thuốc Nasalferon cho những người nhập cảnh và những người tiếp xúc với họ để ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đây là dược phẩm do nước này tự sáng chế và đã chứng minh được tác dụng cũng như hiệu quả cao trong phòng ngừa COVID-19. Thuốc Nasalferon sẽ được sử dụng bằng đường mũi với liều lượng 2 giọt mỗi ngày, kéo dài từ 5 - 10 ngày. Những người được xác định sẽ tiếp xúc với khách du lịch sẽ được sử dụng thuốc trước 3 ngày để nâng cao khả năng kháng bệnh.
Theo số liệu từ Viện Hàn lâm Khoa học Cuba, cho tới tháng 8/2020, các cơ quan y tế Cuba đã điều trị bằng Nasalferon cho 17.241 nhân viên y tế và 1.010 người dễ bị tổn thương (gồm người già, người mắc bệnh nền hoặc phơi nhiễm gián tiếp với virus). Kết quả cho thấy thuốc Nasalferon giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng ở những người mắc COVID-19.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Cuba ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng kỷ lục trong những tuần qua, với số ca nhiễm lên mức ba con số và phần lớn là người nhập cảnh từ nước ngoài. Trước thực trạng này, từ ngày 1/1 vừa qua, Chính phủ Cuba đã siết lại chuyến bay đến từ một số nước có tỷ lệ lây nhiễm cao như Mỹ, Mexico, Panama, Bahamas, Haiti và Cộng hòa Dominicana; đồng thời yêu cầu mọi du khách tới nước này phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành 72 giờ.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này sẽ tiếp nhận 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Ấn Độ trong tháng 1 và 500.000 liều tiếp theo vào tháng 2. Lô vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm phòng cho 1,25 triệu nhân viên y tế tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc.
Hiện Nam Phi đang trong làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao vượt xa làn sóng dịch thứ nhất. Riêng trong ngày 6/1, nước này ghi nhận 21.832 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, cao gần gấp đôi so với giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất hồi tháng 7-8/2020. Tính đến hết ngày 7/1, Nam Phi ghi nhận 1.149.591 ca mắc COVID-19, trong đó 31.368 ca tử vong. Nước này hiện có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 chiếm tới hơn một nửa tổng số ca tại châu Phi, bỏ xa các nước xếp liền sau như Maroc với 447.00 ca và Ai Cập với 144.000 ca.
TTXVN
loading...