loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 27/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 80.675.736 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.764.185 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 56.893.795 người và vẫn còn 105.622 người đang trong tình trạng bệnh nặng.
Phóng viên TTXVN tại Ottawa ngày 27/12 đưa tin, giới chức y tế tỉnh Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada - đã xác nhận một cặp đôi sống ở khu vực Durham là 2 trường hợp đầu tiên tại Canada nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới 19.400.495 ca nhiễm, trong đó có 339.757 người đã tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 147.659 ca tử vong trong số 10.188.392 ca nhiễm. Brazil đứng thứ 3 với 190.815 ca tử vong trong số 7.465.806 ca nhiễm. Ngoài ra còn có 5 nước có số ca nhiễm trên 2 triệu (gồm Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy). Các nước Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Colombia, Mexico, Ba Lan, Iran, Ukraine và Peru đều có số ca nhiễm lên tới hơn 1 triệu người. Tổng số ca nhiễm Nam Phi cũng đã tiến sát mốc 1 triệu ca.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã thúc giục Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump nhanh chóng ký một dự luật cứu trợ COVID-19 đang bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng. Ông Biden lưu ý rằng dự luật có các điều khoản dành cho các doanh nghiệp nhỏ và gia hạn trợ cấp thất nghiệp, cũng như các khoản kích thích chi tiêu và có thể giúp các gia đình khó khăn đang trải qua đợt suy thoái kinh tế của đại dịch trong kỳ nghỉ lễ. Ông Biden cho rằng hàng triệu gia đình không biết liệu họ có thể kiếm sống được hay không vì Tổng thống Donald Trump từ chối ký dự luật cứu trợ kinh tế đã được Quốc hội thông qua với đa số áp đảo.
Động thái trên diễn ra khi các thành viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thúc giục Tổng thống Trump ký gói 2,3 nghìn tỷ USD, bao gồm 900 tỷ USD cứu trợ COVID-19.
Tại châu Âu, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ngày 26/12 cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 3 trên toàn châu Âu trong năm tới với số ca lây nhiễm tăng mạnh và tình hình có thể sẽ trở lại bình thường vào mùa Hè.
Phát biểu trên kênh truyền hình ORF, Thủ tướng Kurz nhấn mạnh châu Âu chắc chắn sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong quý đầu tiên của năm 2021 khi làn sóng lây nhiễm thứ ba bùng phát với số ca lây nhiễm tăng mạnh trở lại ở nhiều nước châu Âu. Ông cũng cho rằng khi nhiệt độ tăng cao hơn kết hợp với số ca tiêm chủng rộng rãi hơn, tình hình dịch bệnh có thể bớt căng thẳng và nhiều nước có thể trở lại cuộc sống bình thường vào mùa Hè. Với Áo, từ ngày 26/12, Chính phủ Áo đã siết chặt trở lại các quy định về phòng chống COVID-19 sau thời gian nới lỏng ngắn, theo đó người dân chỉ có thể được rời khỏi nơi ở khi có lý do phù hợp. Các quy định hạn chế tiếp xúc và đi lại này sẽ được áp dụng trong 3 tuần, cho tới ít nhất ngày 17/1/2021.
Một số nước châu Âu đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm 1 ngày trước khi toàn Liên minh châu Âu (EU) triển khai tiêm phòng ngày 27/12. Hungary, Slovakia và Đức nằm trong số nước đã triển khai tiêm những mũi vaccine đầu tiên trong ngày 26/12. Cụ bà Edith Kwoizalla, 101 tuổi, ngày 26/12 đã trở thành người đầu tiên ở Đức được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cụ Kwoizalla nằm trong số 40 cư dân và 10 nhân viên tại cơ sở này được tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech hợp tác sản xuất.
Theo thông báo của Chính phủ Hungary, các bác sĩ và điều dưỡng viên tại một bệnh viện ở Budapest đã được tiêm chủng vaccine do liên danh công ty Pfizer/BioNTech hợp tác sản xuất. Việc tiêm vaccine được thực hiện ngay sau khi Hungary nhận được lô vaccine đầu tiên để có thể tiêm phòng cho 4.875 người thuộc diện ưu tiên số 1. Tính đến ngày 26/12, Hungary ghi nhận gần 315.400 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 8.951 ca tử vong và đây là một trong số nước có tỷ lệ tử vong cao nhất xét về dân số trong EU.
Tại Slovakia, bác sĩ y khoa và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Vladimir Krcmery là người đầu tiên được tiêm chủng vào tối 26/12.
Theo kế hoạch, việc tiêm chủng sẽ được thực hiện đồng loạt tại các nước EU vào sáng 27/12. Tại Italy, nơi đã ghi nhận trên 71.000 người tử vong do COVID-19, một y tá tại bệnh viện Spallanzani ở Rome sẽ là người đầu tiên được tiêm chủng, tiếp đến sẽ là các nhân viên y tế khác. Tại Ba Lan, những người đầu tiên được tiêm chủng sẽ là các bác sĩ và y tá tại Bệnh viện Bộ Nội vụ ở thủ đô Vácsava, tiếp theo các nhân viên y tế ở các bệnh viện khác. Tại Bulgaria, nơi người dân còn lo ngại về độ an toàn của vaccine, Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov sẽ là người đầu tiên được tiêm chủng. Trong khi tại Croatia - nước đã nhận 9.750 liều vaccine đầu tiên sáng 26/12, một trại dưỡng lão ở thủ đô Zagreb sẽ là cơ sở đầu tiên được tiêm chủng.
Giới chức y tế tỉnh Ontario – tỉnh đông dân nhất Canada, ngày 26/12 đã xác nhận một cặp đôi sống ở khu vực Durham là 2 trường hợp đầu tiên tại Canada nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới này được cho là lây lan dễ dàng và nhanh hơn so với phiên bản gốc, nhưng không gây chết người nhiều hơn.
Theo chính quyền Ontario, không có bằng chứng cho thấy các loại vaccine được Bộ Y tế Canada phê duyệt sẽ kém hiệu quả hơn với biến thể mới của virus. Biến thể mới lần đầu tiên được xác định ở Vương quốc Anh nhưng sau đó đã được phát hiện ở một số quốc gia khác như Đan Mạch, Bỉ, Australia, Hà Lan...
Ontario – nơi biện pháp phong tỏa được áp dụng trên toàn tỉnh từ ngày 26/12 – đã phải chứng kiến hơn 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 12 ngày qua. Trong ngày 26/12, Ontario có thêm 2.142 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo quy định mới, các nhà hàng ở Ontario chỉ được phép phục vụ thức ăn mang về. Chính quyền các tỉnh Ontario, Manitoba và Quebec đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng bán lẻ các sản phẩm không thiết yếu, trong khi các siêu thị và hiệu thuốc phải tuân thủ quy định về giãn cách và bị giới hạn về công suất hoạt động. Các quy định mới đang ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm trong Ngày lễ tặng quà, buộc người tiêu dùng ở nhiều nơi trên đất nước phải tìm kiếm các giao dịch trực tuyến thay vì xếp hàng và chen chúc trong các cửa hàng. Canada hiện đã có hơn 541.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 14.800 người đã tử vong.
Tại Trung Đông, Phòng xét nghiệm tại Trung tâm Y tế Shamir ở Be'er Ya'akov của Israel đã phát hiện gần 50 ca nghi nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có những người chưa từng xuất cảnh.
Ngoài ra, Kênh truyền hình Channel 13 đưa tin 19 ca khác đã được phát hiện tại một phòng thí nghiệm ở miền Nam Israel. Các quan chức Bộ Y tế nghi ngờ trên toàn quốc sẽ nhiều ca phát bệnh với virus biến thể mới này.
Trong khi đó, tại châu Á, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar ngày 26/12 thông báo dỡ bỏ lệnh ở nhà tại một số thị trấn thuộc các khu vực và bang do số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở những địa phương này đã giảm xuống.
Lệnh ở nhà sẽ được dỡ bỏ tại hầu hết các thị trấn thuộc khu vực Yangon, ngoại trừ 3 thị trấn, từ ngày 28/12. Bên cạnh đó, quyết định dỡ bỏ lệnh ở nhà cũng được áp dụng cho một số thị trấn thuộc 3 khu vực Mandalay, Bago, Ayeyarwady và 2 bang Mon, Kachin.
Trong khi đó, lệnh ở nhà sẽ được Bộ Y tế và Thể thao Myanmar áp đặt tại 4 thị trấn Aungmyaythazan, Chanmyathazai, Pyigyidagun và Patheingyi thuộc bang Mandalay từ ngày 28/12,
Theo các số liệu thống kê của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, trong ngày 26/12, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 734 ca COVID-19 và 27 trường hợp tử vong. Cũng tính đến ngày 26/12, Myanmar đã ghi nhận tổng cộng 121.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.579 người tử vong, 102.163 bệnh nhân đã bình phục và được phép xuất viện.
Thanh Bình - TTXVN
loading...