loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 2/3 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 114,97 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2,54 triệu người đã không qua khỏi. Tổng số ca bình phục là 90,68 triệu người. Hiện còn 21,74 triệu người nhiễm virus, trong đó số ca mắc COVID-19 cần điều trị tích cực là hơn 90.000 người.
Theo trong thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 1/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 114.672.267 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 2.542.553 ca tử vong. Hơn 90,22 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi còn hơn 21,9 triệu bệnh nhân vẫn đang được điều trị.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 281.496 ca nhiễm và 6.391 ca tử vong. Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19, tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất, lần lượt ở mức 49.658 ca nhiễm và 1.370 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 29,31 triệu ca.
Tại khu vực Nam Mỹ, Brazil tiếp tục chứng kiến dịch bệnh lây lan mạnh với số ca nhiễm mới 38.349 ca và 818 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 1/3, Bộ Y tế Venezuela đã ra thông báo về việc cấp phép sử dụng vaccine Sinopharm ngừa COVID-19 của Trung Quốc để đưa vào chương trình tiêm chủng cho toàn dân và đây là loại vaccine thứ hai được phê duyệt tại quốc gia Nam Mỹ này, sau vaccine Sputnik V của Nga. Tổng thống Nicolas Maduro hy vọng với nguồn vaccine nhập từ Nga, Trung Quốc và thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, Venezuela sẽ có thể thực hiện thành công chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho toàn dân.
Theo thống kê chính thức, đến nay Venezuela đã ghi nhận 139.116 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.344 ca tử vong.
Trong khi đó, ngày 1/3, Colombia đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Mỹ được tiếp nhận vaccine trong khuôn khổ COVAX. Theo Tổ chức y tế liên Mỹ (PAHO), Colombia đã tiếp nhận 117.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech trong chương trình này.
Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Italy đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục này với 13.114 ca, tiếp sau là Nga (11.571 ca), Tây Ban Nha (6.308 ca), Anh (5.455 ca), Đức (5.200 ca)...
Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận thêm 10.930 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 11,12 triệu ca, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Papue New Ghuine đang trở thành điểm nóng dịch bệnh tại châu Đại dương, khi số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua là 90 ca trong tổng số 97 ca toàn châu lục. 7 ca còn lại gồm 5 ca tại Australia và 2 ca tại New Zealand.
Lan Phương - Hoài Nam/TTXVN
loading...