loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, sự gia tăng các ca lây nhiễm virus SARS-Cov-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gần đây đã khiến chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ban bố thêm các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến khoảng 8h sáng 19/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 22.294.602 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 783.429 ca tử vong.
Số ca mắc COVID-19 lại tăng mạnh tại nhiều quốc gia EU trong những ngày qua. Pháp ghi nhận số ca mắc mỗi ngày vượt 3.000 ca những ngày gần đây, mức cao nhất kể từ khi nước này gỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi tháng 5 vừa qua. Số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 cũng gia tăng, với trên 200 bệnh nhân mỗi ngày. Tình hình đại dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha cũng rất đáng lo ngại. Tây Ban Nha có số ca dương tính với virus SARS-Cov-2 cao nhất Tây Âu, với 384.270 ca và có số ca nhiễm SARS-Cov-2 trung bình là 115 ca trên 100.000 dân trong 2 tuần qua. Tại Đức, số ca lây nhiễm đã lên tới 228.105 người, số ca lây nhiễm trung bình mỗi ngày dao động ở mức trên 1.000 ca.
Tương tự tại Bỉ, số ca lây nhiễm tăng vọt kể từ đầu tháng 6, với gần 1.000 ca mỗi ngày. Điều này kéo theo số bệnh nhân phải nhập viện gia tăng. Theo các chuyên gia y tế Bỉ, khác với đợt dịch lần đầu, ở đợt bùng phát dịch lần 2, đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là thanh niên, nên số ca tử vong không cao nhưng nguy cơ lây nhiễm là đáng lo ngại. Với dân số chỉ vỏn vẹn 11,5 triệu người, nhưng số người mắc COVID-19 tại Bỉ đã là 78.897 người, số ca tử vong là 9.595 người.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, nhiều nước châu Âu đã ban bố các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Ngày càng nhiều các thành phố của Pháp quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Theo thống kê của kênh truyền hình RTL, 58 trên 100 thành phố lớn của Pháp quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên phố, 20 thành phố còn lại quy định đeo khẩu trang ở các khu chợ và chỉ có 22 thành phố lớn là không bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tại Italy, chính phủ ra sắc lệnh bắt buộc đeo khẩu trang từ 6h - 18h tại các nơi công cộng đông người.
Xác định những hoạt động hội hè, tụ tập đông người là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, Tây Ban Nha tiếp bước Italy một lần nữa đóng cửa các hộp đêm, vũ trường và các nhà hàng phải đóng cửa muộn nhất là 24h. Ngoài ra, 6 trên 17 vùng của Tây Ban Nha cũng ra quy định cấm hút thuốc ngoài đường phố. Đảo quốc Malta, cũng bị ảnh hưởng nặng bởi số ca mắc COVID-19 tăng vọt, từ ngày 17/8 cũng ra quyết định tạm thời đóng cửa các vũ trường và hộp đêm.
Xác định khách du lịch cũng là một nguồn lây nhiễm cần ngăn chặn nên nhiều quốc gia châu Âu đề ra quy định cách ly đối với những người đến từ các vùng bị cho là có nguy cơ lây nhiễm cao. Chẳng hạn như Vương quốc Anh, hôm 15/8, đã ra thông báo quy định cách ly trong 2 tuần đối với các khách du lịch tới từ Pháp, Hà Lan và Malta. Ngoài ra, công dân Romania, quốc gia hiện có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao, đã không được chào đón tại nhiều nước châu Âu, thậm chí bị cấm lưu trú tại Phần Lan và bị buộc phải cách ly trong 2 tuần nếu vào Tây Ban Nha.
Cơ quan bảo vệ dân sự Hy Lạp ngày 19/8 cho biết nước này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch tại đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Mykonos và vùng ven biển Chalkidiki thuộc miền Bắc nước này. Cụ thể, nhà chức trách sẽ tuyệt đối cấm tổ chức các lễ hội và buổi tiệc, hạn chế tối đa 9 người tụ tập tại tất cả các cuộc họp mặt và bắt buộc đeo khẩu trang cả ở những không gian kín và mở. Các nhà hàng, quán ăn hạn chế tối đa 4 - 6 người ngồi cùng một bàn. Các biện pháp phòng dịch này sẽ có hiệu lực từ ngày 21 – 31/8 tới. Ngày 18/8, Hy Lạp ghi nhận 269 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên ngày 26/2 vừa qua. Như vậy, tính đến hết ngày 18/8, nước này công bố tổng cộng 7.472 ca mắc và 232 ca tử vong.
Nhiều quốc gia châu Âu khác không thực hiện biện pháp cách ly, tuy nhiên lại yêu cầu xét nghiệm PCR, như tại Áo đối với các khách du lịch từ Tây Ban Nha và Thụy Điển. Đặc biệt, nhiều nước châu Âu đã một lần nữa đóng cửa biên giới đối với một số người đến từ những nước đang có nguy cơ cao, như Phần Lan không cho phép các công dân Pháp vào nước này nếu như không chứng minh được là đang cư trú tại Phần Lan, hoặc có mối liên hệ gia đình với người địa phương hay tới nước này vì lý do nghề nghiệp, học tập…
Cũng tại thời điểm này, EU giới hạn danh sách các quốc gia mà công dân của họ được phép du lịch vào châu Âu (11 quốc gia). Hội đồng châu Âu mới đây cũng quyết định rút Maroc ra khỏi danh sách trên do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.
Đức Hùng - Nguyễn Hằng/TTXVN
loading...