A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch bệnh viêm phổi corona trên thế giới: Virus có thể lây từ người sang người trong vòng 15 phút

09:51 31/01/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, từ ngày 31/1, Hàn Quốc sẽ bắt đầu áp dụng phương pháp kiểm tra mới để giúp các cơ quan y tế trong nước đẩy nhanh tốc độ kiểm tra và nâng cao tính tiện nghi để đối phó với sự lây lan của bệnh viêm phổi xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra.

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona: Số ca tử vong tại Trung Quốc tiếp tục tăng

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona: Số ca tử vong tại Trung Quốc tiếp tục tăng

Ngày 31/1, số trường hợp tử vong được xác nhận do chủng virus corona mới tại Trung Quốc đã tăng lên 212, sau khi chính quyền tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch, thông báo thêm 42 ca tử vong mới.

(Tiếp tục cập nhật)

Nếu quá trình này diễn ra thuận lợi, các cơ sở y tế tư nhân sẽ áp dụng phương pháp mới này từ đầu tháng 2 tới. 

Ủy ban Chính sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết phương pháp mới mang tên "kiểm tra khuếch đại gien thời gian thực (Real Time RT-PCR)" sẽ được áp dụng tại trung tâm kiểm dịch sân bay quốc tế Incheon và 18 viện nghiên cứu môi trường y tế trên toàn quốc để nhanh chóng chẩn đoán virus corona chủng mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phương pháp "Pan-coronavirus" trước đây kiểm tra nhiễm virus 2019-nCoV bằng hai bước. Đầu tiên là nhận diện toàn bộ virus corona, sau đó mới xác định có virus corona chủng mới hay không. Điểm yếu của phương pháp này là mất thời gian từ một tới hai ngày, và cách sử dụng khá bất tiện. Ngược lại, cách kiểm tra khuếch đại gien thời gian thực là hệ thống kiểm tra chuyên biệt cho cornona chủng mới, thời gian phát hiện virus tương đối ngắn, chỉ mất khoảng 6 tiếng. Các thiết bị hỗ trợ phương pháp này có thể được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước, nên được đánh giá là tiện dùng để đối phó với virus corona chủng mới.

Cơ quan y tế dự kiến sẽ yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) cấp phép sử dụng khẩn cấp để các cơ quan y tế tư nhân sớm áp dụng phương pháp này. Cơ quan y tế cũng đã công bố phương pháp kiểm tra mới để các doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị chẩn đoán.

Trung Quốc tin tưởng khả năng kiểm soát dịch bệnh

Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng vào khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới (2019-nCoV) tại nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 31/1 đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một ngày trước đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng virus này.

Trong thông cáo báo chí, bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ:"Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Trung Quốc đã và đang triển khai các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa toàn diện và chặt chẽ nhất với tinh thần trách nhiệm cao vì sức khỏe của người dân. Đồng thời phía Trung Quốc đã thông báo với các bên liên quan và chia sẻ chuỗi bộ gien của virus này đúng thời điểm với thái độ cởi mở, minh bạch và đầy trách nhiệm".

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm virus corona được điều trị tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 24/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này". Bà cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với WHO và các nước khác để bảo vệ sức khỏe của người dân trong nước và trên thế giới.

Trước đó, tối 30/1, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với virus corona mới sau khi dịch bệnh gây chết người do chủng virus này lây lan tới 18 quốc gia trên thế giới. Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối ngày 30/1, Trung Quốc đã ghi nhận 213 trường hợp tử vong, 9.692 trường hợp nhiễm bệnh tại 31 khu vực cấp tỉnh của nước này. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết 1.527 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, và 15.238 người bị nghi nhiễm.

Trong khi đó, ngày 30/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho biết nước này đang trong giai đoạn rất khẩn cấp trong cuộc chiến chống virus corona. Ông nêu rõ: "Chúng tôi chia sẻ sự quan ngại của các nước khác và chúng tôi cũng lắng nghe lời khuyên của ngài Tổng Giám đốc WHO". Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh chết người này.

Virus có thể lây từ người sang người trong vòng 15 phút - Tổng cộng 9.692 người nhiễm tại Trung Quốc, 213 người tử vong

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 30/1, Bộ Y tế bang New South Wales của Australia đã đưa ra cảnh bảo virus corona mới (2019-nCoV) có thể lây từ người sang người trong vòng 15 phút nếu có tiếp xúc gần, như trò chuyện trực tiếp với người bệnh, hoặc sinh hoạt trong một không gian kín với người bệnh trong vòng 2 giờ.               

Các cơ quan y tế Trung Quốc vừa xác nhận người nhiễm bệnh có thể truyền virus ngay cả trước khi họ có các triệu chứng nhiễm bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm virus corona tới bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 26/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cho đến nay, virus corona được cho là lây lan tương tự cách lây truyền bệnh cúm, khi người bệnh ho hay hắt hơi. Theo các bác sĩ, mặc dù loại virus này không dễ lây lan như bệnh sởi, nhưng nó có thể lan truyền theo nhiều cách. Khác với các virus lây trong không khí có thể di chuyển xa, virus corona lây lan khi người nhiễm virus ho hay hắt hơi bắn nước bọt trong phạm vi 1-2 mét, người khác có thể nhiễm virus này nếu chạm tay vào bề mặt dính nước bọt của người bệnh sau đó đưa tay lên gần mũi hoặc miệng.             

Tính đến ngày 31/1, ở Australia đã có 9 người được xác nhận nhiễm virus corona, trong đó 4 người ở Sydney thuộc bang New South Wales, 3 người ở Melbourne thuộc bang Victoria, và 2 người ở Gold Coast thuộc bang Queensland.             

Cùng ngày 31/1, nhà chức trách Trung Quốc cho biết tổng cộng đã có 9.692 người nhiễm virus coronra trên cả nước, trong đó gần 2.000 ca mới nhiễm, và 213 người tử vong.              

Theo con số cập nhật hằng ngày của ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, trong số 43 trường hợp mới tử vong do nhiễm virus, 42 trường hợp ở tỉnh Hồ Bắc (Hubei), nơi khởi phát dịch. Chỉ có một trường hợp ở ngoài tỉnh này.                

Ngoài ra, khoảng 100 trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại ít nhất 18 nước khác. Chưa có bệnh nhân nào tử vong bên ngoài Trung Quốc.

WHO khuyến nghị các biện pháp chiến lược ngăn ngừa và giảm lây nhiễm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tối 30/1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019nCoV) sau khi Ủy ban khẩn cấp WHO nhóm họp lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, theo các Quy định y tế quốc tế (2005).

Phóng viên TTXVN thường trú tại Geneve cho hay Ủy ban khẩn cấp WHO tin rằng vẫn có thể ngăn chặn sự lây lan virus với điều kiện các nước áp dụng các biện pháp mạnh để phát hiện sớm bệnh, cách ly và điều trị các trường hợp, theo dõi liên lạc và thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn xã hội tương xứng với rủi ro.

Điều quan trọng cần lưu ý là khi tình hình tiếp tục phát triển thì sẽ phải đề ra các mục tiêu và biện pháp chiến lược để ngăn ngừa và giảm lây nhiễm. Ủy ban nhất trí rằng dịch bệnh cần có sự phối hợp quốc tế trong việc khắc phục căn bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việc tuyên bố PHEIC cần được nhìn nhận trên tinh thần ủng hộ với người dân Trung Quốc và các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trên tuyến đầu trước sự bùng phát dịch bệnh. Phù hợp với nhu cầu đoàn kết quốc tế, WHO nhận thấy cần thể hiện nỗ lực phối hợp toàn cầu để tăng cường sự chuẩn bị ở các khu vực khác trên thế giới mà có thể cần hỗ trợ thêm cho việc này.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) trong cuộc họp báo sau phiên họp kín về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus 2019nCoV gây ra, tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 30/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban khẩn cấp hoan nghênh một phái bộ các chuyên gia đa ngành của WHO sắp tới Trung Quốc để xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của ổ dịch, mức độ nghiêm trọng và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng, trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nỗ lực kiểm soát ổ dịch. Phái bộ WHO này sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tìm hiểu tình hình và cho phép chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp thành công.

WHO tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật của mình để đánh giá mức độ bùng phát tốt nhất trên toàn cầu, cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương. Các biện pháp để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và tiếp cận với các loại vắcxin tiềm năng, các loại thuốc kháng virus và các phương pháp trị liệu khác cho các nước thu nhập thấp và trung bình nên được phát triển.

Theo báo cáo của đại diện Bộ Y tế Trung Quốc, hiện có 7.711 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh và 12.167 trường hợp nghi ngờ trên cả nước. Trong số các trường hợp được xác nhận, 1.370 ca là nghiêm trọng và 170 người đã tử vong. 124 người đã hồi phục và được xuất viện.
Ban thư ký WHO đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình ở các quốc gia khác. Hiện có 82 trường hợp tại 18 quốc gia. Trong số này, chỉ có 7 người không có lịch sử du lịch tại Trung Quốc. Đã có sự lây truyền từ người sang người ở 3 quốc gia ngoài Trung Quốc. Một trong những trường hợp này là nghiêm trọng và không có trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên tại một cửa hiệu bán thuốc mặc trang phục phòng dịch viêm phổi do virus corona mới khi phục vụ khách hàng tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc ngày 25/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc họp đầu tiên, Ủy ban khẩn cấp đã bày tỏ quan điểm khác nhau về việc liệu có cấu thành PHEIC hay không. Vào thời điểm đó, lời khuyên là dịch bệnh liên quan đến virus corona mới không tạo thành PHEIC, nhưng các thành viên Ủy ban đã nhất trí về tính cấp bách của tình huống và đề nghị Ủy ban nên tiếp tục cuộc họp vào ngày hôm sau và cũng đi đến kết luận tương tự. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, cơ quan y tế của Liên hợp quốc đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế - một chỉ định ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh hiếm khi được sử dụng.

PHEIC lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai được ban bố tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phát dịch virus Zika ở châu Mỹ. Ủy ban khẩn cấp sẽ được tái họp trong vòng 3 tháng hoặc sớm hơn, theo quyết định của Tổng giám đốc WHO.

Tố Uyên/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...