(Thethaovanhoa.vn) -
Đặc nhiệm Mỹ cuối tuần trước đã mở cuộc đột kích truy bắt trùm khủng bố tại hai địa điểm thuộc Libya và Somali, bắt giữ kẻ đánh bom từng được chính phủ Mỹ truy nã năm 1998.Al Libi từng được FBI treo giải thưởng 5 triệu USD
Vụ bắt giữ tại LibyaKẻ khủng bố có tên Al Libi từng được chính phủ Mỹ truy nã sau vụ đánh bom hai Đại sứ quán Mỹ ở châu Phi. Libi đã bị bắt giữ vào sáng sớm ngày 5/10 tại nhà riêng.
Những nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết bốn chiếc xe chở 10 người đàn ông nói tiếng Ả Rập trôi chảy đã bất ngờ đột nhập vào căn nhà nơi Al Libi ẩn náu sau khi xác định chính xác mục tiêu có mặt tại hiện trường. "Tôi không nghĩ họ lại là mật vụ Mỹ, họ nói tiếng Ả Rập khá trôi chảy với âm điệu của người Libya".
Người vợ của Al Libi, Abdul Rahman nói rằng vụ bắt giữ xảy ra khá nhanh, Al Libi định với tay lấy khẩu súng ngắn nhưng đã nhanh chóng bị khống chế. Abdul Rahman khẳng định chồng cô đã đoạn tuyệt với Al-Qaeda từ năm 1996 và không có dính líu gì tới vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ năm 1998.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trực tiếp ra lệnh bắt giữ Al Libi. Người đàn ông bị truy nã với số tiền lên đến 5 triệu USD nhiều khả năng sẽ được chuyển về New York để chờ xét xử. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel ra tuyên bố những trường hợp như trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt năm 2011 hay vụ bắt giữ Al Libi là lời cảnh báo nước Mỹ sẽ truy đuổi đến cùng những kẻ đã gây nên tội ác dù những kẻ khủng bố này có thể ẩn náu ở bất cứ đâu.
Trong khi đó chính phủ Libya đã lên tiếng cảnh báo nước Mỹ phải giải trình về vụ bắt giữ Libya. "Libya là một quốc gia có chủ quyền và chính quyền Mỹ không thể thực hiện vụ bắt giữ tùy tiện như vậy", người phát ngôn chính phủ Libya cho biết.
Al Libi có liên quan tới vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ năm 1998Al Libi từng được Mỹ truy đuổi gắt gao trong nhiều năm qua, FBI tuyên bố treo giải thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ kẻ khủng bố này.
Al Libi được nhận định là một trong những kẻ khủng bố đóng vai trò quan trọng trong vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998. Hơn 200 người đã thiệt mạng và 5000 người khác bị thương trong vụ đánh bom ở Kenya. Vụ đánh bom ở Tanzania cũng khiến 11 người thiệt mạng.
Mỹ luôn muốn bắt giữ Al Libi với những cáo buộc khủng bố, giết người, phá hủy cơ sở vật chất của nước Mỹ và gây nguy hại tới an ninh của nước Mỹ. Năm 2010 chính phủ Libya từng thông báo cho chính phủ Mỹ rằng Al Libi đã chuyển tới sống ở Libya.
Dù Al Libi có trực tiếp tham gia vào vụ đánh bom năm 1998 hay không, các chuyên gia Mỹ nhận định sự cần thiết trong vụ bắt giữ kẻ khủng bố từng tham gia tổ chức Al-Qaeda. "Al Libi chắc chắn biết những thông tin về tổ chức Al-Qaeda, những kế hoạch mà tổ chức này dự định tiến hành tại châu Phi".
Cuộc đột kích không thành ở SomaliLực lượng đặc nhiệm Mỹ Seal Team Six từng tham gia trực tiếp vào vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan năm 2011 nhận lệnh bắt giữ một trùm khủng bố của tổ chức Al-Shabaab ở Somali.
Các nhân chứng tại hiện trường cho biết đặc nhiệm Mỹ đã đột kích vào khu vực ẩn náu của trùm khủng bố Mukhtar Abu Zubayr. Một trong những nhà lãnh đạo của Al-Shabaab có trách nhiệm tuyển mộ binh lính từ nước ngoài.
Cuộc đột kích không thành công trước sự chống trả quyết liệt của các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Al-Shabaab. Đặc nhiệm Mỹ quyết định rút lui nhằm tránh thương vong cũng như việc phải đụng độ với một lượng lớn các tay súng ở Somali.
"Dù cuộc đột kích đã không thành công nhưng những kẻ khủng bố lọt vào tầm ngắm của Mỹ nên lo lắng bởi đặc nhiệm Mỹ có thể tấn công vào bất cứ lúc nào", cựu sỹ quan quân đội Mỹ, Rick Fraconna nhận định.
Đặc nhiệm Mỹ đột kích nhằm bắt giữ trùm khủng bố của tổ chức Al-Shabaab sau khi những diễn biến cho thấy tổ chức này đang ngày một lớn mạnh ở châu Phi. Al-Shabaab, một chi nhánh của Al-Qaeda từng đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom năm 1998, vụ tấn công một khách sạn năm 2002 và mới đây nhất là vụ tấn công trung tâm thương mại Westgate ở Kenya.
"Những kẻ khủng bố gây tội ác với người dân trên toàn thế giới, chúng có thể trốn chạy nhưng chúng không thể biến mất trước sự truy đuổi của nước Mỹ", Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry từng tuyên bố.
Nguyễn Hồng Đăng
Tổng hợp