loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tại thời điểm cuối tháng 5/2021, khi số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ giảm xuống còn khoảng 22.000 và tỷ lệ người dân được tiêm chủng tăng mạnh, ngành du lịch và giải trí của quốc gia này dường như đang phục hồi mạnh mẽ.
Giáo sư Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, nhận định chính phủ các nước nên tiêu chuẩn hóa định nghĩa của mình về tiêm chủng đầy đủ
Khi đó, các nhà kinh tế đã ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng trưởng gần 10% trong quý II/2021 và sẽ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ cho đến năm 2022. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi biến thể Delta lây lan tại Mỹ.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến cuối tháng 8/2021, hơn 92% các hạt ở Mỹ trở thành “khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao", trong khi 4,16% hạt khác được xếp vào diện “có tỷ lệ lây nhiễm đáng kể".
Trên toàn nước Mỹ, số ca tử vong do COVID-19 hiện hơn 1.100 ca mỗi ngày, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2021 và số ca nhiễm mới mỗi ngày trung bình là hơn 152.000 ca, tương đương với mức cuối tháng 1/2021. Tính đến đầu tuần này, số người nhập viện do COVID-19 là khoảng 85.000 người, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2021. Dự báo từ nay đến đầu tháng 12, sẽ có thêm gần 100.000 ca tử vong tại Mỹ do COVID-19.
Trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta lần này, số ca bệnh đã tăng lên trên phạm vi toàn nước Mỹ. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đã chật kín những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng, cao hơn cả thời kỳ đỉnh dịch trước đây. Chẳng hạn, bộ phận ICU tại Bệnh viện Phoebe Putney Memorial ở bang Georgia có chỗ cho 38 bệnh nhân nặng và thông thường, mỗi ngày bình thường chỉ có hai hoặc ba bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, ngày 25/8, bộ phận này đã phải tiếp nhận 50 bệnh nhân COVID-19 nặng và khoảng một nửa trong số này phải sử dụng máy thở.
Tại New Mexico, ngày 25/8, giới chức y tế đã cảnh báo rằng bang này chỉ còn cầm cự được khoảng một tuần nữa do số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng hơn 20% chỉ trong một ngày. Trong khi đó, tại bang Idaho, giới chức bang đã kêu gọi người dân tình nguyện giúp duy trì hoạt động của các cơ sở y tế. Có ít nhất 6 bang khác, gồm Arkansas, Florida, Louisiana, Hawaii, Mississippi và Oregon, số bệnh nhân nhập viện đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, số ca nhập viện do COVID-19 đang tăng cao tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Texas và Kentucky. Đến nay, bang Texas có gần 47% dân số được tiêm chủng đầy đủ, dưới mức trung bình toàn nước Mỹ là gần 52%. Thống đốc Greg Abbott, người theo đảng Cộng hòa, đã cấm các cơ quan và trường học ra quy định bắt buộc nhân viên và học sinh đeo khẩu trang và tiêm vaccine. Trong khi đó, ở bang Kentucky, chưa đầy 48% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Các quan chức y tế công cộng cho rằng sự chậm trễ này là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm của bang. Các biện pháp kiểm soát lây lan dịch COVID-19 do Thống đốc Andy Beshear của đảng Dân chủ ban hành đã hết hạn vào tháng 6/2021 và cơ quan lập pháp bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đã ngăn ông ban hành các quy định mới về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đáng chú ý, trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta hiện nay, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh cũng ở mức cao. Theo giới chức y tế bang Tennesee, tại thời điểm ngày 25/8, có đến 36% số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại bang này là trẻ em. Chỉ trong vòng một tuần, tiểu bang này đã có 14.000 ca bệnh nhi, tăng 57% so với tuần trước đó.
Tại bang South Carolina, các học sinh phải đeo khẩu trang trên xe buýt, bắt đầu từ ngày 30/8, do số ca mắc COVID-19 ở trẻ em và học sinh đang tăng nhanh. Có tới gần 30% trường hợp mắc mới ở bang này trong hai tuần qua là ở những người từ 20 tuổi trở xuống. Theo các quan chức bang, cùng thời điểm năm 2020 chỉ có khoảng 17% các ca nhiễm bệnh là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về thời điểm nước Mỹ sẽ kiểm soát được biến thể Delta, Tiến sỹ Chris Dickey - Giáo sư chuyên ngành Y tế toàn cầu, Đại học New York, cho rằng việc ước tính thời điểm có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường tại Mỹ là điều không dễ dàng. Biến thể Delta đã lập đỉnh rất cao ở Anh và Ấn Độ và sau đó suy giảm tương đối mạnh. Tiến sỹ Chris Dickey nhận định “điều này cũng có thể xảy ra ở Mỹ và chúng ta sẽ ghi nhận một số hoạt động trở lại bình thường vào khoảng giữa tháng 10/2021”.
Tại thành phố New York, nơi từng là tâm dịch của nước Mỹ trước đây, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta có thể đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm trong làn sóng lây nhiễm lần này. Biến thể Delta đã lây lan mạnh trên toàn thành phố, hiện chiếm 97% tổng số mẫu dương tính được xét nghiệm.
Tuy nhiên, trong vòng hai tuần gần đây, tốc độ lây nhiễm tại New York đã giảm, là một dấu hiệu cho thấy tình hình có thể đang được cải thiện. Tỷ lệ nhập viện đã giảm 14% so với thời điểm tháng trước, cho thấy các khu vực ở New York có thể đã vượt qua đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm lần này. Mặc dù cả 5 quận của thành phố New York vẫn được CDC coi là các “khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao", song dữ liệu của CDC cho thấy tỷ lệ nhập viện ở tất cả các quận đều giảm mạnh.
Đánh giá tác động của biến thể Delta đối với các doanh nghiệp và cộng đồng tại New York trong thời gian qua, Tiến sỹ Chris Dickey cho biết đến nay nhiều cơ sở kinh doanh trong nhà đã yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trở lại theo quy định của chính quyền bang New York, bất kể đã tiêm chủng đầy đủ hay chưa. Người dân thành phố New York cũng có ý thức đeo khẩu trang nhiều hơn khi ra ngoài đường, ngay cả tại các không gian mở như Công viên Trung tâm.
Các nhà hàng cũng kiểm tra cẩn thận hơn về tình trạng tiêm vaccine của khách hàng thông qua ứng dụng Excelsior Pass trên điện thoại. Các trường thuộc hệ thống công lập, trong đó có Đại học New York đã yêu cầu học sinh, sinh viên đeo khẩu trang tại các lớp học.
Biến thể Delta đã tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế Mỹ. Theo một số báo cáo được công bố tháng trước, người tiêu dùng hiện có xu hướng cắt giảm một số khoản chi tiêu giải trí và các doanh nghiệp trì hoãn việc quay trở lại hoạt động bình thường.
Trong lĩnh vực hàng không, số lượng khách di chuyển qua các trạm kiểm soát an ninh sân bay đã bắt đầu xu hướng giảm trở lại. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý an ninh vận tải, ngày 24/8, có 1,47 triệu người Mỹ di chuyển bằng máy bay, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.
Số lượng hành khách trung bình trong 7 ngày đã giảm xuống còn khoảng 1,76 triệu hành khách mỗi ngày tại thời điểm cuối tháng 8/2021 so với mức 2,05 triệu hành khách một tháng trước đó. Mặc dù điều này phần nào là do đến nay đã hết thời kỳ nghỉ Hè, song các hãng hàng không cũng cho rằng biến thể Delta là một nguyên nhân quan trọng.
Trong lĩnh vực nhà hàng và ẩm thực, theo số liệu của công ty xử lý đặt chỗ trực tuyến OpenTable, trong những tuần gần đây, số lượng khách đi ăn tại các nhà hàng tại Mỹ đã giảm khoảng 10% - 11% so với cùng kỳ năm 2019, sau khi thu hẹp khoảng cách xuống chỉ còn 5% - 6% vào cuối tháng 7/2021. Các chuyên gia nhận định sự lo ngại về biến thể Delta và các yêu cầu chống dịch bắt buộc của các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Theo STR, công ty chuyên theo dõi dữ liệu kinh doanh khách sạn, mặc dù ngành du lịch đã giúp thúc đẩy một số điểm thu hút khách nổi tiếng trong mùa Hè năm nay, nhưng công suất sử dụng phòng khách sạn đã giảm trong 4 tuần liên tiếp.
Trong khi đó, giá cho thuê phòng trung bình cũng đã giảm liên tục trong 3 tuần gần đây. Trong số 25 địa điểm thu hút khách lớn của Mỹ, không có địa điểm nào ghi nhận công suất thuê phòng tăng trong thời gian qua so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thuê phòng giảm hơn 40% ở thành phố San Francisco, là mức giảm lớn nhất trên toàn nước Mỹ.
Đối với thị trường lao động, mặc dù nhiều nhà tuyển dụng vẫn đang gặp khó khăn để tìm đủ nhân sự cho các vị trí trong doanh nghiệp, tuy nhiên đã có một vài dấu hiệu cho thấy nhu cầu tuyển lao động đang giảm dần trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành tại Mỹ. Trang mạng tuyển dụng nhân sự Indeed.com đã ghi nhận sự sụt giảm số bài đăng tuyển dụng đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên với khách hàng như văn phòng nha khoa và chăm sóc trẻ em.
Một chỉ số khác cũng đang cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại là tỷ lệ sử dụng văn phòng, trong đó kế hoạch của các công ty lớn ở Mỹ đưa nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng đã không diễn ra như dự kiến.
Theo số liệu của hãng Kastle Systems, tại thời điểm ngày 18/8, công suất sử dụng văn phòng trung bình tại 10 trong số các khu kinh doanh lớn nhất nước Mỹ đã giảm xuống 31,3% so với thời kỳ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến ngành bất động sản mà còn ảnh hưởng đến một loạt các doanh nghiệp phụ thuộc vào văn phòng, như tiệm giặt là và nhà hàng, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của các thành phố.
Theo Tiến sỹ Chris Dickey, việc người dân tham gia một số hoạt động giải trí thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn. Những người không tiêm chủng cũng sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì công việc ở một số ngành nghề nhất định.
Ông nhấn mạnh “điều này có nghĩa là tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ thời gian tới cũng sẽ tăng lên, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đưa cuộc sống trở lại bình thường”. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng các khu vực khác nhau sẽ trải qua quá trình phục hồi khác nhau, trong đó tình hình tại một số khu vực sẽ được cải thiện nhanh hơn những khu vực khác.
Quang Huy - Phóng viên TTXVN tại Mỹ
loading...