(Thethaovanhoa.vn) - Vào Thu, Cửu Trại Câu khoác lên mình tấm áo lộng lẫy nhất trong năm. Những màu sắc sinh động của rừng cây đã thay màu, ánh nắng phản chiếu lấp lánh trên mặt hồ trong trẻo, vài chiếc lá vàng lặng lẽ trôi bồng bềnh giữa làn nước khiến cả vùng thung lũng này bỗng chốc hóa thành một bức tranh diễm lệ.
Tuyệt phẩm của thiên nhiên
Cửu Trại Câu nằm ở tỉnh Tứ Xuyên tự cổ chí kim đã được mệnh danh là tiêu biểu cho sự mỹ lệ và đa dạng của thắng cảnh trên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Từng nét chạm khắc của thiên nhiên nơi đây vẫn được giữ gìn vẹn nguyên, tránh tối đa khỏi sự tác động của con người.
Những ngọn thác, những mặt hồ, những thảm cỏ xanh mượt và sườn núi phủ tuyết khi Đông đến tại thung lũng này quyện vào nhau thành một tổng thể hoàn hảo, và điểm xuyết bên trên là vài ngôi làng nhỏ của người Tây Tạng. Khi mùa Thu đến, cảnh đẹp được khoác màu áo thu huyền hoặc lại càng làm lòng người say đắm. Khí trời nơi đây vào mùa Thu hết sức dễ chịu, ngày ấm áp và đêm vô cùng mát mẻ.
Rất đông du khách chọn Cửu Trại Câu là điểm đến mùa Thu Cửu Trại Câu là một thế giới hoàn mỹ trên mặt nước. Hơn 100 hồ nước với đủ kích cỡ khác nhau nằm rải rác khắp nơi trong thung lũng. Những mặt hồ xanh biêng biếc này được gọi tên là “Haizi”, nghĩa là “biển” trong tiếng Tây Tạng.
Hồ nối hồ từ thấp lên cao, được kết nối với nhau bằng những dòng thác tung bọt trắng xóa mang đến cho Cửu Trại Câu khung cảnh đẹp đến siêu thực, đưa lữ khách như lạc vào một thế giới mới. Mặt nước hồ thu không những trong vắt như ngọc mà còn có nhiều sắc độ xanh khác nhau, phản chiếu rõ mồn một từng đám mây trắng phau trên nền trời và những đỉnh núi phủ đầy tuyết ở xa xa, thấp thoáng sau hàng cây lá đỏ.
Khi cơn gió heo may nhẹ thổi qua, làn nước khẽ lay và cái chớm lạnh báo hiệu mùa Đông sắp đến. Sắc vàng, đỏ, cam nổi bật rực rỡ trên bức phông nền xanh ngắt của nền trời và mặt nước, tựa như được chấm phá bởi bàn tay của một họa sĩ thiên tài.
Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người
Khu rừng nguyên sinh rộng lớn của thung lũng Cửu Trại Câu là ngôi nhà của hơn 2.500 loài thực vật và hàng chục loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có loài gấu trúc. Khi cơn gió thu thổi đến, từng bầy thú nhởn nhơ tìm thức ăn ở khắp nơi trong thung lũng dưới tiếng chim chuyền ríu rít.
Cửu Trại Câu mang vẻ đặc trưng của văn hóa Tây Tạng. Cái tên “Cửu Trại Câu” có nghĩa đen là “thung lũng của 9 ngôi làng” được đặt theo những ngôi làng Tây Tạng nơi đây. Khu vực này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1992 và Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997. 7 trong số 9 ngôi làng tại Cửu Trại Câu vẫn còn đông đúc dân cư đến tận ngày hôm nay.
Thiên nhiên kỳ ảo ở Cửu Trại Câu Du khách được phép vào tham quan các làng Heye, Shuzheng và Zechawa nằm dọc theo những con đường lớn. Người dân nơi đây cung cấp dịch vụ ăn ở cho khách du lịch và bán các sản phẩm đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Những làng nhỏ hơn là Rexi, Jianpan, Panya và Yana cũng vẫn còn nhiều cư dân sinh sống, nhưng hai làng Guodu và Hejiao gần như đã bỏ trống.
Cư dân thung lũng sống một cuộc sống giản dị và truyền thống. Họ theo đạo Phật nguyên thủy Tây Tạng, tôn thờ những vị thần tự nhiên và tin rằng mọi tạo vật trên mặt đất đều có linh hồn. Những chiếc chuông và vòng cầu nguyện đặc trưng Tây Tạng có thể được tìm thấy khắp nơi ở Cửu Trại Câu.
Mùa Thu là thời điểm bận rộn của những nông dân Trung Quốc, và cư dân thung lũng xinh đẹp này cũng không phải là ngoại lệ. Nếu đến thăm Cửu Trại Câu vào dịp Thu về, bạn có cơ hội quan sát cách thức thu hoạch truyền thống của người Trung Hoa. Bên cạnh đó, đừng quên tận hưởng ẩm thực vốn là một phần thiết yếu trong văn hóa Tây Tạng.
Khắp nơi trong thung lũng, du khách có thể nếm thử nhiều món ăn và thức uống đặc sản. Thức uống phổ biến nhất trong các ngôi nhà Tây Tạng nơi đây là món trà đặc biệt làm từ trà, bơ sữa bò yak, pho-mát đặc, lúa mạch và muối hoặc đường.
Những cư dân Cửu Trại Câu nói thứ tiếng Tây Tạng đặc biệt của riêng mình. Tuy nhiên, từ khi thung lũng ngày càng mở rộng cánh cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài, những người trung niên và giới trẻ bắt đầu nói tiếng Trung Quốc phổ thông. Ghé thăm Cửu Trại Câu, bạn sẽ “bỏ túi” được một vài từ ngữ trong tiếng Tây Tạng, vừa thú vị vừa nhắc bạn nhớ mãi thung lũng thần tiên này.
Nơi có không khí loãng Nằm ở độ cao từ 2.000 - 4.000m so với mực nước biển, không khí loãng nên du khách đến Cửu Trại Câu có thể bị đau đầu, khó thở nếu có sức khỏe không tốt. Vì thế, du khách cần chuẩn bị các loại thuốc chống đau đầu, hoặc thuốc bổ, vitamin C… Thời tiết lạnh nên du khách cũng cần chuẩn bị quần áo giữ ấm cơ thể đầy đủ. Cửu Trại Câu ở vùng Tứ Xuyên, ẩm thực không phù hợp với người Việt vì cay và nhiều dầu mỡ. Thời điểm tham quan Cửu Trại Câu đẹp nhất trong năm là vào mùa Thu, khoảng tháng 10 và tháng 11, nhiệt độ từ 8 - 18 độ C. Từ Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, đến Cửu Trại Câu với quãng đường 560km. |
Bài: Việt Hương - ảnh: CTV
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần