loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đua giành ghế thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang ngày 24/9 tới có vẻ thiếu kịch tính khi đương kim Thủ tướng Angela Merkel, đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), liên tục chiếm ưu thế, vượt xa đối thủ về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, và CDU/CSU vẫn khẳng định vị trí dẫn đầu so với các đảng khác tham gia tranh cử.
Những gì đối thủ chính của bà Merkel, ứng cử viên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Đức Martin Schulz, thể hiện trong chương trình Wahlarena (Sân khấu bầu cử) của kênh ARD tối 17/9, vốn được coi là "cơ hội cuối cùng" để ông có thể giành lại thế chủ động, dường như một lần nữa cho thấy ông đang "hụt hơi" trước chặng nước rút.
Lần đầu tiên, Chủ tịch SPD Martin Schulz đề cập tới khả năng đảng này sẽ tiếp tục tham gia chính phủ liên minh với CDU/CSU sau bầu cử, giống như sau cuộc tổng tuyển cử năm 2013, như một dấu hiệu rằng SPD khó có thể "lật ngược thế cờ" trong vài ngày tới.
Kết quả cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình hồi đầu tháng 9 và 2 cuộc trả lời chất vấn riêng rẽ của từng ứng cử viên trên truyền hình trước 150 người đại diện cho khoảng 60 triệu cử tri Đức, diễn ra tuần vừa qua, đều mang đến phần thắng áp đảo cho bà Merkel.
Ngay trong màn thể hiện mới nhất tối 17/9 tại chương trình Wahlarena, được xem là để cơ hội để thuyết phục khoảng 30% số cử tri hiện vẫn đang do dự chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào, ông Martin Schulz bị đánh giá là gần như không đưa ra được những ý tưởng mới rõ ràng, mang tính đột phá, có thể thu hút được sự đồng tình và ủng hộ của khán giả trong trường quay cũng như các cử tri đang theo dõi trên truyền hình.
Mặc dù có rất nhiều câu hỏi chất vấn được đặt ra, song ứng cử viên thủ tướng đại diện cho đảng SPD chỉ có thể đưa ra những câu trả lời mang tính chung chung, chủ yếu tập trung vào cương lĩnh tranh cử là "công bằng xã hội".
Cụ thể, trong kế hoạch tương lai cho nước Đức, ông Martin Schulz nhấn mạnh một số điểm chính sách quan trọng như xóa bỏ phí đoàn kết đến năm 2020, tăng mức thuế thu nhập cao từ 42% lên 45%, nâng mức trần thu nhập áp thuế đối với trường hợp người có thu nhập cao, thực hiện đánh thuế vào người giàu, đảm bảo quyền hợp pháp đối với trẻ em ở độ tuổi tiểu học, nâng cao mức tiền hỗ trợ trẻ em đối với gia đình thu nhập thấp...
Bên cạnh đó, dù lâu nay chỉ trích gay gắt đối thủ Merkel trong những vấn đề nóng như giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, căng thẳng ngoại giao giữa Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách đối ngoại, an ninh..., song ông Schulz cũng không đưa ra được giải pháp mang tính thuyết phục cho những vấn đề này.
Có thể nói, qua cuộc trả lời chất vấn lần này, cử tri phần nào thấy rõ một sự bế tắc trong cương lĩnh chính sách cũng như vai trò lãnh đạo của đảng SPD nói chung và của ứng cử viên Martin Schulz nói riêng. Đây cũng được xem là lý do cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel và đại diện đảng SPD Martin Schulz trong cuộc cạnh tranh quyết liệt vào chức thủ tướng nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tổ chức một cuộc họp báo mùa Hè trong bối cảnh chỉ chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức.
Trái lại, trong cuộc trả lời chất vấn trước đó 1 tuần, bà Angela Merkel đã thể hiện rõ bản lĩnh của một chính khách lão luyện từng giữ chức thủ tướng 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Mặc dù gần như cũng không đưa ra được các ý tưởng thực sự mới, song những câu trả lời không né tránh xoay quanh các chủ đề thiết thực trong đời sống xã hội Đức của bà lại nhận được nhiều sự ủng hộ và đồng tình của các cử tri. Ưu tiên của đương kim Thủ tướng Đức vẫn là tiếp tục thực hiện tốt những gì mà bà đã theo đuổi suốt 12 năm qua.
Với quan điểm cứng rắn và rõ ràng trong việc thực hiện các chính sách từ đối nội đến đối ngoại, sau 12 năm cầm quyền, bà Merkel vẫn nhận được những đánh giá tích cực về khả năng điều hành đất nước khi cuộc thăm dò mới nhất do Viện Insa thực hiện và công bố ngày 18/9 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho CDU/CSU là 36%, SPD là 22%; tỷ lệ ủng hộ đối với bà Merkel duy trì ở mức trên 50%, cao hơn nhiều so với khoảng 25% của ông Martin Schulz.
Chính sách kinh tế là điểm mạnh nhất của Thủ tướng Angela Merkel sau 12 năm cầm quyền. Bất chấp việc thế giới trải qua rất nhiều biến động và khủng hoảng, kinh tế Đức vẫn tăng trưởng ấn tượng với thặng dư thương mại năm ngoái đạt mức cao kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ thời điểm nước Đức thống nhất, hiện chỉ còn 4,3%, giảm gần 2/3 với với tỷ lệ 11% lúc bà Merkel lên nắm quyền.
Nhờ kinh tế phát triển, nước Đức có điều kiện giải quyết tốt phúc lợi xã hội, nâng cao mức sống cho đa số người dân. Ngay cả việc tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong hai năm qua, đi kèm là giải quyết nhà ở, sinh hoạt hàng ngày, giáo dục, y tế, việc làm... cũng không phải là vấn đề lớn đối với nước Đức.
Vào thời điểm chỉ còn khoảng 2 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức, kết quả thăm dò dư luận "Stern-RTL Wahltrend" công bố ngày 26/7 cho thấy Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel dường như nắm chắc trong tay nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ 4.
Một nền kinh tế tương đối ổn định và phát triển bất chấp kinh tế thế giới nhiều phen chao đảo, cùng với vị thế "đầu tàu" của nước Đức luôn được bảo đảm, đây thực sự là "những viên gạch" vững chắc lát phẳng con đường hướng tới nhiệm kỳ thứ tư của bà Merkel. Hơn nữa, với tính cách thực dụng của mình, người dân Đức chắc hẳn sẽ không muốn thấy một sự "thay máu" sau cuộc bầu cử quốc hội liên bang sắp tới, nhất là khi ứng cử viên Schulz cũng chưa có hành động cụ thể gì ngoài những lời nói.
Bởi vậy, dù vẫn còn một số vấn đề chưa nhận được sự hài lòng từ phía người dân, trong đó có chính sách nhập cư, song đến thời điểm này, bà Merkel vẫn là sự lựa chọn khả thi đối với cử tri Đức.
Đương nhiên, với khoảng 30% cử tri vẫn còn "lưỡng lự" chưa có lựa chọn cuối cùng, cơ cấu quốc hội liên bang sau ngày 24/9 còn chưa lộ diện rõ ràng, bởi hiện có tới 58% số người được hỏi ủng hộ một liên minh cầm quyền như hiện nay giữa CDU/CSU và SPD, trong khi một liên minh 3 đảng gồm CDU/CSU, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh cũng được tới 52% số ý kiến lựa chọn.
CDU/CSU có thể liên minh cầm quyền với đảng nào, đây cũng sẽ là vấn đề tác động đáng kể tới chính trường Đức, nhất là khi dù bà Merkel có tiếp tục nắm quyền, những thách thức đối với "người đàn bà thép" của nước Đức cũng không nhỏ, đặc biệt là tình hình an ninh trong bối cảnh nước Đức đã hứng chịu một loạt cuộc tấn công khủng bố thời gian qua, cùng với đó là cuộc khủng hoảng người di cư, từng bị ví là “gót chân Achilles” của bà Merkel.
Anh Đức (P/v TTXVN tại CHLB Đức)
loading...