(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi bà Hillary Clinton và ông Donald Trump có mặt trên "võ đài" trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình vào hôm 27/9, hầu như tất cả những gì về họ đã được truyền thông "săm soi". Từ học vấn, năng lực, tới sức khỏe và tới những điều nhỏ hơn như trang phục, kiểu tóc...
Việc định hình các trang phục và kiểu tóc giờ đã trở nên phổ biến hơn trên chính trường Mỹ đương đại. Bộ trang phục trắng của bà Hillary tại Hội nghị của đảng Dân chủ đã được các nhà bình luận phân tích với rất nhiều cách, nào là một sự so sánh có ý thức với một ngọn hải đăng, một sự đồng thuận với trang phục trắng được những người tham gia phong trào quyền bầu cử của phụ nữ vẫn mặc...
Sự săm soi đối với đối thủ của bà Hillary, ông Donald Trump ở mức độ thấp hơn. Ông thường bị nhạo báng với các bộ trang phục màu gỗ hoàng dương, kiểu tóc và thậm chí cả cỡ tay của mình.
Ngoại hình của chính trị gia
Thật ngây ngô khi nói rằng trong chính trường, ngoại hình không quan trọng. Sự thực là các chính trị gia hiện đại đang dựa vào cả ngoại hình. Đây hoàn toàn không phải là một điều mới lạ. Trong thập kỷ 1960, khi các cuộc bầu cử trở thành sự kiện truyền hình, các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Nixon và Kennedy được xem như một cách để giành được chiến thắng.
Theo kết quả các cuộc nghiên cứu, ngoại hình chính trị gia đóng vai trò rất quan trọng. Cuộc nghiên cứu do Alexander Todorov thuộc trường Đại học Princeton xúc tiến năm 2006 cho thấy, khi xem ảnh của những ứng cử viên chính trị không quen thuộc, những người tham gia đã đoán được chính xác tới 70% các ứng viên trong các cuộc bầu cử của Thượng viện và Hạ viện.
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình
“Chúng ta đang sống trong một xã hội rất ảo. Thời trang là một ngôn ngữ toàn cầu và dù bạn có tin hay không thì đây là một trong những yếu tố gây ấn tượng đầu tiên và lâu dài" - Corey Roche, nhà tạo mẫu có nhiều khách hàng ở Hollywood và Washington nói.
Tiến sĩ Rebecca Arnold, giảng viên môn Lịch sử trang phục tại Viện Courtauld, cũng khẳng định, sự chú ý tới ngoại hình của các chính trị gia đã tăng lên rất nhiều trong kỷ nguyên mạng xã hội.
Tiến sĩ Arnold cho rằng vẫn có sự "trọng nam khinh nữ" trong cách nhìn nhận của công chúng. "Phụ nữ vẫn bị săm soi nhiều và họ thiếu những bộ cánh đặc trưng như vest của nam giới. Nhưng nên nhớ rằng đây không phải là đặc thù của các nữ chính trị gia. Phụ nữ nói chung vẫn bị phán xét khắt khe hơn trong những lựa chọn thời trang của mình".
Hiện trạng này một phần do bởi những khuôn mẫu chuẩn cho người phụ nữ quyền lực vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Lauren A Rothman, nhà tạo mẫu kiêm tác giả cuốn Style Bible: What To Wear To Work, cho rằng: “Chúng ta vẫn chưa có nhiều điển hình vẻ bề ngoài của những người phụ nữ quyền lực trông như thế nào và hy vọng sẽ có người phá vỡ các ranh giới”.
Truyền thống cho thấy các Đệ nhất phu nhân và vợ của các chính trị gia đã có những cách ăn mặc khá "mạo hiểm". Thủ tướng Đức Angela Merkel có chiều hướng ăn mặc khá nam tính. Đây cũng là "chiến lược" của Tổng thống Chile Michelle Bachelet, cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon.
Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng có "chiến thuật" khác hẳn khi bà thường dùng các chuỗi vòng ngọc và túi xách để tạo hình ảnh, trong khi cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner lại nổi tiếng với những bộ váy dài có ren đầy nữ tính. Giờ hai nữ chính khách Hillary Clinton và Theresa May đang thay đổi quan niệm một nhà lãnh đạo thế giới phải ăn mặc như thế nào.
Từ việc thích đọc tạp chí Vogue tới lựa chọn dây chuyền, giày và trang phục, việc quan tâm tới thời trang của nữ Thủ tướng Anh được "mổ xẻ" rất kỹ. Đây được xem là một thông điệp tích cực đối với phụ nữ trẻ tuổi, rằng dù đang nắm một trọng trách song người ta cũng vẫn phải quan tâm tới thời trang.
Thời trang trong cuộc “đấu khẩu”
Có thể bà Hillary không đặt nặng mối quan tâm tới trang phục như bà May, song chắc chắn bà đã nhận ra giá trị của nó trong việc xây dựng hình ảnh. Quan niệm về thời trang của bà Hillary đã thay đổi kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây nhất.
Hillary đã thuê Kristina Schake, trợ lý cũ của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, để giúp bà tạo dựng hình ảnh. Thêm nữa, bà còn ký hợp đồng với nghệ sĩ trang điểm từng làm việc cho Veep. Hillary còn xuất hiện trên tạp chí Vogue phiên bản của Mỹ, ấn phẩm mà trước đây bà hết sức tránh.
Không khí bầu cử tại Mỹ đang nóng lên từng ngày khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút.
“Trong lần tranh cử trước, phong cách ăn mặc của bà Hillary như đàn ông. Giờ ngoại hình của bà trông nữ tính hơn và trang phục là một cách để thể hiện điều đó. Nói theo một cách nào đó, thời trang đã trở thành vũ khí để bà Hillary kết hợp vào chiến lược chính trị của mình" - Rothman nói.
Trong khi đó, ông Trump lại "đang cố gắng ăn mặc theo khuôn mẫu của một chính khách. Chúng ta không hề thấy một bộ trang phục được may tinh tế nào và nhiều khi những bộ cánh của ông còn quá khổ. Trump đang chọn cách ăn mặc như một chính trị gia hơn là một nhà tài chính ở Phố Wall và điều đó góp phần giúp ông giành được sự ủng hộ của công chúng" – theo nhận định của Rothman.
Trước khi tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã hiểu rõ về tầm quan trọng của hình ảnh. Mái tóc và làn da rám nắng của ông đã bị chế giễu rất nhiều trong các thập kỷ qua, song đó lại là những dấu ấn của ông trong tâm trí của cử tri.
Song đúng theo suy đoán của Rothman, trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình, cả hai ứng viên Hillary và Trump không tạo hình ảnh gây sốc. Bà Hillary vẫn là âu phục (quần Tây và áo blazer). Còn ông Trump vẫn là bộ complet hơi quá khổ và mái tóc đã trở thành "thương hiệu".
Việt Lâm (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa