A+ A A- Kiểu đọc sách

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định xu thế cải cách dài hạn trong nền kinh tế không thay đổi

20:34 23/04/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ tăng cường đầu tư vào một loạt lĩnh vực, trong đó có mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), giao thông và năng lượng, cũng như thúc đẩy việc làm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang lao đao vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thị sát đầu tiên tới Vũ Hán

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thị sát đầu tiên tới Vũ Hán

Ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát đầu tiên tới thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khởi phát tại địa phương này hồi tháng 12 năm ngoái.

Phát biểu khi thăm tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng xu thế cải cách dài hạn trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, ông lưu ý Bắc Kinh sẽ có những bước đi nhằm đẩy mạnh nền kinh tế thực chất, đặt biệt là lĩnh vực sản xuất.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nỗ lực khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo đất nước đạt được những mục tiêu giảm nghèo và xây dựng một xã hội thịnh vượng.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ dần hồi phục sau khi sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua vào quý I/2020, song nguy cơ suy thoái vẫn cao nếu dịch COVID-19 diễn biến xấu đi.

Theo cuộc khảo sát trên, được thực hiện trong các ngày 20-22/4, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng 1,3% trong quý II/2020, sau khi ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý I/2020. Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát đã đưa ra các dự báo về tăng trưởng GDP quý II/2020 của Trung Quốc dao động từ -5% đến 5%, cho thấy hiện trạng kinh tế khá bất ổn của nước này.

Trong khi các quốc gia trên thế giới đang xem xét cách thức nới lỏng hạn chế đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, Trung Quốc hồi đầu tháng 4/2020 đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19, và thông báo sẽ khôi phục hoàn toàn các hoạt động giao thông vận tải đường sắt, đường không và vận chuyển hàng hóa vào cuối tháng 4 này.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho phép các nhà máy và doanh nghiệp khôi phục hoạt động, dẫn đến sự phục hồi lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 của ngành chế tạo Trung Quốc trong tháng 3/2020. Tuy vậy, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn xấu đi đáng kể với các đợt hạ mức xếp hạng tín nhiệm liên tiếp.

Nhà kinh tế Iris Pang của ING ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng các hoạt động kinh tế đã được khôi phục, song điều này không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc đang phục hồi lại mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo ông Iris Pang, chừng nào các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn được áp dụng, Trung Quốc còn phải nỗ lực để có thể hồi phục kinh tế nhanh chóng.

Ngoài ra, ông Iris Pang còn tỏ ra quan ngại về nguy cơ xảy ra đợt bùng phát trở lại của dịch COVID-19 do "các ca lây nhiễm nhập khẩu" từ châu Âu và Mỹ.

Tuy vậy, các nhà kinh tế nhìn chung vẫn dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào cuối năm 2020 với các mức tăng 5,3% và 6% trong hai quý cuối của năm nay, chỉ thấp hơn chút ít so với dự báo đưa ra vài tuần trước. Nhà phân tích kinh tế vĩ mô kỳ cựu Bingnan Ye của Bank of China International, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong cả năm 2020 mà ông đưa ra dựa trên giả định nhu cầu thế giới sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Phương Hoa - TTXVN

Từ khóa: Tập Cận Bình
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...