A+ A A- Kiểu đọc sách

Chủ tịch Tập đoàn HP mất chức vì bê bối tình ái

09:18 08/08/2010
loading...
(TT&VH) - Tập đoàn máy tính khổng lồ Hewlett-Packard (HP) vừa đồng ý để chủ tịch Mark Hurd từ chức sau một cuộc điều tra “quấy rối tình dục”. Giới phân tích đánh giá đây sẽ là một thiệt hại lớn với HP bởi Hurd chính là người đứng đằng sau sự thành công lớn của công ty, kể từ khi ông lên nắm quyền.

Làm tổn thương “tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh” của HP

Lời buộc tội xâm hại tình dục chống lại Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) Mark Hurd được một cựu đối tác marketing của HP đưa ra, nhân vật mà Hurd thừa nhận có “mối quan hệ cá nhân gần gũi”. Dựa vào đó, công ty đã mở một cuộc điều tra vào hành vi của Hurd. Kết luận điều tra cho thấy chính sách chống xâm hại tình dục của HP không bị xâm hại, nhưng tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh của họ đã bị tổn thương.


Cựu chủ tịch kiêm CEO HP Mark Hurd
Qua cuộc điều tra, HP thấy rằng Hurd đã làm giả một số báo cáo chi tiêu nhằm che giấu mối quan hệ với nhân vật bí mật này. Ông cũng can thiệp để người tình được nhận các khoản bồi dưỡng và công tác phí dù không thực sự đang làm các công việc mang lại lợi ích cho HP. Hãng đã từ chối không tiết lộ số lượng tiền đã bị Hurd và người tình tiêu mất nhưng khẳng định số tiền không hề lớn.

“Chúng tôi phải làm rõ điều này, số tiền chi tiêu mà chúng tôi đang nói tới không hề lớn với HP” - Mike Holston, đại diện pháp lý của HP tuyên bố - “Không phải lượng tiền đã khiến ban giám đốc đưa tới quyết định (Hurd phải ra đi). Công ty đã phải làm như thế dựa trên các vấn đề liên quan tới tính liêm khiết, uy tín và sự trung thực”.

HP sau đó ra thông cáo báo chí cho biết “Chủ tịch kiêm CEO Mark Hurd đã quyết định sẽ từ chức ngay lập tức”. Trong thông cáo, Hurd cũng nói rằng ông đã nhận ra rằng “có một số hoàn cảnh bản thân không đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức và các nguyên tắc về lòng tin, sự tôn trọng và tính liêm chính mà ông đã tán thành khi gia nhập HP”.

“Đây là một quyết định đau đớn mà tôi phải đưa ra sau 5 năm ở cùng HP, nhưng tôi tin sẽ rất khó khăn để tiếp tục là một lãnh đạo hiệu quả ở HP và tôi tin đây là quyết định duy nhất mà ban giám đốc và mình có thể đưa ra vào thời điểm này” - Hurd tuyên bố.

Cú sốc với các nhà đầu tư

Hurd đến với HP vào năm 2005, thời điểm công ty đang tìm cách loại bỏ CEO nổi tiếng Carly Fiorina. Khi đó, vụ “tiếm quyền” của ông Hurd đã gây sự chú ý lớn bởi bà Fiorina là một chuyên gia marketing hào nhoáng, nổi tiếng với thành tích giúp HP mua lại công ty Compaq hồi năm 2002. Còn Hurd khi đó gần như là một kẻ vô danh, tới từ tập đoàn NCR Corp. với chiến tích dĩ nhiên là kém nổi hơn.

Nhưng Hurd nhanh chóng chứng minh bản thân là một nhà lãnh đạo tài ba. Chưa đầy một năm sau khi nắm ghế CEO, Hurd tiếp tục nắm ghế chủ tịch. Nguyên nhân do vào tháng 9/2006, trong quá trình điều tra vụ rò rỉ thông tin mật của HP cho báo giới, Chủ tịch HP Patricia Dunn được phát hiện có hành động vi phạm luật khi thuê người lén ghi âm các cuộc nói chuyện của những đối tượng nghi vấn. Hậu quả của việc này là Chủ tịch Dunn phải khăn gói ra đi.

Dưới thời Hurd, HP đã lấy lại sự ổn định. Phong cách quản lý năng động và dứt khoát của Mark Hurd là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư Phố Wall rất tin tưởng ông. Trong vòng 4 năm, Hurd đã đưa HP từ một công ty tầm tầm trở thành Tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Liên tục trong các năm tài khóa 2006 và 2009, HP đã tăng thu nhập thường niên từ 91,6 tỉ USD lên 114,6 tỉ USD, vượt xa tập đoàn IBM, và tăng gấp đôi khoản tiền thu được từ cổ phiếu. Ngay cả trong năm tài khóa 2009 đầy thách thức, Hurd vẫn hạn chế những tổn thất tài chính lớn của HP.

Hàng loạt các hợp đồng “tỉ đô” đã được ký kết và tới tháng 4 năm nay, HP đã công bố kế hoạch mua hãng Palm trong một thương vụ trị giá 1,2 tỉ USD. Trước khi Hurd từ chức một hôm, HP cũng đã thông báo kết quả kinh doanh trong quý 3 với những con số cao hơn mong đợi.

Sự ra đi của Hurd vì thế được xem là cú sốc lớn với các nhà đầu tư, những người đã coi ông là người đóng vai trò chủ đạo giúp HP sống dậy. Cổ phiếu HP lập tức tụt đi tới 10%, bất chấp việc công ty công bố doanh số trong quý 2 là 30,7 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với kỳ vọng.

Hiện HP đã chọn Giám đốc điều hành tài chính Cathie Lesjak là CEO tạm quyền của công ty. Bà Lesjak, người đã phục vụ HP trong 24 năm qua, đã từ chối việc chính thức nắm ghế CEO và sẽ điều hành HP cho tới khi công ty tìm được thủ lĩnh mới.

Gia Bảo
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...