Chủ tịch Hạ viện Mỹ đề nghị thành lập ủy ban đánh giá khả năng lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đệ trình một dự luật đề nghị thành lập một ủy ban đánh giá khả năng điều hành đất nước của Tổng thống Donald Trump. Đây là một động thái gây quan ngại khi hiện chỉ còn hơn 3 tuần nữa là tới ngày bầu cử tổng thống 3/11 tới và ông Trump vừa trải qua đợt điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dự luật gồm nội dung về thành lập một ủy ban đánh giá về khả năng của tổng thống trong việc thực hiện thẩm quyền và nhiệm vụ của mình tại nhiệm sở. Ủy ban này sẽ gồm 16 thành viên thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, là các chuyên gia y tế và các cựu quan chức thuộc nhánh hành pháp. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự luật này sẽ khó có thể được thông qua tại Thượng viện, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, để được ban hành thành luật.
Nếu được thành lập, ủy ban nói trên sẽ hoàn tất một tiến trình theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1967, sau khi cố Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng dự luật này sẽ duy trì “sự ổn định nếu một tổng thống gặp một vấn đề về thể chất hoặc tinh thần”, và cung cấp chỉ dẫn cho việc chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống trong trường hợp cần thiết.
- Tổng thống Donald Trump tuyên bố không tranh luận với ông Joe Biden kiểu trực tuyến
- Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất viện sau ba ngày điều trị Covid-19
Trước đó, ngày 8/10, bà Pelosi cho biết các thành viên đảng Dân chủ đang lên kế hoạch thảo luận về Tu chính án thứ 25, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về nội dung thảo luận. Bà đồng thời Tổng thống Trump công bố kết quả kiểm tra sức khỏe mới nhất của mình.
Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ quy định “bất cứ khi nào Phó Tổng thống và đa số thành viên nội các đệ trình cho Chủ tịch lâm thời Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện bản tường trình viết tay rằng tổng thống đương nhiệm không có khả năng gánh vác quyền hạn và trọng trách của nhiệm sở, Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức nắm quyền với tư cách quyền Tổng thống”. Trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm muốn chống lại động thái của Phó Tổng thống, thì cần phải có được sự ủng hộ của đa số quan chức trong chính quyền cũng như các nghị sĩ tại hai viện quốc hội.
Phạm Ngọc Ánh/TTXVN