Chủ nghĩa cực đoan đe dọa Ukraine hơn lực lượng ly khai?
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, trung tâm thành phố Kiev của Ukraine đã trở thành một chốn đẫm máu, đầy người chết và bị thương. Người ta tưởng như cuộc xung đột tại khu vực miền Đông đã đột ngột chuyển tới thủ đô nước này vậy.
Một vụ nổ đã xuất hiện, trong cuộc biểu tình chống kế hoạch trao thêm quyền tự trị cho phe miền Đông Ukraine, đã khiến 3 thành viên lực lượng vệ binh quốc gia thiệt mạng, hơn 140 người bị thương. Những người thiệt mạng đều rất trẻ, trong độ tuổi 20.
Các lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền
Sự kiện đã làm nóng lại cuộc tranh luận về vai trò, ảnh hưởng của các đảng cực hữu cũng như các chiến binh tình nguyện tại Ukraine, trong cuộc đối đầu với quân miền Đông. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã lên án vụ tấn công là hành động "chống Ukraine".
Đây là những cái chết đầu tiên ở Kiev có liên quan tới chính trị, kể từ khi bắt đầu nổ ra những cuộc bạo động trong tháng 2 năm ngoái, làm hơn 100 người chết. Nhà chức trách đã quy trách nhiệm về phía Ihor Humenyuk, một chiến binh thuộc Tiểu đoàn tình nguyện Sich.
Sich nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ khá mạnh với đảng cực hữu mang tên Tự do. Đảng này cũng là một trong những nhà tổ chức chính của cuộc biểu tình diễn ra vào tuần trước.
Các nhà hoạt động của đảng Tự do, gồm lãnh đạo Oleh Tyahnybok, đã hiện diện trên tuyến đầu tại màn đụng độ với cảnh sát. Trong lúc đôi bên giằng co với nhau, một vật thể giống như lựu đạn được ném về phía cảnh sát. Tiếng nổ vang lên không lâu sau đó.
Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk lập tức tuyên bố rằng những kẻ cực hữu còn "tồi tệ hơn" cả các tay súng đòi ly khai ở miền Đông, bởi chúng muốn "mở mặt trận thứ hai" ở Ukraine, nhân danh lòng yêu nước. Hiện đã có 16 người bị bắt vì có liên quan tới vụ việc, gồm cả Humenyuk. Một số kẻ khác như Tyahnybok sẽ bị thẩm vấn.
Cá nhân Humenyuk đã chối bỏ việc có ném lựu đạn về phía cảnh sát. Các thành viên đảng Tự do cũng không thừa nhận bất kỳ trách nhiệm nào. Họ còn cáo buộc chính quyền đã dàn xếp một cuộc "săn phù thủy" chống lại mình.
Vụ nổ diễn ra chỉ vài tuần sau sự kiện khác có liên quan tới một kẻ số cực hữu. Lần đó, các thành viên Tiểu đoàn tình nguyện Right Sector đã đọ súng với cảnh sát ở Tây Nam Ukraine.
Hiện có vài chục nhóm tình nguyện ở Ukraine, như Tiểu đoàn Sich và Right Sector, cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho chính quyền trong cuộc chiến chống quân miền Đông. Trong số đó, 11 có liên quan tới các đảng phái hoặc tổ chức chính trị. Ít nhất 7 nhóm có quan hệ với các lực lượng cực hữu.
Dù các nhóm này đã được tích hợp vào hệ thống của chính quyền, nhiều người băn khoăn tự hỏi không rõ Kiev có quyền kiểm soát tới đâu với họ.
Ngoài ra, dù đa số các chiến binh của những nhóm tình nguyện này không mang tư tưởng cực đoan cánh hữu, chắc chắn vẫn có sự tồn tại của những kẻ cực đoan trong hàng ngũ - thường thể hiện rõ qua các hình xăm và áo phông mà chúng mặc.
Lãnh đạo của các nhóm tình nguyện như Sich đã tuyên bố rằng họ không có động cơ chính trị và không có ý định lạm dụng vũ lực. "Chúng tôi không có kế hoạch dùng vũ khí tự động tiến tới Kiev" - Chỉ huy Tiểu đoàn Sich là Olexander Pisarenko nói với hãng tin BBC.
Đã tới lúc phải ra tay trấn áp?
Hiện ít người tin rằng những kẻ cực hữu có thể đe dọa về mặt chính trị với chính quyền Ukraine. Những nhóm như Freedom và Right Sector vẫn chỉ là các "lực lượng chính trị bên lề".
Tuy nhiên khung cảnh chính trị ở Ukraine có thể thay đổi khi mùa Đông lạnh giá tới gần. Nền kinh tế Ukraine đang suy thoái và các hoạt động cải cách đau đớn như nâng giá điện, nước sẽ được thực hiện trong mùa Thu này. Ngoài ra những vẫn đề như tăng quyền cho các khu vực miền Đông Ukraine đã khiến nhiều người không hài lòng. Các điều này mang tới cơ hội để lực lượng cực hữu trỗi dậy.
Cần nhấn mạnh rằng, hiện nay, cơ hội để thực hiện một cuộc bạo loạn, lật đổ chính quyền Kiev bằng vũ lực là rất xa vời. Nhưng ngay cả khi các tiểu đoàn tình nguyện kể trên đã bị loại khỏi sân chơi chính trị, chúng vẫn có những cá nhân với khả năng gây họa.
Hiện không ít thành viên trong các tiểu đoàn này đang tức giận. Họ cáo buộc chính quyền đã xử lý sai lầm cuộc xung đột với quân miền Đông, khiến nhiều kẻ bỏ mạng ngoài chiến trường. Trái với các chỉ huy, vài chiến binh trong những tiểu đoàn tình nguyện đã nói tới việc tiến tới Kiev để biểu tình nếu cần thiết. Có kẻ còn lên YouTube bàn về chuyện tổ chức các vụ khủng bố.
Chính quyền Ukraine từng có ý định kiềm chế những kẻ cực đoan, nhưng không thành. Ví dụ như nhóm Right Sector vẫn gần như nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền, bất chấp việc họ thường xuyên đối đầu với lực lượng bảo vệ pháp luật của Kiev.
Nhưng với việc có 3 vệ binh quốc gia còn rất trẻ thiệt mạng, thái độ của xã hội Ukraine có thể thay đổi và người dân sẽ đòi chính quyền phải hành động, mạnh tay hơn với phong trào cực hữu.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa