Chính phủ Nhật Bản xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19 vào cuối tháng này
(Thethaovanhoa.vn) - Với việc tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến theo hướng tích cực ở nhiều địa phương trong cả nước, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương vào cuối tháng này.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu tại họp báo ngày 21/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, số ca mắc mới COVID-19 đang giảm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, chính phủ sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp đối với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hiện nay, trước thời điểm hết hạn vào ngày 30/9.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Norihisa Tamura cũng xác nhận hệ thống cung cấp dịch vụ y tế chăm sóc cho các bệnh nhân mắc COVID-19 đã được cải thiện đáng kể so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Osaka, Tokyo, tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn ở mức cao.
Do đó, về lâu dài, chính phủ và chính quyền các địa phương vẫn nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng tốt nhất về nhu cầu y tế của người dân trong điều kiện dịch bệnh vẫn có khả năng diễn biến phức tạp. Việc đảm bảo giường bệnh dành riêng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như bố trí các trạm cung cấp oxy tại các tỉnh, thành phố vẫn phải được ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
Những chuyển biến tích cực trên một phần lớn đến từ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh. Tính đến hết ngày 21/9, đã có khoảng 66,5% người dân Nhật Bản tiêm 1 mũi, trong đó 54,4% đã hoàn thành tiêm 2 mũi và trên 90% người cao tuổi trong cả nước đã tiêm ít nhất 1 mũi.
- Nhật Bản lần đầu ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới một ngày
- Nhật Bản phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể Lambda
Các chuyên gia y tế Nhật Bản cho rằng chính phủ cần phân loại rõ từng khu vực, từng địa phương để đưa ra quyết định tiếp tục hoặc dỡ bỏ áp dụng tình trạng khẩn cấp, hay chuyển sang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm. Những tỉnh, thành phố nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về năng lực cung cấp dịch vụ y tế và tình trạng lây nhiễm COVID-19 được cải thiện thì có thể xem xét dỡ bỏ hoàn toàn.
Còn những khu vực chỉ đáp ứng được một phần các tiêu chí này thì có thể chuyển sang áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, trên cơ sở cảnh giác cao khả năng tái bùng phát dịch bệnh.
Hiện Nhật Bản đang duy trì tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương, trong đó có Tokyo và Osaka, cũng như áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 8 địa phương khác. Dự kiến, sau cuộc họp với các bộ phận liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 28/9 tới.
Phạm Tuân/TTXVN