loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/10/2019 đã được trông đợi là một ngày “Siêu Thứ Bảy” với những tranh cãi và đồn đoán dồn dập về khả năng thỏa thuận Brexit mới sẽ được thông qua tại Hạ viện Anh, đặt một dấu mốc lịch sử cho cuộc chia tay giữa “xứ sở sương mù” và Liên minh châu Âu (EU).
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiều 17/10 đã nhất trí thông qua thỏa thuận Brexit mới với chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Nhưng cuối cùng điều đó đã không - hoặc ít nhất là chưa - xảy ra. Và sau màn diễn biến “phản cao trào” đầy chưng hửng mà người ta vẫn gặp ở những bộ phim truyền hình nhiều tập được đặt quá nhiều kỳ vọng, dư luận sẽ phải chờ ít nhất đến ngày “Siêu Thứ Ba” 22/10/2019 mới biết liệu nước Anh có rời EU vào ngày 31/10/2019 tới như thời hạn hiện tại hay không.
Khí thế “thừa thắng xông lên” của Thủ tướng Boris Johnson sau khi đạt được thỏa thuận mới với EU vài ngày trước đã bị "giội một gáo nước lạnh" trong phiên họp đặc biệt đầu tiên vào một ngày cuối tuần của Nghị viện Anh suốt 37 năm qua. Với 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật bổ sung về việc “hoãn” bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mới cho đến chừng nào ban hành được các điều luật cần thiết để thực thi thỏa thuận trên. Tính toán của ông Johnson về việc thông qua thỏa thuận Brexit tại hạ viện đã thất bại chỉ vì một lý do đơn giản: Các nghị sĩ Hạ viện Anh, ít nhất là 322 người, không tin Thủ tướng và đội ngũ cố vấn của ông này sẽ không tìm cách thực hiện Brexit không thỏa thuận. Những nhân vật chủ chốt gây ra thất bại mới nhất của Thủ tướng Anh chính là những nghị sĩ Bảo thủ đã bị ông khai trừ khỏi đảng ngay khi mới lên cầm quyền vì ủng hộ phe đối lập trong việc thông qua điều luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.
Những người này vốn dĩ vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận Brexit của chính phủ, nhưng lại không tin tưởng Thủ tướng Johnson và đội ngũ thân cận của ông này trong và ngoài nội các sẽ không tìm cách “lách luật” để đẩy nước Anh vào kịch bản Brexit không thỏa thuận. Dự luật được Hạ viện Anh thông qua về việc hoãn bỏ phiếu thỏa thuận Brexit mới mang tên ông Oliver Letwin - một nghị sĩ Bảo thủ kỳ cựu trong nhóm bị Thủ tướng Johnson khai trừ.
Tất nhiên trong số những người bỏ phiếu ủng hộ hoãn thông qua thỏa thuận Brexit mới có các nghị sĩ thuộc đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland (DUP), vốn đang là đồng minh với đảng Bảo thủ trong liên minh cầm quyền. Ông Johnson đã mất đi sự ủng hộ lúc đầu của DUP sau khi chấp nhận nhượng bộ EU về việc thiết lập một biên giới hải quan trên biển Ireland, qua đó khiến khu vực Bắc Ireland hưởng một quy chế luật pháp khác với các vùng còn lại của Vương quốc Anh. Trước khi trở thành người đứng đầu đảng Bảo thủ và thủ tướng, chính ông Johnson đã khẳng định không có lãnh đạo Anh nào lại chấp nhận nhượng bộ trên. Nhưng cuối cùng thì chính ông cũng được xếp vào danh sách các lãnh đạo Bảo thủ bị buộc tội đã “bán đứng” những người Bắc Ireland theo đường lối liên minh với phần còn lại của Vương quốc Anh. Và cái giá mà Thủ tướng Anh phải trả chính là 10 lá phiếu của các nghị sĩ DUP - mà lẽ ra thừa đủ để dự luật Oliver Letwin không được thông qua, cùng với đó, thỏa thuận Brexit đã không được bỏ phiếu phê chuẩn ngay trong ngày 19/10, thay vào đó phải chờ đợi tiếp sang tuần tới với rất nhiều rủi ro và áp lực.
Thách thức với Thủ tướng Anh lúc này là làm thế nào để cụ thể hóa được thỏa thuận Brexit đạt được khá vội vàng với EU ngày 17/10 thành những điều luật thực thi chặt chẽ có thể được Hạ viện Anh chấp thuận trong phiên họp ngày Thứ Ba 22/10 tới. Ông Johnson đã mất đi hai vũ khí quan trọng trong nỗ lực thông qua thỏa thuận và thực hiện Brexit trước ngày 31/10, đó là “đà chiến thắng” và áp lực đe dọa kịch bản Brexit không thỏa thuận với các nghị sĩ. Càng có thêm thời gian để mổ xẻ và nghiên cứu thỏa thuận Brexit từ nay đến ngày 22/10, không loại trừ khả năng phe đối lập và những người phản đối ông Johnson sẽ càng “bới bèo ra bọ” và lôi ra được những điểm gây tranh cãi mới trong thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh vẫn còn nguyên cơ hội thông qua được thỏa thuận Brexit trong tuần tới và thực hiện đúng cam kết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10. Giống như tên phần phim “Chết vào một ngày khác” trong loạt phim về siêu điệp viên 007 James Bond (Giêm Bon) của nước Anh, việc hoãn bỏ phiếu là một bước thụt lùi nhưng chưa phải dấu chấm hết cho hy vọng thông qua thỏa thuận Brexit. Khoảng cách 306-322 không hề lớn, và một số nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ hoãn thông qua thỏa thuận Brexit thực ra lại không hề phản đối nội dung của thỏa thuận này. Họ đơn giản chỉ bỏ phiếu để loại trừ khả năng chính phủ lợi dụng kẽ hở pháp lý nhằm thực hiện Brexit không thỏa thuận. Sau khi đã có được sự bảo đảm này, nhiều khả năng sẽ có thêm nghị sĩ quay sang ủng hộ Thủ tướng Anh. Con số ủng hộ và phản đối vẫn sẽ rất sít sao, nhưng ít nhất thì khả năng chiến thắng cũng vẫn còn nguyên vẹn.
Với diễn biến mới nhất này, chính trường nước Anh vẫn tiếp tục tình trạng bế tắc và chia rẽ hơn bao giờ hết. Đã có hai thỏa thuận Brexit khác nhau được trình ra Hạ viện Anh trong vòng 2 năm qua. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) thất bại đến 3 lần, và giờ đến lượt ông Boris Johnson. Các phe nhóm tại hạ viện quá bất đồng và chia rẽ để có thể đạt được ủng hộ đa số cho bất kỳ thỏa thuận nào với cơ cấu nghị sĩ hiện tại. Việc thiếu vắng một Hiến pháp thống nhất cùng các quy trình và thủ tục chính trị rối rắm tạo ra quá nhiều kẽ hở mà các nghị sĩ lão luyện có thể sử dụng để gây cản trở cho chính phủ. Điều trớ trêu là những người có khả năng nhất trong việc đưa nước Anh ra khỏi “mớ bòng bong” hiện tại lại ở Brussels chứ không phải ở London. Về lý thuyết, EU chỉ cần từ chối thẳng thừng đề nghị gia hạn Brexit và buộc Hạ viện Anh phải lựa chọn chấp nhận ủng hộ ông Johnson nếu không muốn Brexit không thỏa thuận. Nhưng ít có khả năng EU sẽ lựa chọn cách đi ngược lại ý chí của một cơ quan lập pháp một nền dân chủ lâu đời như nước Anh. Khả năng EU chấp thuận kéo dài Brexit sau ngày 31/10 là hoàn toàn có thể, bất chấp các tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo khối này.
Nếu Hạ viện Anh không thông qua được thỏa thuận Brexit trong tuần tới, triển vọng nước Anh có hạ viện và chính phủ mới ngay trước Giáng sinh năm nay cũng cao hơn rất nhiều. Dù có nhiều toan tính khác nhau, nhưng không loại trừ việc các đảng đối lập sẽ chấp thuận tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với chính phủ và trao cho Thủ tướng Johnson một cuộc bầu cử sớm mà ông này đang mong đợi. Điều xảy ra sau đó sẽ là một trong những cuộc bầu cử có kết quả chia rẽ nhất trong nhiều năm qua. Ông Johnson sẽ có dịp áp dụng chiến thuật thành công của người đồng nhiệm bên kia bờ Đại Tây Dương là Tổng thống Mỹ Donald Trump khi vận động tranh cử với luận điểm mình là đại diện cho ý chí của người dân chống lại các thể chế chính trị già cỗi. Nếu giành thắng lợi, ông Johnson và đảng Bảo thủ sẽ có đủ đa số ghế để thông qua thỏa thuận Brexit hiện tại. Còn nếu không thì khả năng sẽ lại có một cuộc trưng cầu dân ý khác, trong đó không loại trừ tiến trình Brexit sẽ bị đảo ngược. Ngày 19/10, trong khi các nghị sĩ Anh đang tranh cãi nảy lửa trong điện Westminster thì ngoài Quảng trường Nghị viện diễn ra cuộc tuần hành của khoảng 1 triệu người phản đối Brexit. Rất nhiều trong số họ mang theo cờ EU – cảnh tượng hầu như không mấy khi được nhìn thấy ở Anh trước cuộc trưng cầu dân ý định mệnh năm 2016.
TTXVN
loading...