Cháy rừng tại Australia: Hơn 180 người bị bắt vi cố ý gây hỏa hoạn
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/1, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Papua New Guinea (PNG) đã điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison đề nghị cung cấp các hỗ trợ cần thiết trong nỗ lực đối phó với đợt cháy rừng nghiêm trọng tại nước này, hiện đã làm 25 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, và thiêu rụi hơn 8 triệu ha rừng (tương đương diện tích của nước Áo).
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Morrison, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ tình đoàn kết với người dân Australia đang phải đối mặt với các vụ cháy rừng nghiêm trọng tàn phá đất nước; khẳng định ông sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo thế giới cung cấp các hỗ trợ cho Australia, bao gồm lực lượng cứu hỏa, bảo vệ người dân bị ảnh hưởng, bảo tồn đa dạng sinh học...
Trong cuộc điện đàm với ông Morrison, Thủ tướng PNG James Marape đã bày tỏ "chia buồn và chia sẻ đối với những thời khắc khó khăn” mà Australia đang phải trải qua, và đề nghị cử 1.000 binh sĩ quân đội và lính cứu hỏa tới Australia hỗ trợ dập lửa.
Trong những ngày qua, Mỹ và Canada đã tích cực giúp Australia ứng phó với cháy rừng, trong khi New Zealand và Singapore đã đề nghị hỗ trợ. Ngày 6/1, đáp lại kêu gọi giúp đỡ của Chính phủ liên bang Australia và các tiểu bang đang bị “giặc lửa” hoành hành, Mỹ điều một đội lính cứu hỏa mới đến Australia. Trung tâm điều phối chữa cháy quốc gia của Mỹ thông báo cử thêm 20 lính cứu hỏa kỳ cựu từ California, nâng tổng số tình nguyện viên cứu hỏa của nước này tới hỗ trợ Australia lên 81 người. Tương tự, hai đội lính cứu hỏa của Canada dự kiến sẽ có mặt tại Australia trong những ngày tới, nâng tổng số tình nguyện viên cứu hỏa lên 95 người.
Bên cạnh công tác cứu hỏa, phong trào quyên góp, ủng hộ các nạn nhân cháy rừng tại Australia cũng đang lan rộng trên khắp thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã quyên góp những số tiền rất lớn và kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ.
"Mùa cháy rừng" năm nay ở Australia bắt đầu sớm hơn, đồng thời được dự báo sẽ kéo dài hơn, cũng như gây hậu quả tàn khốc hơn so với các năm trước. Tình trạng hạn hán kéo dài suốt 3 năm qua đã khiến các khu vực rộng lớn ở miền Đông và miền Tây của Australia dễ bị hỏa hoạn hơn. Những đám khói cháy rừng ở Australia có thể nhìn thấy được từ Chile và Argentina, cách đó hơn 12.000km. Theo người đứng đầu Cơ quan Khí tượng Chile, Patricio Urra, khói bốc lên cao hơn mực nước biển khoảng 6.000m. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Argentina công bố các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những đám mây khói đang di chuyển từ Tây sang Đông và dự báo có thể đến bang Rio Grande del Sur ở Brazil.
Hội đồng Bảo hiểm Australia ngày 7/1 ước tính mức yêu cầu bồi thường do cháy rừng đã lên hơn 700 triệu AUD (hơn 485 triệu USD), con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao vì nhiều khu vực bị cháy vẫn chưa thể tiếp cận được. Dự kiến Thủ tướng Morrison sẽ nhóm họp với các thống đốc ngân hàng và lãnh đạo công ty bảo hiểm để thảo luận về cuộc khủng hoảng này.
Từ đầu tháng 11/2019, thời điểm khởi đầu mùa cháy rừng, cảnh sát Australia đã bắt giữ 183 người với cáo buộc cố ý gây hỏa hoạn ở các bang Queensland, New South Wales, Victoria, Nam Australia và Tasmania. Theo thống kê, riêng trong khu vực Shoalhaven của bang NSW, từ tháng 7 - 9/2019 có tới 27 đám cháy rừng do con người cố ý gây ra. Cảnh sát bang Queensland cho biết trong những tháng qua đã phát hiện 101 người đốt lửa trong rừng, trong đó có 32 người lớn và 69 trẻ vị thành niên. Tương tự, 5 người bị bắt quả tang đốt thảm thực vật tại bang Tasmania và 43 người bị cáo buộc gây ra hỏa hoạn tại bang Victoria.
Phó Giáo sư Janet Stanley, Đại học Melbourne, cho biết những đối tượng gây cháy rừng thường là nam thanh niên từ 12 đến 24 tuổi, hoặc những người đàn ông trong độ tuổi 60. Những đối tượng này nhìn chung có hoàn cảnh đặc biệt, không được giáo dục đầy đủ và thường phải chịu đựng sự bỏ bê hay lạm dụng khi còn nhỏ, nhiều người thất nghiệp. Cũng theo Phó Giáo sư Stanley, ranh giới giữa vô tình và cố ý gây hỏa hoạn không thật rõ ràng vì nhiều đối tượng cố ý đốt lửa không chủ định gây thảm họa.
Trong khi đó, Giáo sư James Ogloff, Giám đốc Trung tâm Khoa học Hành vi Pháp y của Đại học Swinburne, cho biết khoảng 50% các đám cháy rừng là do con người gây ra.
Diệu Linh - Nguyễn Minh