loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các nước khu vực châu Á đã bắt đầu thực hiện các biện pháp nới lỏng hạn chế để mở cửa đón du khách quốc tế trở lại thời gian tới.
Hẳn vì có ấn tượng tốt đẹp trong lần tới Việt Nam trước và nhất là cảm động trước ca khúc fan Việt dành tặng riêng anh nên nếu được đi du lịch, Jimin muốn tới Việt Nam đầu tiên!
Theo công bố mới nhất của ForwardKeys, số chuyến bay quốc tế đến các điểm đến châu Âu trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua đạt 39,9% mức trước đại dịch. Kết quả này có vẻ tốt hơn con số 26,6% của năm 2020. Nhìn sang châu Á, các nước trong khu vực đang tìm giải pháp nhằm "nới lỏng" hạn chế để có thể đón khách quốc tế trở lại.
Tại diễn đàn "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch" do Bộ VHTT&DL tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành du lịch phải làm cho du lịch đi vững trên đôi chân của mình, trong đó chú ý thị trường nội địa và tiếp đó là thị trường quốc tế khi có điều kiện. Bài học từ các nước châu Á có thể là kinh nghiệm cho Việt Nam khi thí điểm mở cửa du lịch trở lại.
Nhật Bản: Doanh thu ngành du lịch tăng mạnh nhờ Olympic Tokyo 2020
Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết doanh thu của 46 công ty du lịch lớn trong tháng 7/2021 đã tăng 214,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ nhu cầu tăng cao trong dịp tổ chức Olympic Tokyo 2020 (diễn ra từ 23/7 – 8/8). Sự kiện đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho ngành du lịch Nhật Bản. Cụ thể, ượng khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản trong tháng 7/2021 đạt 51.100 lượt, tăng đột biến so với con số 9.300 lượt của tháng 6/2021 và 3.782 lượt trong tháng 7/2020.
Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết doanh số bán hàng của du lịch inbound đã tăng tới 2.883,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27,6 tỷ JPY, thậm chí tăng 155,1% so với hai năm 2019 do nhu cầu tăng cao trong dịp Olympic Tokyo. Doanh thu du lịch nội địa tăng 160,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 78,7 tỷ JPY (giảm 65,3% so với năm 2019). Doanh thu về du lịch nước ngoài (outbound) tăng 278,5% lên 5,3 tỷ JPY (giảm 96,8% so với năm 2019). Nhìn chung, các doanh nghiệp du lịch phụ thuộc vào hoạt động outbound vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sau khi Olympic Tokyo kết thúc vào đầu tháng 8/2021, lượng khách quốc tế đến Nhật Bản tháng 8 đã giảm 50% so với tháng 7, xuống còn 25.900 lượt. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn nhiều so với 8.658 lượt khách hồi tháng 8/2020. Thực tế, lượng khách quốc tế đến Nhật Bản còn thấp do nước này vẫn chưa chấp nhận đón khách du lịch bằng chứng nhận tiêm chủng.
Nepal không kiểm dịch du khách quốc tế đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ
Nepal đã bắt đầu nối lại việc cấp thị thực (visa) cho tất cả khách du lịch đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Tất cả du khách tới Nepal vẫn sẽ phải xét nghiệm Covid-19 ngay khi nhập cảnh. Với những du khách chưa tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thì phải cách ly trong vòng 10 ngày. Quyết định này được đưa ra đúng thời điểm bắt đầu mùa leo núi vào mùa thu khiến niều người hy vọng sẽ mang du khách trở lại.
“Quá nhiều người mất việc làm và sinh kế. Quyết định này vô cùng quan trọng với tất cả chúng tôi và chúng tôi hy vọng ít nhất cũng có một số du khách quay lại” - ông Nabin Trital, một hướng dẫn viên leo núi cho biết.
Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Bộ Du lịch Nepal Tara Nath Adhikari cho biết quyết định nối lại việc cấp thị thực là nhằm mở cửa trở lại ngành du lịch, vốn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Nepal. Hiệp hội Leo núi Nepal (NMA) cũng nhận định đây là quyết định rất quan trọng, có thể giúp gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến nước này.
Do khách quốc tế là một trong những nguồn thu chủ yếu cho Nepal, quyết định đóng cửa đất nước do đại dịch Covid-19 hồi tháng 3 năm ngoái đã gây thiệt hại kinh tế ước tính hàng trăm triệu USD, đồng thời tác động mạnh tới khoảng 800.000 người làm việc trong ngành du lịch tại quốc gia Nam Á này.
Khu vực Nam Á phụ thuộc nhiều vào du lịch, với khoảng 47 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới công bố năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã buộc các nước phải đóng cửa các bãi biển và khu du lịch trên núi, khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm mạnh. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
|
Ấn Độ: Cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch
Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nepal là Ấn Độ dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa. Hiện Ấn Độ đang đàm phán với các hãng hàng không quốc tế để lên lịch trình nối lại các chuyến bay giữa nước này và các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Trên thực tế, du lịch Việt Nam - Ấn Độ mới nở rộ trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi có các đường bay thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên hợp tác du lịch hai nước cũng không tránh khỏi những tác động chung toàn cầu do đại dịch Covid-19. Làm thế nào để khôi phục và thúc đẩy du lịch giữa hai nước trong điều kiện bình thường mới hậu Covid-19 là câu hỏi được thảo luận rộng rãi tại Hội thảo trực tuyến “Triển vọng du lịch Việt Nam - Ấn Độ thời hậu Covid-19” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với báo The Policy Times và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Ấn Độ (MIICCIA) tổ chức mới đây.
Tham dự cuộc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, đưa ra một số đề xuất để xem xét thảo luận từ góc độ kinh doanh, như xây dựng chính sách linh hoạt về đặt cọc, hoãn, hủy tour cho du khách; các hãng hàng không, hãng lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần hợp tác chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin cùng vượt qua khó khăn; hợp tác chuẩn bị kế hoạch thiết lập các hành lang du lịch để thúc đẩy du lịch an toàn hậu Covid-19.
Theo ông, trong thời kỳ hậu đại dịch, các cơ quan quản lý du lịch quốc gia và địa phương, các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp của hai quốc gia cần hợp tác để vượt qua những thách thức từ việc ngăn ngừa Covid-19, cũng như khám phá và tận dụng các cơ hội để mở cửa trở lại, thu hút đầu tư, giao lưu quốc tế, mở rộng kết nối hàng không, dỡ bỏ các rào cản do sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực, tôn giáo tín ngưỡng và cải thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch...
Đông Nam Á: Bài toán khó phục hồi du lịch hậu dịch Covid-19
Với chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, các quốc gia Đông Nam Á đang từng bước tìm hướng nới lỏng các biện pháp chống dịch phù hợp, bao gồm cả việc dần nối lại các hoạt động du lịch.
Ngày 17/9 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Du lịch nước này cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 nhập cảnh vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày. Theo người đứng đầu chính phủ Campuchia, việc khôi phục trở lại ngành công nghiệp du lịch nên thực hiện theo 2 bước. Đầu tiên là hướng tới du lịch nội địa. Bước tiếp theo, sẽ cho phép những du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine được nhập cảnh với thời gian cách ly 7 ngày.
Trong thời gian cách ly, du khách thuộc diện này sẽ không bị hạn chế lưu trú trong khách sạn, mà có thể đi lại trong khu vực nơi họ đến theo sự sắp xếp của Bộ chủ quản hoặc chính quyền địa phương. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen gợi ý rằng trong kịch bản này, nếu du khách tới trung tâm du lịch Siem Reap, trong phạm vi hành chính của tỉnh, họ có thể đi thăm các đền đài nổi tiếng tại đây.
Ngành du lịch Campuchia trước đại dịch Covid-19 từng đóng góp tới 11,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, nhưng hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 1-7/2021, đã có thêm 527 doanh nghiệp lữ hành Campuchia buộc phải đóng cửa hoàn toàn trong tổng số 3.389 công ty thuộc lĩnh vực này đã phải tạm dừng hoạt động kể từ đầu năm 2020.
Chưa công bố kế hoạch đón khách du lịch quốc tế, nhưng Malaysia - một địa điểm du lịch yêu thích của người Việt - cũng đã có kế hoạch "phục hồi" du lịch nội địa. Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri cho biết khu giải trí Genting, thành phố cổ Melaka và đảo Tioman sẽ tham gia vào "bong bóng du lịch" và có thể mở cửa đón du khách trở lại vào ngày 1/10 tới đây. Bà cũng cho biết nhiều địa điểm sẽ sớm được thêm vào "bong bóng du lịch" nội địa.
Trước đó, ngày 16/9, Langkawi đã trở thành địa điểm đầu tiên đón du khách tham quan trở lại sau thời gian dài Malaysia áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ. Các hoạt động được phép ở Langkawi bao gồm bãi biển và các hoạt động dưới nước, chơi golf, đạp xe, câu cá, du thuyền. Ngoài ra còn có các tour du lịch giáo dục và du lịch sinh thái như ngắm chim, thám hiểm hang động, leo núi, đi bộ xuyên rừng. Các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm di sản văn hóa, công viên chủ đề và trung tâm giải trí cũng được mở cửa đón khách.
Indonesia cũng xem xét việc mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác từ tháng 10/2021. Ban đầu, Indonesia sẽ ưu tiên tiếp nhận du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand trong bối cảnh mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại các quốc gia này thấp. Dự kiến, đến khi đạt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 cho 70% người dân, nước này sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài.
Thái Lan trước đó công bố kế hoạch từ 1/10 sẽ tiến hành mở cửa đón khách quốc tế đến Bangkok, Chiang Mai, cùng các khu du lịch ở Pattaya, Cha-Am và Hua Hin. Tùy theo đặc thù riêng, mỗi địa phương sẽ triển khai những cách thức đón khách khác nhau, phù hợp với lợi thế của từng điểm đến. Một số địa điểm khác dự kiến cũng sẽ mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 10, theo mô hình "bong bóng" với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, vào ngày 23/9, nước này cho biết kế hoạch mở cửa trở lại 5 tỉnh nói trên có thể sẽ phải trì hoãn đến tháng 11 do tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương này vẫn chưa đạt mức 70%.
Như vậy, có thể thấy các nước khu vực Đông Nam Á cho đến nay vẫn khá dè dặt trong việc mở cửa lại ngành du lịch cho tới khi tỉ lệ tiêm chủng có thể đạt mức miễn dịch cộng đồng.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
|
Hà Linh
loading...