Chân dung công tố viên đặc biệt điều tra quan hệ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Nga
(Thethaovanhoa.vn) - Sau James Comey, cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller được bổ nhiệm là công tố viên đặc biệt vụ điều tra mối quan hệ giữa ban vận động của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Điện Kremlin.
- Hé lộ ‘bữa tối định mệnh’ của Giám đốc FBI với tổng thống Donald Trump
- Quyền Giám đốc FBI để lộ mâu thuẫn gay gắt với Nhà Trắng
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 17/5 đã chỉ định cựu Giám đốc FBI Robert Mueller trở thành công tố viên đặc biệt giám sát vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016. Trước đó vị cựu Giám đốc FBI này cũng rất quen thuộc với vị trí giám sát các án điều tra và khởi tố.
Robert Mueller là người tiền nhiệm của James Comey – cựu Giám đốc FBI bị Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải vào tuần trước. Ông Mueller là Giám đốc FBI có thời gian tại nhiệm dài thứ hai trong lịch sử các đời giám đốc FBI, chỉ sau vị Giám đốc gây tranh cãi J. Edgar Hoover. Vào năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cho phép kéo dài nhiệm kỳ của ông Mueller từ 10 năm lên thành 12 năm.
Ông Mueller (72 tuổi), trở thành Giám đốc FBI từ tháng 4/9/2001, chỉ vài ngày trước khi xảy ra thảm kịch khủng bố 11/9, và chính thức rời khỏi chức vụ vào tháng 9/2013. Ông Mueller luôn được đánh giá là một nhà điều tra kiên trì, phi chính trị và được cả hai chính đảng tôn trọng.
Ngay cả khi rời khỏi vị trí tại FBI, ông Mueller cũng không trở thành người xa lạ đối với các cuộc điều tra cấp cao.
Năm 2015, ông Mueller đã thực hiện một cuộc điều tra Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia Mỹ (NFL), giải quyết thỏa đáng vụ cầu thủ Ray Rice đấm hôn thê của mình. Năm ngoái, ông cũng được công ty Booz Allen Hamilton yêu cầu xem xét lại sự việc một nhà thầu bị bắt giữ vì cáo buộc đánh cắp bí mật an ninh quốc gia.
Philip Mudd – cộng tác viên của kênh truyền hình CNN đồng thời là cựu Phó Giám đốc FBI dưới thời ông Mueller chia sẻ: “Những người Mỹ từng nghĩ đây là thời điểm hỗn loạn có thể thở phào tối nay. Robert Mueller là một người rất đáng tin cậy. Ông ấy không phải là một trong những người giỏi nhất, Robert Mueller, ông ấy là người giỏi nhất mà tôi từng gặp. Tài lãnh đạo, sự phán đoán, khả năng ra quyết định. Không ai có thể tốt hơn trong việc theo đuổi một mục tiêu mà không bị áp lực từ phía Quốc hội, Tổng thống, truyền thông, bất kể ai trong FBI, Bộ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Tư pháp. Không một ai tốt hơn”.
Ở vị trí lãnh đạo FBI, ông Mueller là người chứng kiến sự thay đổi lớn của Cục Điều tra Liên bang sau thảm kịch 11/9. Trong suốt thời gian tại vị, ông có thể nhìn thấy sự nổi dậy của phiến quân Al-Qaeda trở thành một mối đe dọa, khả năng giám sát của Mỹ được mở rộng và mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố tại nước nhà ngày một gia tăng. Trả lời phỏng vấn với CNN năm 2013, ông Mueller cho biết khả năng thu thập tình báo của Mỹ từ sau 11/9 có thể ngăn chặn được một phần các cuộc tấn công.
Ông Mueller cũng là người đứng sau ủng hộ ông Comey trong vụ tranh cãi nảy lửa về một chương trình ghi âm lén của chính quyền Bush năm 2004. Lúc đó ông Comey đang là quyền Bộ trưởng Tư pháp khi Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft phải nằm viện. Comey đã từ chối tái cho phép thực hiện chương trình ghi âm lén của chính quyền Bush đề xuất do quan ngại về tính hợp pháp của việc theo dõi.
Trong khi các cố vấn Nhà Trắng và Chánh văn phòng đổ xô đến bệnh viện để tìm cách buộc ông Ashcroft ký cho phép tái thực hiện chương trình trên, thì cùng lúc ông Comey cũng xuất hiện ngăn cản họ, dù sau này chương trình đó vẫn được thông qua mặc cho không có sự ủng hộ từ Bộ Tư pháp. Sự hỗ trợ của ông Mueller dành cho ông Comey được tiết lộ sau đó 3 năm. Trong năm 2004, ông Mueller đã cùng ông Comey dọa từ chức nếu như chương trình nghe lén không được xem xét lại.
Trước đó, ông Mueller từng gia nhập đơn vị thủy quân lục chiến phục vụ trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam. Sau đó, ông về Mỹ học tiếp Đại học Luật Virginia và tốt nghiệp. Ông làm việc 12 năm tại các văn phòng luật sư Mỹ, có lúc còn đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban hình sự tại quận Bắc California ở San Francisco và sau đó làm trợ lý luật sư Mỹ tại Boston.
Ông làm cho công ty tư nhân trước khi một lần nữa tham gia vào chính phủ trở thành trợ lý cho Bộ trưởng Tư pháp năm 1989, sau đó nhanh chóng đảm nhận vị trí lãnh đạo Vụ Hình sự của Bộ Tư pháp. Sau đó, ông rời trụ sở Bộ Tư pháp, trở thành một luật sư ở San Francisco, rồi mới gia nhập FBI năm 2001.
Ông Mueller đã lập gia đình và có hai người con gái.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức